ClockThứ Năm, 23/11/2023 11:13

Chiếc ghe ở phố

TTH - Chú T. là bạn của ba tôi. Nhà có điều kiện nên tậu được biệt thự to ở An Cựu City. Đẹp, tiện nghi và sang trọng. Cha con tôi ghé thăm được chú khoe đủ thứ. Không có chi lạ trong mua sắm, chỉ ngạc nhiên là chiếc ghe được chú giới thiệu rất rành rọt, được cất kỹ ở tận tầng ba. Chú bảo, lạ lắm phải không, sắm chiếc ghe là để khi lụt to có phương tiện mà đi lại. Rồi chú giải thích, thường khi có lụt, đường sá trong vùng đều bị úng ngập, vậy nên chỉ có ghe xuồng là hữu hiệu nhất.

Dai dẳng tình trạng ngập lụt đô thịCảnh báo ngập sâu vùng thấp trũngTiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ trong thời gian tới

 

Nhớ dạo lên 10, có dịp về thăm bà mụ ở vùng quê trũng Phú Lương (Phú Vang), tôi thấy trong xóm, nhà nào cũng có ghe, tròng và nhiều nhà còn có cả chiếc noốc to. Thấy tôi  ngạc nhiên và thích thú, ba giải thích đó là phương tiện giao thông thể thiếu được ở vùng sông ngước. Chiếc ghe nhỏ, đan bằng tre hay làm bằng nhôm. Người dân chèo ghe để đi lại và vận chuyển hay câu cá, bủa lưới. Ghe có thể len lỏi khắp nơi, vào tận con hói, con mương nhỏ nên cơ động vô cùng.

Cũng nhỏ và có chức năng tương tự là tròng. Khác ghe ở chỗ, tròng thường dài, đóng bằng gỗ, di chuyển chủ yếu bằng cách chống… sào tre. Cũng bởi thế, tròng không ra được sông lớn, chỉ loanh quanh ở con hói, con kênh. Noốc cũng như tròng nhưng to hơn, có thể gài chèo để di chuyển khi ra sông. Không thể tưởng tượng nổi nhà nào ở vùng trũng, mùa lụt to ngập tràn mênh mông mà không có được chiếc ghe hay tròng. Từ ghe, người dân vùng nước sáng tạo nên chiếc ghe đua và “biến thể” của tròng và cả noốc nữa là những trải đua, thuyền đua để mở hội đua khi vào mùa lúa mới, chào đón xuân về hay các dịp lễ trọng.

Trận lụt đầu năm nay, buổi sáng chạy về làng với nội, đi qua cầu vượt Thủy Dương thấy ô tô đậu cả một dãy dài. Thì ra, đó là ô tô “chạy lụt”. Chủ xe ở vùng thấp trũng kiểu như An Cựu City hay cả vùng lân cận xung quanh. Sợ nhất dạo ni là lụt bất ngờ lên nhanh. Vậy nên, có xe ô tô không thể yên tâm để tại ga-ra gia đình mà an toàn nhất là đem xe lên đậu ở vùng cao ráo và an toàn. Tôi nghe cũng có biết bao chuyện phiền toái xung quanh những chiếc ô tô sang trọng này.

Chú T. bảo, sắm sẵn chiếc ghe trong nhà tiện lợi vô cùng. Một là, có thể đi lại khi úng ngập, các đường phố lớn trở thành sông, thành suối. Vốn là người của công việc, thật là một cực hình khi úng ngập phải ngồi bí rị lâu ở nhà. Vậy nên, sẵn có chiếc ghe, những năm qua gặp lúc úng ngập, gia đình chú di chuyển dễ dàng, có điều kiện thăm hỏi và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do úng lụt gây ra. Cũng đã có trường hợp, chú dùng ghe chở giúp người gặp nạn đến nơi an toàn.

Chú T. cũng bảo, ngày trước khi mua nhà ở vùng đô thị mới này, đã có nhiều người cảnh báo nhưng chú không tin, chừ mới “sáng mắt” ra. Vẫn biết úng ngập là chuyện muôn thuở của xứ Huế mình nhưng cái kiểu làm nhà ở chỗ trũng không bị ngập lụt mới là chuyện lạ. Phải ngập úng to nước mới tràn vào nhà. Thế nhưng, cảnh đường sá ngập sâu, không thể di chuyển được thì lại là một chuyện khác. Nó tạo nên một cảm giác tù túng khó chịu. Được biết, mới đây một số tuyến đường ở những khu đô thị mới đã được nâng cao, nhưng xem ra đã trở thành những con đập chắn và không thể giải quyết được vấn đề giao thông trong vùng khi ngập lụt.

Trong lúc chờ đợi một giải pháp mang tính toàn cục, mỗi người dân phải lo tự cứu lấy mình. Và, một trong những phương cách đó là như chú T. là sắm sẵn một chiếc ghe để có phương tiện hữu dụng khi úng ngập xảy ra. 

THỤC ĐAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới
Return to top