Dù ở ngành nghề, vị trí nào, điều mà người lao động quan tâm nhất hiện nay là thu nhập và môi trường làm việc ổn đinh, phù hợp
Những làn gió mới
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng việc làm của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, trong nước và ngoài nước cần hơn 1.000 lao động. Nếu so với thời điểm này của những năm trước, số lượng tuyển này giảm gần một nửa. Tuy nhiên, trong năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm đạt hơn 16.700 người, vượt kế hoạch đề ra. Điều này chứng tỏ, tỷ lệ lao động thất nghiệp không tăng, mà có thể lao động "nhảy việc" hoặc thay đổi qua lại giữa 2 loại hình lao động chính thức và phi chính thức và để thích ứng với cơ cấu chuyển dịch kinh tế, ngành nghề.
Một thực tế nảy sinh sau đại dịch COVID-19 là tâm lý của người lao động có sự thay đổi đáng kể. Một số ngành nghề, lĩnh vực như y tế, giáo dục... hiện đang cần tuyển lao động ở một số vị trí công việc, nhưng lại chưa tuyển đủ, do lao động cũ nghỉ việc, người mới ngại chịu công việc "áp lực".
Chị Trần Nguyên T. là một trong số nhiều trường hợp cùng hoàn cảnh kể trên. Có bằng cấp cao đẳng y dược, nhưng Trần Nguyên T. vẫn quyết định không chọn theo nghề, dù một bệnh viện lớn trên địa bàn đang cần tuyển dụng vị trí điều dưỡng. T. chọn công việc giới thiệu và bán sản phẩm dược (hay còn gọi là trình dược viên) vì không muốn đối mặt với áp lực công việc, muốn chủ động thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái.
Hay nhiều lao động ở lĩnh vực du lịch, giải trí sau gần 3 năm "ngắc ngoải" và phải chuyển việc để có thu nhập thì hiện quay lại công việc cũ cũng đang trong tâm thế chậm "hòa nhập", thậm chí một số quyết định bỏ nghề cũ theo nghề mới. Ngược lại, ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dịch vụ, sản xuất công nghiệp... gần như tạm ổn và giữ chân được người lao động làm việc ổn định.
Đầu tư và bố trí nguồn nhân lực hợp lý
Hiện nay, theo điều tra cho ngành LĐTB&XH tỉnh, tỷ lệ việc làm phi chính thức chiếm hơn 67%, tỷ lệ lao động dễ bị tổn thương chiếm khoảng 51% và tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn còn thấp. Ngoài ra, chuyển dịch lao động theo trình độ kỹ năng còn chậm và năng suất lao động vẫn ở mức thấp.
Đơn cử như các nhóm nghề đòi hỏi lao động có trình độ kỹ năng thấp, như: nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng; nông - lâm nghiệp - thủy sản, thợ thủ công và thợ kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị... lại chiếm tới 76,8% tổng số lao động có việc làm. Thu nhập bình quân đầu người tuy được cải thiện, nhưng còn chậm. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cứng, mềm chưa cao, chưa làm chủ được công nghệ so với lao động trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới...
Chẳng hạn, tỉnh ta xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và hơn hết là đem lại thu nhập cao cho người lao động. Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực để đứng ra làm "chủ chòm" và trực tiếp "bắt tay chỉ việc" trong lĩnh vực này lại đang thiếu và yếu. Liên kết giữa nhà khoa học - DN - nông dân vẫn còn yếu, thiếu bền vững và đầu tư của DN vào lĩnh vực này còn ít. Nên kết quả, hiệu quả, năng suất, chất lượng đem lại từ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang chiếm tỷ lệ thấp so với tiềm năng, lợi thế về đất đai, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nhân lực... của địa phương.
Để khắc phục và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, chất lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực, trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Qua đó, đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm.
Cụ thể là tập trung phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu ngành du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nồng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là đột phá và kinh tế biển là thiết yếu.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG