Bác sĩ Phan tư vấn chế độ chăm sóc cho trẻ sau sinh tại Khoa Ngoại sản, TTYT huyện A Lưới
Vượt khó
Gặp bác sĩ Phan vào một ngày đầu tháng 4, đúng dịp bà con vùng cao A Lưới rộn ràng cờ hoa chuẩn bị kỷ niệm 44 năm ngày đất nước giải phóng. Vừa hoàn tất ca sinh khó, chị trải lòng về con đường y nghiệp của mình. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng tuổi thơ chị đã mong ước trở thành bác sĩ chữa bệnh, cứu người. Ước mơ thành hiện thực khi chị rời Trường Dân tộc Nội trú tỉnh và lọt vào kỳ sát hạch ở địa phương để học cử tuyển tại Trường đại học Y dược Huế. Nhận bằng bác sĩ năm 2009, chị có rất nhiều cơ hội làm việc ở thị thành, nhưng nữ bác sĩ trẻ Phan trở lại quê để làm việc.
Ngày đầu vào TTYT huyện A Lưới, chị được “biên chế” Khoa Nội nhi. Với sức trẻ, tình yêu nghề, chị để lại dấu ấn với nhiều đồng nghiệp bằng sự tinh thông, nhạy bén trong điều trị. Bất kể giờ giấc, đêm hôm hễ có bệnh đến chị ân cần thăm hỏi, đặc biệt những ca bệnh khó, chị khám kỹ, hỏi kỹ người thân, chỉ định các xét nghiệm lâm sàng và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Chị chia sẻ, bác sĩ điều trị bệnh nhi có những khó khăn riêng vì các cháu chưa nói được các triệu chứng nên phải cẩn trọng khi điều trị. Quan điểm của chị khi tiếp cận bệnh nhi, ngoài chuyên môn còn tạo tâm lý cho trẻ là sự nhẹ nhàng, vui vẻ; ân cần phối hợp giải thích rõ bệnh tình với người nhà tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các cháu. Khi các cháu rời viện, chị đến dặn dò, hướng dẫn người thân biết cách chăm sóc cho trẻ tại nhà...
Là người con của dân tộc thiểu số, chị thấu hiểu nhận thức, lối sống sinh hoạt của bà con ở A Lưới còn hạn chế. Những ngày đầu vào nghề, bác sĩ Phan thường gặp nhiều phụ huynh ít quan tâm đến sức khỏe con cái. Khi con mắc các bệnh, thay vì phải đưa đến cơ sở y tế lại nghĩ đến việc cúng bái. Chị luôn trăn trở khi làm công tác chuyên môn... Chị nói, bản thân chị nhiều lúc bị người nhà bệnh nhân xua đuổi, chê trách vì những hủ tục của bà con dân tộc thiểu số ăn sâu vào tiềm thức. Lúc đó, chị nhẹ nhàng giải thích cho bà con mới điều trị hiệu quả.
"Bà đỡ mát tay"
Năm 2012, bác sĩ Phan được cử đi học CK I Ngoại sản. Hoàn hoàn tất khóa CK I, chị được lãnh đạo bổ nhiệm Trưởng khoa Ngoại sản, TTYT huyện A Lưới vào năm 2015. Với nhiệm vụ mới, chị nỗ lực vừa làm quản lý, vừa trực tiếp chuyên môn, khoa đã tạo địa chỉ tin yêu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh nở địa phương.
Bác sĩ Phan tư vấn cách phòng ngừa chứng trầm cảm cho sản phụ sau sinh
Hiện, TTYT A Lưới (chưa kể các trạm y tế) thu hút 200-250 lượt bệnh đến khám mỗi ngày; trong đó, Khoa Ngoại sản đón không dưới 40 trường hợp sản phụ điều khám, điều trị và sinh nở. Năm 2018, bác sĩ Phan đã "cầm trịch" trực tiếp điều trị, phẫu thuật, mổ sinh khoảng 800 trường hợp; trong đó, hơn 1/3 trường hợp ca cấp cứu, thai khó mổ lần 3 và đẻ non, đẻ ngược. Trước năm 2015, những trường hợp thai khó như vậy theo phân tuyến kỹ thuật, phụ sản chuyển lên tuyến trên. Bây giờ, họ đều ở lại TTYT A Lưới nhờ sự “mát tay” của bác sĩ Phan.
Tận mắt chứng kiến chị cẩn thận, tận tình khi khám, điều trị cho từng trường hợp ở tiền và hậu sản tại khoa mới thấy hết được sự đồng cảm và trách nhiệm trước người bệnh. Với những trường hợp bắt đầu lâm bồn thường gặp những cơn đau thắt, ngoài việc chỉ định kiến thức y khoa, bác sĩ Phan dành thời gian nói chuyện, động viên nhằm tạo tâm lý, nhẹ nhàng cho chị em trước khi “lâm bồn". Khi trẻ chào đời cũng là thời gian mà bác sĩ Phan theo dõi tư vấn chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt cho trẻ. Mọi điều, theo bác sĩ Phan, đều không được lơ là, chủ quan vì thai sản là lĩnh vực vô cùng nguy hiểm đến tính mạng...
Đã nhiều trường hợp thai sản biến chứng rơi vào tình cảnh "thập tử nhất sinh" được bác sĩ Phan can thiệp cấp cứu thành công cũng như phối hợp chuyển lên tuyến trên kịp thời để "mẹ tròn con vuông". Mới đây, có trường hợp sản phụ ở xã Nhâm, chuyển dạ khi đưa đến TTYT A Lưới trong tình trạng xấu, vì thai nằm ngang. Sản phụ dự sinh mổ lần 2 do khung chậu hẹp nhưng lại bị chứng suy tim, suy thận, nguy cơ dẫn đến tai biến tính mạng mẹ và con rất lớn nếu kéo dài. Thay vì phải chuyển sản phụ chuyển về BV Trung ương Huế sớm nhưng do người nhà chủ quan, sản phụ có nguy cơ vỡ tử cung buộc bác sĩ Phan quyết định xin lãnh đạo đơn vị can thiệp mổ cấp cứu. Nhờ quyết định đúng, sản phụ an toàn cả mẹ lẫn con trong niềm vui hạnh phúc của gia đình cùng toàn ê kíp sau gần 5 giờ liền.
Đánh giá về người đồng nghiệp trẻ, bác sĩ CK II Lê Quang Phú, Giám đốc TTYT huyện A Lưới dành nhiều trân trọng đối với “cấp dưới” của mình khi nhận xét bác sĩ Phan là người sống tình nghĩa, giàu y đức, giỏi y thuật được bà con địa phương tin yêu. Nhiều lần kiểm tra cơ sở, TS.BS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao bác sĩ Phan, người dân tộc Pacô, có trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề, yêu thương người bệnh. Đó là một gương điển hình bác sĩ trẻ đã dấn thân vì sự nghiệp chữa bệnh, cứu người ở vùng cao còn nghèo khó A Lưới.
Bài, ảnh: Minh Văn