Chuyên mục “Hoa đời thường” phát hiện, giới thiệu nhiều tấm gương tốt, nghĩa cử đẹp có sức lan tỏa trong cuộc sống. Ảnh: K.O
Những câu chuyện cảm động
Đọc bài báo “Vượt lên nghịch cảnh” của tác giả Minh Nguyên, đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 20/2/2020, không thể không khâm phục trước nghị lực vượt qua nghịch cảnh của cô giáo Hồ Thị Hoài Nhân, công tác tại Trường mầm non Nguyễn Viết Phong, TX. Hương Thủy.
Gần 5 năm chống chọi với căn bệnh xơ cứng một bên teo cơ quái ác, việc đi lại hết sức khó khăn, nhưng sau những ngày chữa bệnh, cô giáo trẻ chưa đầy 30 tuổi vẫn chăm chỉ đến lớp. Cô giáo Nhân kể, ngày phát hiện bệnh cô hụt hẫng, bế tắc và tuyệt vọng, nhưng có chỗ dựa tinh thần vững chắc từ mẹ, cô đã vượt qua nỗi đau. Cô học cách đối mặt, chấp nhận bệnh tật, sống lạc quan, vẫn đến trường chăm trẻ, vui chơi, kể chuyện cho các cháu. 5 năm qua, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hình ảnh thầy giáo làng Trần Văn Hòa trong bài viết “Ngày đi dạy, tối mưu sinh” của tác giả Mai Huế đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 1/8/2019 lại hiện lên thật chân chất, mộc mạc và giàu tình người. Gần 30 năm qua, trong gian nhà cuối thôn Đập Góc (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) thường xuyên vang lên tiếng trẻ ê a học bài. Niềm vui của thầy giáo làng Trần Văn Hòa thật giản dị: “Nhìn con em đi học, có cái chữ để tiến thân thì tôi mừng lắm. Chứ quanh năm cứ gian nan theo con tôm, con cá thì sẽ không bao giờ thoát nghèo được”.
Từ lớp học đầy tình thương của thầy Hòa, người thầy đầu tiên trong cuộc đời những học sinh vùng sông nước nghèo khó, nhiều em đã trưởng thành, có em đã thành nhà giáo, kỹ sư. Năm 2016, từ nhu cầu học chữ của phụ nữ làng chài vùng Phú An, một lớp học khác được thầy mở ra ở khu tái định cư. Cứ thế, vào sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần, thầy giáo Hòa và những học trò còn hơn cả tuổi thầy lại gặp nhau, vật lộn với con chữ để đọc thông, viết thạo. Sáng làm thầy, đến tối ngư dân Hòa lại lên đò, đến khu vực ao nuôi của mình để chăm tôm, cá mưu sinh.
Có một tấm gương cũng rất đáng ngưỡng mộ đó là chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài ở tổ 3, phường Phú Hòa (TP. Huế) - nhân vật trong bài viết “42 lần hiến máu tình nguyện” (Báo Thừa Thiên Huế ngày 23/4/2020) của tác giả Hải Thuận. Chị Lài bốc vác thuê tại chợ Đông Ba, chồng làm nghề đạp xích lô.
Chật vật với mưu sinh hàng ngày, nhưng ghi nhớ lời cha căn dặn ngày trước, chị không quên một việc làm ý nghĩa đó là hiến máu cứu người. Không cảm phục sao được khi người phụ nữ 56 tuổi đời ấy lại có đến 42 lần hiến máu tình nguyện. Có những thời điểm nhà không còn gì để ăn hay những năm tháng nuôi con nhỏ, chị vẫn có mặt tại bệnh viện chia sẻ những giọt máu của mình để cứu người trong tình huống nguy kịch. “Mỗi lần hiến máu tôi lại nghĩ đến một người đang nguy kịch như ba tôi ngày xưa được cứu sống. Vì vậy, việc hiến máu với tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng”, chị Lài bộc bạch. Và cảm phục hơn khi cũng người phụ nữ này 3 năm trước đã chủ động xin rút khỏi hộ cận nghèo để tự lập vươn lên.
Cách thể hiện trong bài viết của nhiều tác giả khá xúc động. Và quan trọng là khi gấp trang báo lại, chắc chắn nhiều người sẽ tự nhìn lại mình để từ đó không ngừng nỗ lực vươn lên, sống có ý nghĩa hơn...
Rất nhiều những bông hoa đời thường
Phát động từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020, cuộc thi “Hoa đời thường” trên Báo Thừa Thiên Huế đã nhận được nhiều bài viết về những tấm gương điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội hay những việc làm ý nghĩa và nhân văn...
Báo đã lựa chọn 59 bài viết đạt chất lượng để đăng trên chuyên mục này vào ngày thứ 5 hàng tuần. Mỗi bài viết kể về một hoặc nhiều bông hoa đời thường trong cuộc sống đang lặng lẽ tỏa hương.
Không chỉ có cô giáo Nhân, thầy giáo Hòa hay người phụ nữ chuyên đi hiến máu tình nguyện như chị Lài…, mà còn có biết bao tấm gương đáng ngưỡng mộ.
Đó là những cán bộ, giảng viên tâm huyết với nghề như TS. Đinh Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế; PGS. TS. Hoàng Thị Kim Hồng, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng, Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Huế; TS. Hoàn Hữu Tình, Trường ĐH Nông lâm Huế; bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiền, Phó Trưởng Khoa gây mê hồi sức, Phó Bí thư đoàn Bệnh viện Trung ương Huế; Trung tá Phạm Quang Anh, Đội CSGT Phú Lộc...
Hay những người nông dân đơn giản chỉ là miệt mài, hăng say trong lao động sản xuất, nhưng hiệu quả từ công việc của họ đã truyền cảm hứng cho những người xung quanh như gương anh Nguyễn Hữu Việt ở xã Vinh Xuân, Phú Vang; ông Lê Văn Đài, người dân tộc Pahy ở thôn 2, Hồng Tiến (Hương Trà); già làng Nguyễn Văn Việt ở thôn Mu Nú - Tà Rá, xã Hương Nguyên (A Lưới); chị Nguyễn Thị Cam ở thôn Lê Bình, Phú Xuân (Phú Vang)…
Cuộc thi “Hoa đời thường” đã khép lại. Báo Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức trao thưởng cho các tác giả có bài viết chất lượng nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Và trong dòng chảy của cuộc sống, chắc chắn đã, đang và sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều bông hoa đời thường khác. Những bông hoa ấy rất bình dị, mộc mạc, nhưng lặng lẽ tỏa hương thơm cho đời.
Bài, ảnh: Thùy Hương