ClockThứ Ba, 01/08/2023 10:22

Chưa kịp giàu, cha mẹ đã già

Tấm lòng hiếu thảoHướng về cội nguồn

Đó là một buổi tối cuối tuần, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, cô đốt hũ nến thơm hương lavender và nằm nghe podcast trên kênh Hiếu TV như một thói quen vài năm nay. Tập podcast có chủ đề “Chưa kịp giàu, cha mẹ đã già”. Vẫn giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, anh đưa ra chính câu chuyện bản thân và sự áp lực, trăn trở của nhiều người trẻ đang cố gắng thành công nhanh chóng vượt qua tốc độ già đi của cha mẹ. Khi nghe đến đoạn bây giờ đã có chút thành công, có dư khả năng để mua cho cha bất kỳ mảnh vườn nào và báo đáp cha bằng những điều tốt nhất thì cha anh không còn nữa… Tự dưng mắt cô rưng rưng…

leftcenterrightdel
 

Mỗi dịp sinh nhật hay đầu năm mới, cô thường nghe điều mong mỏi của cha mẹ là “con cái khỏe mạnh, công việc ổn định, cả nhà hạnh phúc,…”. Cô bảo không phải, là ước mơ của riêng cha mẹ ấy. Cha mẹ đã từng khao khát làm công việc gì, đi đến những vùng đất nào, hay muốn mua một món đồ nào không. Không ai bảo ai, cha mẹ nhìn nhau, lắc đầu bảo không. Quanh quẩn trong đầu họ chỉ là hôm nay đứa này đóng học phí. Ngày mai đến hạn đóng tiền điện, nước, các thuế phí khác. 7749 thiệp mời cưới hỏi, phòng khi ốm đau, bệnh tật, cả “bỏ heo” dành dụm làm quà đến ngày con gái lấy chồng. Mỗi lần muốn hỏi mua thứ gì cho cha mẹ, họ đều chép miệng bảo thôi đừng, sắm sửa gì nhiều tốn kém. Khi cô bí mật đặt tặng ghế mát xa, mỹ phẩm, lọ nước hoa, thực phẩm chức năng, váy áo, dụng cụ nhà bếp…, ngay lúc nhận được hàng, họ đều sẽ gọi cô để càu nhàu, thậm chí “mắng yêu”. Nhưng cô biết rõ, cha mẹ sẽ cười tủm tỉm, long lanh niềm vui và tự hào khi kể về cô trong câu chuyện với những người hàng xóm.

Tháng năm vùn vụt trôi, "tên siêu trộm thời gian" đang dần lấy đi tuổi xuân của cha mẹ, rồi có một ngày, cha mẹ sẽ già đi và không còn trên đời theo quy luật sinh lão bệnh tử. Cô đã từng nhìn cha cô, một người đàn ông hơn 50 tuổi, vẻ ngoài mạnh mẽ gan lỳ, góc cạnh đến thế vẫn thấy trống trải, đau đáu như mất một phần tâm hồn vì “ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa” và nhớ đấng sinh thành. Cô vẫn thường ám ảnh bởi câu nói “Khi nào nuôi con mới hiểu hết lòng cha mẹ”. Cô tự hỏi “Khi nào là khi nào, sao không phải là bây giờ, càng sớm càng tốt?”. Cô nhớ đến bài viết đâu đó cô đã từng đọc, đại ý mỗi lần vào nhà sách sẽ thấy trên giá có rất nhiều cuốn dành cho bậc cha mẹ để hiểu về tâm lý con trẻ. Còn những người con thì sao, có bao giờ họ nghĩ đến việc tìm đọc những cuốn sách viết về tâm lý của người làm cha mẹ? Để thấy rằng tâm lý họ phức tạp không kém tuổi dậy thì, có những chông chênh, bất an,… từ trong sâu thẳm. Để không khó chịu khi phải giải thích hoài về cách sử dụng điện thoại thông minh ra sao vì họ đã từng kiên trì không kể hết với những ngây ngô, vụng dại của bạn. Để không phán xét khi họ vô tình làm sai vì sự bao dung của họ dành cho con cái là vô bờ bến. Để thấy thương sự già nua, lẩm cẩm hiện tại vì cha mẹ bạn cũng từng là những “người hùng”…

Trong guồng quay hiện đại, giữa hàng loạt mối quan hệ mới, câu chuyện mới, con đường mới đôi lúc khiến chúng ta “biện minh” cho việc lười gọi điện thoại, ít về thăm “những thân thương cũ kỹ” mà không biết rằng, cả thế giới của họ chỉ là những người con. “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”, nếu có thể thu xếp được, hãy dừng ngay những công việc không cần thiết, những mối quan hệ xã giao hời hợt, những cuộc chơi vô bổ để trở về nhà, nơi chỉ có tình yêu thương, một bữa cơm nhà đợi sẵn hay những cuộc chuyện trò rôm rả dưới mái hiên…

Đừng đợi đến lúc giàu mới biết hiếu thảo, vì “giàu biết chừng nào mới đủ”, điều cha mẹ mong là con cái nên người, thương yêu họ rồi sau cùng mới là giá trị vật chất. Họ vẫn luôn mong ngóng ta trở về, chỉ để nhìn thấy ta vẫn bình an và khỏe mạnh…

CẨM CÁT
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top