ClockThứ Năm, 29/08/2019 13:45

Chị Mây làm kinh tế

TTH - Từ hai bàn tay trắng, chị Tà Rương Mây ở thôn Ba noong, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông nỗ lực để có ngôi nhà khang trang, có thu nhập từ trồng cao su, keo…; “quy hoạch” khu vườn ngăn nắp, sạch, đẹp, là tấm gương cho hội viên phụ nữ trên địa bàn.

“Trụ cột” của bản làngGiúp người đâu cần đong đếm

Chị Tà Rương Mây (bên trái) chăm sóc đàn heo

Đó là nhận xét của chị Nguyễn Thị Hoài Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn, nay là Phó Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Nam Đông. Quả thật, bờ rào dâm bụt xanh mướt, những hàng cau thẳng tắp và dàn hoa lan đủ các loại khiến cái nắng chói chang dịu hẳn. Vườn cũng phủ xanh bởi chuối. Trên khoảnh đất cao còn lại, hơn năm chục cây cam 1 năm tuổi đang vươn lên. Lưng đeo gùi, điều khiển chiếc xe máy lấm bụi vừa về đến ngõ, chị Mây cười mộc mạc bảo sáng nay vào rẫy từ 4 giờ sáng. Vợ chồng chị vừa cạo mủ cao su về.

“Năm 1998, cưới nhau xong vợ chồng tôi ở trong ngôi nhà tranh dựng tạm trên đồi. Vốn liếng sau khi cưới “đổ” ra hết mua 3 con heo giống. Chịu khó đi cắt môn mọc ở khe suối, kiếm cây chuối rừng về chế biến làm thức ăn cho heo. Xác định nuôi heo để dần dần tăng đàn, nên vợ chồng tôi nấu rượu bán đồng thời tận dụng hèm; trồng chuối trong vườn vừa để thu hoạch trái, vừa đảm bảo nguồn thức ăn cho heo. Bán lứa heo này, vợ chồng tôi mua tăng giống lứa khác. Cứ vậy, đàn heo của gia đình lúc nhiều nhất là 20 con”- chị Mây nhớ lại những ngày đầu “khởi nghiệp”.

Với suy nghĩ, đất không được nghỉ, chân tay cũng không nghỉ, chị Mây bàn với chồng mua giống trồng cao su, keo trên 2 ha đất rẫy cha mẹ cho. Khi đó chưa mua được xe máy nên những buổi vào rừng chăm sóc hoặc cạo mủ cao su, vợ chồng chị Mây thức dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ gần một tiếng đồng hồ. Cao su cho thu hoạch từ 5-7 triệu đồng mỗi tháng. 1ha keo dao động từ 50-60 triệu đồng. “Vừa rồi gia đình tôi mới thu hoạch keo, mới trồng lại xong”. Chị Mây lại cười mộc mạc.

Năm 2005, sau khi ngôi nhà tạm bằng tranh tre nứa lá bị bão cuốn bay, cùng với 6 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng chị Mây dùng số tiền gom góp được, vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà rộng rãi khang trang. An cư rồi, vợ chồng chị tiếp tục nỗ lực, cố gắng trả hết nợ nần, phát triển kinh tế. Khi đường quốc phòng đi ngang qua địa phận thôn Ba noong, gia đình chị Mây là một trong những hộ bị ảnh hưởng. Phần đất của gia đình (trên đó có khoảng 300 cây keo) bị con đường chạy ngang qua “cắt rời”, vợ chồng chị Mây “gật đầu” cho luôn nhà hàng xóm.

“Khoảnh đất đó liền với vườn hàng xóm, người ta canh tác tiện hơn nên vợ chồng tôi cũng không tiếc gì. Người ta quý đất, biết tận dụng, khai thác, sản xuất để tăng thêm thu nhập là mình vui rồi”, người phụ nữ nơi bản làng của núi rừng Nam Đông chia sẻ. Riêng khoảnh đất ở vị trí cao nhất của khu vườn lâu nay chưa tận dụng, năm ngoái chị Mây “rủ” chồng trồng cam. Hơn 50 cây cam đang vươn lên đầy sức sống.

“Từ hai bàn tay trắng, từ ngôi nhà tạm bằng tranh, vợ chồng chị Mây cùng nỗ lực để có nhà cửa đàng hoàng, có thu nhập ổn định từ cao su, keo, từ đàn lợn, bầy gà; trong nhà khá đầy đủ các vật dụng tiện nghi. Là hội viên phụ nữ, chị Mây thực hiện được điều mà tổ chức hội các cấp vận động, biết “thu xếp” cho khuôn viên, vườn tược ngăn nắp, sạch đẹp, nhiều sắc xanh hoa lá. Nếu gia đình nào cũng làm tốt điều này thì bản làng của Nam Đông sẽ đẹp hơn”. Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh nói.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top