ClockChủ Nhật, 26/02/2017 06:45
GS.TS.Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế, Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế:

"Bác sĩ - người thầy cần hai chữ tuệ & tâm"

TTH - “Điều đó lý giải và thể hiện trong những công việc hằng ngày”, NGND.GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế; Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

GS.TS. Cao Ngọc Thành

Người bệnh nào khi bước chân vào bệnh viện cũng đều thao thức, lo lắng. Họ mong ước khỏi bệnh và tin tưởng vào người thầy thuốc. Người thầy thuốc như cứu cánh, là người chia sẻ, an ủi giúp họ. Đằng sau căn bệnh, nhất là đối với một số bệnh nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo là một khoảng trống rất lớn và người thầy thuốc phải bù đắp. Tôi cứ hình dung và suy nghĩ nhiều về khoảng trống ấy. Làm sao để bệnh nhân bước chân ra khỏi bệnh viện cảm thấy được an ủi và yên tâm khi bước chân về nhà.

Y đức với người thầy thuốc phải hiểu không chỉ là chăm sóc người bệnh tốt mà đằng sau đó là giải quyết khoảng trống không lý giải được, giúp người bệnh vượt qua. Vai trò của người thầy thuốc còn là phải giải quyết công việc trên cả lý và tình, không chỉ chữa bệnh là xong; nếu làm tốt công việc sẽ còn làm được nhiều hơn thế cho người bệnh.

Lúc đi dạy, ông làm sao để truyền lửa yêu thương người bệnh cho sinh viên và làm sao để sinh viên luôn giữ được cái tâm khi trở thành bác sĩ ?

Cá nhân tôi thì người đi dạy như người truyền đạo. Người thầy phải truyền đạt trên nền tảng tri thức, phải đọc trong mắt sinh viên xem họ cảm nhận thế nào về mình. Bây giờ có nhiều kênh cung cấp thông tin nên người thầy phải chuẩn bị rất kỹ về kiến thức. Người đi dạy vừa kiểm tra lại những kiến thức bản thân, vừa cập nhật những vấn đề và diễn đạt thế nào để sinh viên nghe, hiểu một cách đam mê, như một sự tương tác qua lại.

GS.TS. Cao Ngọc Thành hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc trẻ

Về chữ tâm, sinh viên trường y thường nhìn vào người thầy, nhìn bằng trực quan không chỉ trong giờ dạy mà cơ bản là trong quá trình thực hành tác nghiệp trên người bệnh như thế nào. Đó là bài học hay nhất!

Ông là người có công lớn trong việc đưa Trường đại học Y Dược Huế ngày càng phát triển và trở thành một trong ba cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng nhất nước. Vậy tại sao trong các câu chuyện, ông thường nói “mỗi ngày qua đi là một sự nuối tiếc”? Ông nuối tiếc điều gì ?

Tuổi càng lớn, thời gian cho cuộc sống bắt đầu ngắn lại trong khi những điều tôi mong muốn còn nhiều. Ví như làm sao để sự tồn tại, cống hiến có ích với mọi người bởi còn nhiều người bệnh, người khó khăn cần mình giúp. Nhưng khi tuổi càng lớn cũng đồng nghĩa với khả năng làm việc sẽ bị giới hạn trong khi “tham vọng” vẫn còn nhiều...

Tôi cũng thao thức hoài khi thấy còn nhiều đứa trẻ còn thiếu thốn, phải chịu bạo lực gia đình, từ chính người cha, người mẹ của mình. Đứa trẻ nào cũng cần tình thương, cũng cần được ăn uống đầy đủ, học hành...

Thời sinh viên đi thực tập, tôi ấn tượng với bác sĩ sản khoa bởi họ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình và sản phụ. Đứa trẻ là niềm vui, là một thế giới mới! Cơn đau sinh nở rất khó diễn tả, nhưng sinh ra đứa con, người mẹ lại cười. Trong tận cùng đau khổ là hạnh phúc, sau đêm tối là bình minh. Giá trị công việc nằm ở đó.

Ông có thể chia sẻ về những dự định của mình trong thời gian tới?

Trách nhiệm xã hội còn thì tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Mục đích cuối cùng là mang lại giá trị đích thực trong công việc. Tôi làm quản lý đại học nên cố gắng đưa đại học về đúng với giá trị đích thực, là mang lại tri thức cho con người. Khi nào hết làm công tác quản lý, cái gì tích lũy được mình sẽ gửi gắm lại thế hệ quản lý kế nhiệm để mong phát huy hơn nữa.

Xin cảm ơn giáo sư !

NGỌC HÀ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu

Ngày 28 đến 31/10, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng tổ chức Les Lampions (Cộng hòa Pháp) triển khai khóa đào tạo hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu cho bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng Nhi sơ sinh, Hồi sức tích cực sơ sinh, Sản sơ sinh, Gây mê sản tại các cơ sở y tế trong, ngoài tỉnh.

Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu
Return to top