ClockChủ Nhật, 06/02/2022 13:15

Cây xanh cho thành phố di sản

TTH - Với tỷ lệ 12,9m2 cây xanh/người, Huế được tôn vinh là “Thành phố xanh quốc gia”. Để tạo dựng thương hiệu xanh ấy là những câu chuyện thầm lặng và cảm động về đời cây, đời người.

Sự hồi sinh kỳ diệu của “cụ” xà cừ

“Cụ” xà cừ bị đổ do bão cuối năm 2020 đã hồi sinh

“Cụ” xà cừ đã hồi sinh

Cuối năm 2020, những cơn bão liên tiếp đổ bộ vào TP. Huế làm hơn 5.000 cây xanh gãy, đổ. “Chứng kiến hàng loạt cây xanh đang mơn mởn xanh tươi, phút chốc ngổn ngang, chúng tôi không thể nào cầm lòng”. Ông Đặng Ngọc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh (TTCVCX) Huế xúc động nhớ về những hình ảnh đau thương cách đây đúng một năm. Sau bão, người dân Huế thảng thốt hay tin cây xà cừ số 13 - một trong những cây cổ thụ lớn nhất Huế, cùng bao cây xanh khác của thành phố - đã bị quật ngã.

Dù xác định phải quyết tâm cứu “cụ” xà cừ bằng mọi giá, nhưng Ban giám đốc TTCVCX Huế cũng đã tính đến kết quả xấu nhất. Nếu cây không qua khỏi, sẽ tính toán sử dụng thân gỗ của “cụ” làm chất liệu cho một cuộc thi điêu khắc. Tác phẩm ấy khi hoàn thành sẽ trưng bày trong một không gian thích hợp để người dân Huế có thể tưởng nhớ. 

Một năm sau, đầu tháng 11/2021, trở lại thăm cây, chúng tôi lặng đi khi trên vị trí mới bên bờ sông Hương, “cụ” xà cừ hiện ra, kiêu hãnh như một chiến binh. Trên thân cành vạm vỡ còn nguyên lớp băng bó, những chùm lá non xanh, căng đầy nhựa sống đầu tiên đã hồi sinh.

Nhà giáo ưu tú, chuyên gia cây xanh, thầy Đỗ Xuân Cẩm là một trong số nhiều người dân Huế đã lặng thầm dõi theo cây. Chứng kiến hành trình vươn đến sự sống của “lão” xà cừ, ông nói, cây bước đầu đã hồi sinh là nhờ 3 yếu tố: Nội lực của cây; thời tiết cuối đông, đầu xuân ban đầu thuận lợi giai đoạn đầu, khi cây mới được trồng và và nhờ sự bảo đảm quy trình chuyên môn tốt khi cắt xén cành, di chuyển, chăm sóc…

Nhớ lại hành trình hồi sinh của cây, Phó Giám đốc TTCVCX Huế - Đặng Ngọc Quý cho biết, khi “hội chẩn”, thấy rễ cây tổn thương không quá nhiều, đã thắp lên hy vọng khả năng sống sót. Nhưng, để cây đến nay đã cho lứa lá mới là cả một chặng đường gian nan. Từ việc di chuyển ra sao để cây không tổn thương, tróc vỏ. Đến chọn vị trí mới đặt cây ở đâu, vừa phù hợp, vừa tránh ngập úng. Hay quấn lưới toàn thân cây như thế nào để giữ ẩm trong mùa hè nóng nực. Các cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm nhất cũng được cử chăm cây, từ giữ đất quanh gốc luôn tơi xốp, đủ ẩm; điều tiết lượng nước tưới phù hợp tùy vào thời tiết từng ngày, từng mùa. Rồi phân thuốc, xử lý nấm mốc, chữa lành vết thương ở rễ và những cành cây cưa cụt…

Bằng tất cả tâm sức ấy, cùng cây xà cừ cổ thụ, 3.000 cây xanh trong số hơn 5.000 cây xanh ngã, đổ, hư hại sau các cơn bão cuối năm 2020 ở TP.Huế đã được cứu chữa. Gần 2.000 cây còn lại không thể cứu vãn, cũng đã được thay thế. Nhìn ngắm những con đường yên bình lại được che rợp bóng cây,  thay cho cảnh hoang tàn cách đây đúng một năm sau bão, những người làm công việc giữ cây xanh cho TP. Huế bảo: Đó là cả một cuộc tái thiết.

“Bắt mạch” cho cây  

Chúng tôi gặp anh Lê Thông Tính - Phó phòng Kỹ thuật (TTCVCX Huế) vào một ngày giữa đông, khi anh đang cùng các cộng sự tiến hành cắt cành cho cây xà cừ cổ thụ gần 100 tuổi trước Đại Nội.  

 “Mùa đông, khi cây ngủ là lúc chúng tôi tiến hành cắt cây, mé cành. Trong thời tiết khắc nghiệt ở Huế, cây phải được cắt nhánh, mé cành, chăm bẵm cẩn mật mới hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai”. Anh Tính nói, trong tiếng cưa máy vang rền vọng xuống từ chiếc thang chuyên dụng cao chót vót chở các tay cưa đang áp sát ngọn xà cừ.

