Tôi nói điều này vì ban trưa, đồng nghiệp trẻ nhắn trên Zalo về các quán cà phê trên phố vẫn đông nghịt và cũng không luôn khẩu trang, dù đã là ngày thứ hai phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tôi biết em bức xúc, không chỉ vì bệnh nghề nghiệp mà vì sự thờ ơ, thậm chí là xem nhẹ yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ để phòng chống lây lan COVID-19. Tôi cũng đoan chắc, câu chuyện trong các quán cà phê thể nào người ta cũng sẽ bàn luận về virus kinh khủng ấy, và sợ hãi nó. Nỗi sợ bằng lời, xem ra vẫn chưa đủ thấm để có những hành động và ứng xử đúng!
Thực ra, cà phê sáng, từ lâu đã trở thành sinh hoạt văn hóa của người dân, không chỉ ở Huế. Người ta uống cà phê sáng không chỉ vì nghiền, nhớ cà phê mà còn vì bầu không khí xung quanh nó. Nên cũng là điều dễ hiểu khi những ai đó luôn có một nơi chốn quen thuộc với một ly cà phê quen thuộc. Ở đó, chủ quán và khách dù không hề nói với nhau tiếng nào, vẫn biết người này uống ít đường, người kia là cà phê ít sữa, người khác nữa chỉ thấy cà phê ngon đúng khi ngồi vào một góc quen thuộc. Có người luôn ghé một quán cà phê vì ở đó, họ có những người bạn và những câu chuyện thiên trời địa đất mà nếu thiếu vắng một ai đó, cà phê hôm ấy hẳn sẽ rất nhạt…
Tôi cũng chỉ muốn nói về độ ghiền cà phê ở khía cạnh văn hóa này và xin không đề cập đến sự lạm dụng nó theo kiểu trà dư tửu hậu đã có lắm phàn nàn. Thậm chí là phải chấn chỉnh bằng quy định cho công chức, viên chức. Thế nên, bỏ lửng một thói quen dễ thương, cũng là một cách ứng xử buộc phải chấp nhận trong những ngày này. Tôi biết mình vẫn có thể ra quán, ngồi xuống một lúc với những người bạn, nhưng nếu thế cà phê sẽ không ngon như cách mà nó hiện diện, đồng thời là sự nơm nớp về khả năng lây nhiễm sẽ “rơi vào đầu” như thế nào.
Thay vì nhấm nháp và nói chuyện với bạn bè, tôi có thể vừa uống cà phê hòa tan còn rất nóng, vừa khởi động, kiểm tra và giám sát công việc đang chạy như thế nào, ách tắc ở đâu và việc gì cần ưu tiên giải quyết…sau khi lướt mạng đọc vài thông tin quan trọng. Nghĩa là vẫn có cách để tìm được những gì hữu ích khi không/hoặc không thoải mái cà phê như cũ với bạn bè.
Đồng nghiệp trẻ nhắn thêm là để em xem mình có bị bể đầu khi đi quay vài hình ảnh vụ này không. Tôi biết em muốn nói đến việc ném đá trên mạng từ những đôi tay gõ phím. Đó cũng là một hành xử chả hề nên có, nhưng sự tuân thủ và cả ý thức văn hóa công cộng nữa - ví dụ như chuyện đeo khẩu trang và độ giãn về khoảng cách nữa - lại phải đến từ mỗi người.
Dù tôi lại vừa pha một ly cà phê gói và biết mình đang nhớ cà phê và chốn ngồi cũ.
YÊN MINH