1. Mới đi đến đầu đường Bà Triệu, thằng bé đã hỏi dò: “Đi mô ri mẹ?” Trấn an đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, tôi bảo: “Mình đi đây một chút rồi mẹ chở con đi chơi công viên”. Vẫn chưa tin tưởng, nó lại hỏi câu khi nãy: “Đi mô ri mẹ?” Thằng bé vô cùng sợ hãi mỗi khi đi khám bác sĩ, thấy bác sĩ là nó khóc khản cả cổ nên tôi không thể nói đang chở nó đi khám. Để giúp con vượt qua nỗi sợ bác sĩ, tôi đã mua bộ đồ chơi bác sĩ về chơi cùng con. Ấy vậy mà chơi thì chơi chứ gặp bác sĩ thật thì thằng bé khóc thét vì sợ.
Vừa thấy cổng nhà bác sĩ M., thằng bé đã khóc òa, chân tay rị lấy người mẹ, nhất quyết không chịu cho bồng vào nhà. Dỗ dành kiểu gì cũng không làm nó bớt sợ. Vậy là mẹ con tôi đành đứng bên ngoài cổng nhà. Sau khi đã khám cho một số bệnh nhi đến trước, bác sĩ M. bước ra phía cổng bảo tôi cứ bồng con nhìn ra ngoài đường, đừng nhìn vào nhà mà bé sợ rồi từ từ khám tim, phổi và họng cho bé. Lúc khám cho con tôi, ông nhẹ nhàng vừa khám vừa dỗ: Không đau đâu, bác khám nhẹ thôi, con há miệng ra nào… Dù vẫn còn sợ nhưng thấy bác sĩ M. nhẹ nhàng, thằng bé đã đỡ khóc hơn lúc mới đến.
Bác sĩ M. đã từng khám cho chị em tôi từ lúc nhỏ nên tôi biết, tính ông rất nhẹ nhàng và tâm lý với trẻ nhỏ. Vì vậy mà dù nhà tôi cách xa nhà ông và gần nhà tôi có nhiều bác sĩ khám nhi, tôi vẫn chở con đến nhờ ông khám.
2. Một lần con tôi bị bóc da ở tay và chân, vợ chồng tôi chở con đến khám ở một bác sĩ da liễu có tiếng ở Huế. Cũng như mọi lần, thấy chở đến nơi nào là lạ con lại hỏi: “Đi mô ri mẹ?”. Nói đi khám nó sẽ òa khóc ngay nên tôi phải dụ: “À mình đi đây một chút rồi mình sẽ đi chơi nhà bóng”. Vừa dừng xe thằng bé đã nhận ra ngay đây là nhà bác sĩ bởi trước đó, tôi đã chở con đi khám da vài lần. Thế là con nhất quyết không chịu vào phòng khám. Thằng bé khóc khản cả tiếng, khóc to đến nỗi cổ nổi cả gân và mặt đỏ gay. Khám da liễu không phức tạp như khám nhi thông thường, bác sĩ chỉ cầm cây đèn nhỏ soi vào tay chân hay chỗ nào da có vấn đề. Nghĩ vậy, tôi đánh liều nhờ bác sĩ ra ngoài xem cho cháu. Vị bác sĩ không đồng ý và lạnh lùng bảo: Bồng cháu vào đây! Tôi đành bồng con vào phòng khám, thằng bé càng sợ càng khóc dữ hơn. Thấy bé khóc và không chịu hợp tác, vị bác sĩ tỏ vẻ khó chịu, ông giật mạnh tay con tôi để khám. Thằng bé sợ đến nỗi về đến nhà mà tiếng nấc vẫn còn âm ỉ chưa dừng.
Trên đường về, tôi cứ nghĩ mãi về sự nhẹ nhàng tâm lý của bác sĩ M. vẫn thường khám cho con tôi và vị bác sĩ da liễu này. Cũng là bác sĩ như nhau mà sao bác sĩ M. lại tâm lý và nhẹ nhàng đến thế. Giá như ai cũng được như ông thì tốt biết mấy. Tất nhiên, không thể yêu cầu bác sĩ ra ngoài khám cho tất cả bệnh nhân, nhưng cái gì cũng có thể có ngoại lệ. Với đứa trẻ nhỏ và quá sợ hãi, bác sĩ có thể tâm lý một chút, nhẹ nhàng hơn một chút và thậm chí ra ngoài khám cho trẻ như bác sĩ M. Chỉ vài bước chân chứ có bao xa và cũng chẳng mất công gì… “Lương y như từ mẫu”, bác sĩ nào cũng cần có cái tâm, cái tình đối với người bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ thì lại càng cần cái tâm, cái tình ấy...
Thanh Vân