ClockThứ Bảy, 16/03/2019 16:09

Cấp thiết xây dựng thương hiệu áo dài Huế

TTH.VN - Hội thảo do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ trì và điều hành. Cùng tham gia, còn có TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và nhà thiết kế thời trang Đặng Thị Minh Hạnh.

Áo dài Huế: Cần chiến lược xứng tầm thương hiệuHuế cần một trung tâm lễ phục truyền thốngÁo dài truyền thống hòa cùng các điểm di tíchMiễn vé tham quan di tích cho phụ nữ mặc áo dài truyền thống trong 3 ngàyTạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế”

Chủ tịch UBND Phan Ngọc Thọ chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu là các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế thời trang và các chủ cơ sở may đo áo dài trên địa bàn. Tâm huyết và dành nhiều tình cảm cho Huế, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm cá nhân về áo dài Huế qua nhiều góc nhìn, từ di sản văn hóa, doanh nghiệp du lịch, nhà thiết kế thời trang, chuyên gia thương hiệu đến vấn đề tài sản trí tuệ.

Nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế” được bàn luận sôi nổi và sâu sắc.

Hội thảo khẳng định, Huế là cái nôi của áo dài truyền thống Việt Nam và áo dài Huế chính là một tác phẩm nghệ thuật, là cốt cách, tâm hồn Huế. Việc quan trọng mà Thừa Thiên Huế cần làm ngay là xác định sở hữu trí tuệ cho áo dài Huế. Như nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh nói: Trong tâm thức người việt, nói về Huế bao giờ người ta cũng nghĩ đến ngay hình ảnh của cô thiếu nữ, áo dài tím, nón lá và tóc thề. Với nhân dáng rất đẹp đó, tại sao chúng ta không biến nó thành một biểu tượng của Huế. Dĩ nhiên, trong biểu tượng ấy, chiếc áo dài chính là chủ thể.

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh trao đổi với các nghệ nhân dệt zèng

Là nhà thiết kế thời trang giàu kinh nghiệm, bà Minh Hạnh khẳng định, “áo dài Huế có nét riêng trong cái chung của áo dài Việt”. Theo bà, để xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế, Thừa Thiên Huế cần nhìn nhận áo dài như một sản phẩm tiêu dùng mang tính đặc trưng của Huế và mang tính thương mại cao. Sự cao cấp không nằm ở giá trị mua sản phẩm mà chính là chính ở hàm lượng văn hóa được dùng để tạo ra một sản phẩm thực sự hữu hiệu cho đời sống. Do đó, để tôn vinh áo dài Huế, vấn đề không phải chỉ là chất liệu hay kiểu dáng mà chính là những câu chuyện lịch sử, văn hóa của vùng miền hàm chứa trong chiếc áo dài đó. Và khi sản phẩm được đưa ra thị trường, giá trị tinh thần ẩn chứa bên trong lớn hơn nhiều so với giá trị vật chất tạo nên chiếc áo.

Theo ông Lê Đăng Thọ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, hiện nay là thời điểm chín muồi để Thừa Thiên Huế thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho áo dài Huế. Với những lợi thế về truyền thống văn hóa, về đội ngũ thợ may đo lành nghề và sự hỗ trợ các ngành các cấp, Thừa Thiên Huế có đầy đủ các điều kiện cần và đủ để làm việc này. Do đó, địa phương cần nhanh chóng thành lập hiệp hội sản xuất kinh doanh áo dài Huế. Hiệp hội chính là là người chủ đơn đứng ra đăng ký nhãn hiệu tập thể cho áo dài Huế và sau này giúp cho tỉnh quản lý và phát triển nhãn hiệu lâu dài cho sản phẩm.

Không gian hội thảo

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa, ông Nguyễn Xuân Hoa, cho rằng việc xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế không chỉ dừng lại ở việc chứng nhận, mà quan trọng là phải được cả xã hội công nhận. Không phản bác các mẫu áo dài cách tân, nhưng theo ông Hoa, cần thiết phải giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi nữ sinh về vẻ đẹp, cốt cách của áo dài truyền thống.

“Có sự giáo dục để chính các em biết chọn lựa đúng đắn thời trang phù hợp với cốt cách Việt Nam. Cách tân gì cũng được, nhưng cốt cách tâm hồn phải là người Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu chúng ta xây dựng tốt thương hiệu áo dài huế, làm tốt dịch vụ áo dài Huế chính là góp phần làm cho Huế mỗi ngày một đẹp về văn hóa và phát triển về kinh tế và xã hội", ông Hoa nói.

Trưng bày mẫu áo dài truyền thống

Huế cần có không gian riêng về áo dài là nội dung được nhiều đại biểu đề xuất. Có thể đó là một con phố dành riêng cho áo dài, một trung tâm lễ phục hội tụ đầy đủ các không gian chức năng liên quan đến áo dài hoặc là một trung tâm trình diễn xứng tầm… Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét địa điểm phù hợp để bố trí cho không gian của áo dài. Đồng thời, sẵn sàng kết nối với các nhà đầu tư có năng lực, có dự án và lộ trình tốt.

Liên quan đến vấn đề không gian riêng cho áo dài Huế, nhà thiết kế Minh Hạnh đề xuất: “Không gian này phải được tổ chức bởi những người làm thương mại chuyên nghiệp. Tôi nhấn mạnh tính chuyên nghiệp trong chuỗi quy trình nâng áo dài lên tầm sản phẩm tiêu dùng thiết thực với đời sống và Huế tự hào với không gian ấy. Trong quá trình thực thi, tính chuyên nghiệp được định hình: có tâm huyết, có nghề, chịu hy sinh và kiên trì.

Phụ nữ Huế trong trang phục áo dài

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND Phan Ngọc Thọ tiếp thu tất cả những vấn đề được các đại biểu đề xuất, kiến nghị. Ông khẳng định, Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để áo dài trở thành thương hiệu lớn và đặc trưng của Huế. Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu về tên gọi thương hiệu, đảm bảo ngắn, gọn và dễ nhớ. Chắc chắn, tên gọi thống nhất sẽ là sự đồng thuận chung của những chuyên gia về xây dựng thương hiệu.

Bài, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
1.500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

Tối 21/11, hội nghị Da liễu Quốc tế diễn ra phiên khai mạc chính thức. Hội nghị do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 1.500 đại biểu trong, ngoài nước là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ.

1 500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top