Khi lưỡi cưa cắm sâu, một phần nhánh cây to đã thối mục được cắt lìa, lộ vết thương lớn. Trên vết cắt còn ứa nhựa, các “bác sĩ” cẩn thận nhẹ tay xoa lên lớp keo chống thấm, cùng các hóa chất chống nấm, mốc, vi khuẩn, côn trùng…, giúp cây nhanh lành sẹo. Được trồng từ thời thuộc Pháp, đây là một trong 600 cây cổ thụ quý đang được bảo tồn, chăm sóc trên địa bàn TP. Huế.

Tốt nghiệp ngành làm vườn sinh vật cảnh (Đại học Nông lâm Huế) rồi đầu quân cho TTCVCX Huế, anh Lê Thông Tính đến nay đã hơn 20 năm làm nghề “bắt mạch” cho cây. “Kiến thức học được ở trường rất ít ỏi. Vào nghề, chúng tôi chủ yếu là tự học từ thực tế, học từ kinh nghiệm người đi trước”, anh Tính chia sẻ về công việc.

Để chăm sóc, bảo vệ cho hơn 65.000 cây xanh trên toàn TP. Huế, TTCVCX Huế bố trí hai tổ chuyên môn với hàng chục nhân viên phụ trách khu vực bờ Bắc và bờ Nam sông Hương. Hàng ngày, luôn có từ 2 đến 4 cán bộ nhân viên đảm trách nhiệm vụ khảo sát toàn bộ cây xanh trên các tuyến phố. “Với thời tiết khắc nghiệt, nóng ẩm, nhiều mưa của Huế, cây thường đối diện với rất nhiều loại bệnh. Phổ biến nhất là sâu, rầy, rệp, nấm, mốc, kiến, mối, mọt...”. Anh Tính chia sẻ.

Bằng kinh nghiệm của mình, các “bác sĩ” bắt mạch cho cây qua những đấu  hiệu bất thường. Khi lá “buồn”, rũ xuống là biết cây đang đau ở rễ. Khi thân cây mọc lên các loại nấm là dấu hiệu thân hư, mục. Cũng phải tinh mắt để phát hiện sớm sâu bệnh, các ổ kiến, mối, mọt… để kịp thời kê đơn, bốc thuốc. Nhẹ thì vệ sinh, làm sạch, bơm thuốc khử khuẩn, diệt sâu bọ, côn trùng. Nặng thì “phẫu thuật”, cắt lọc những chỗ hư hoại, dưỡng thương cho cây... Dẫu vậy, hàng năm, toàn thành phố vẫn có từ 500 - 800 cây xanh không thể cứu chữa do bệnh tật, già lão... buộc phải thay thế.

Không chỉ đối diện với tuổi tác, sâu bệnh, bão lũ, thật trăn trở khi mối đe dọa cho cây xanh đô thị lại đến từ hoạt động sống của con người. “Mỗi lần hoàn thành một công trình công cộng nào đó, chúng tôi lại phải gánh thêm công việc chữa lành vết thương cho cây. Nhẹ thì tróc vỏ, xước thân, gãy cành. Nặng thì trốc rễ, ngã, đổ”.  Một nhân viên chăm sóc cây xanh xót xa, về tình trạng các công trình hạ tầng khi thi công đã chưa quan tâm ưu tiên đến bảo vệ sự an toàn cho cây xanh.  

 “Toàn đơn vị hiện có 285 cán bộ công nhân viên, trong đó công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị tập trung khá nhiều công sức, nhân lực. Công việc đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, sự kiên trì và kinh nghiệm. Phải lắng nghe, thấu hiểu, chăm bẵm cây bằng cả tấm lòng yêu cây, yêu nghề”, Phó Giám đốc Đặng Ngọc Quý trải lòng về công việc thầm lặng của mình và đồng nghiệp, để giữ màu xanh trong lành, mát dịu cho Cố đô Huế - một thành phố di sản mà ở đó, cây xanh đã trở thành một phần di sản quý giá của Huế.

Ngày 28/6/2016, Huế là thành phố đầu tiên được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) trao bằng công nhận “Thành phố xanh quốc gia”. Với hơn 64.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1, TP. Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, đạt 12,9m2/người, chưa kể cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan.

Bài: Kim Oanh - Ảnh: Phan Thành   

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá thiên nhiên cùng Meditours – Công ty tour trekking hàng đầu Việt Nam

Du lịch trekking trở thành lựa chọn lý tưởng cho những ai khao khát tìm lại sự yên bình giữa núi rừng hùng vĩ. Là công ty tour trekking hàng đầu Việt Nam, Meditours mang đến những hành trình đầy thử thách và cảm xúc, giúp du khách chinh phục thiên nhiên và khám phá tiềm năng bản thân.

Khám phá thiên nhiên cùng Meditours – Công ty tour trekking hàng đầu Việt Nam
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

TIN MỚI

Return to top