Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh
Ông Nhân cho biết, đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ tỉnh trao tiền mặt cho 23 đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đang có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa với tổng kinh phí 680 triệu đồng; tặng hàng trăm suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Đã có trên 1.000 đoàn viên, người lao động (NLĐ) được khám bệnh miễn phí. Những buổi truyền thông về lợi ích của NLĐ khi tham gia BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, ứng xử văn hóa tại nơi làm việc, an ninh trật tự trong doanh nghiệp đã được triển khai. Các hội thao công nhân lao động đã và đang được các cấp công đoàn tổ chức tạo sân chơi giải trí bổ ích cho đoàn viên, NLĐ.
Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID -19 với nhiều khó khăn, Tháng Công nhân năm nay sẽ có các hoạt động thích ứng như thế nào, thưa ông?
Ảnh hưởng đại dịch, đời sống, thu nhập, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết. Với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”, hưởng ứng Tháng Công nhân năm nay, CNLĐ tỉnh đang tích cực tham gia đợt cao điểm 40 ngày thực hiện chương trình “Một triệu sáng kiến, nỗ lực - vượt khó phát triển, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Hiện, LĐLĐ TP. Huế, các CĐ ngành đã phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức phong trào thi tay nghề, thi thợ giỏi tại cơ sở, đồng thời yêu cầu tập trung tuyên truyền Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động về “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi do về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. LĐLĐ tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình “Phúc lợi đoàn viên” để chăm lo tốt hơn cho CNLĐ. Mặt khác, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tập hợp CNLĐ vào tổ chức CĐ. Đặc biệt, sắp tới sẽ tổ chức chương trình đối thoại giữa các sở ban ngành, doanh nghiệp với cán bộ công đoàn và NLĐ. Các diễn đàn “Cảm ơn người lao động”, “Công nhân vì doanh nghiệp – doanh nghiệp vì công nhân” cũng được tổ chức.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chương trình đối thoại và các diễn đàn?
Chương trình đối thoại giữa các sở, ban ngành, các DN và NLĐ được tổ chức để đoàn viên công đoàn, NLĐ và người sử dụng lao động được nói lên tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất kiến nghị với các cấp, các ngành có liên quan. Qua đó, các sở, ban ngành lắng nghe, tiếp thu, giải đáp, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và NLĐ. Những nội dung dự định được tập trung sẽ là chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; hướng giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và đại diện các ban ngành sẽ có những câu hỏi dành cho người lao động và doanh nghiệp cũng như lắng nghe những chia sẻ của họ về các hoạt động lao động sản xuất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đối với diễn đàn “Cảm ơn người lao động” hay “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân” sẽ là những buổi gặp gỡ giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn nhằm tri ân, cảm ơn người lao động đã nỗ lực trong lao động, sản xuất, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19. Trong buổi gặp gỡ này, lãnh đạo các cấp, các ngành và DN lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người LĐ về các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN và là dịp giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến việc làm, đời sống của người LĐ.
Hiện Chính phủ đang có những chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động như hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà, chính sách cho người lao động nhiễm COVID-19. Vậy LĐLĐ tỉnh đóng vai trò như thế nào để các chính sách nhanh đến tay người lao động?
Việc CNLĐ được Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà là một trong những điều chúng tôi phấn khởi, vì CNLĐ được chăm lo một cách cụ thể, thiết thực, nhất là giai đoạn các DN bắt đầu phục hồi sản xuất, cần một lực lượng lao động lớn và CNLĐ cũng đang khó khăn khi trở lại với công việc của mình. Chính sách đến với CNLĐ trong tháng Năm - Tháng Công nhân đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đời sống CNLĐ.
Với chức năng của mình, sau khi có QĐ 08 của Chính phủ và hướng dẫn của UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã có công văn triển khai về các cấp CĐ trực thuộc, đưa thông tin lên các nhóm zalo, trang mạng xã hội của công đoàn nhằm hướng dẫn đoàn viên các thủ tục, đồng thời giám sát việc thực hiện và định kỳ hàng tháng báo cáo LĐLĐ tỉnh.
Riêng công tác hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng COVID-19 theo các quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước đó, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành hỗ trợ cho 9.323 người với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Để góp phần thiết thực cho sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề do COVID-19, các cấp công đoàn vận động CNVC-LĐ thi đua lao động, sản xuất như thế nào để đồng hành cùng doanh nghiệp?
LĐLĐ tỉnh đã và đang tích cực triển khai chương trình “Một triệu sáng kiến vượt khó, phát triển”. Phấn đấu đến thời điểm kết thúc đợt phát động, sẽ có 10% trên tổng số đoàn viên NLĐ có sáng kiến vượt khó phát triển.
Đồng thời, các cấp công đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo”, thi thợ giỏi, bàn tay vàng nhằm phát huy vai trò tiên phong, trách nhiệm của công nhân đối với doanh nghiệp, đơn vị sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh các hoạt động chăm lo của LĐLĐ tỉnh, Tháng công nhân sẽ được các công đoàn cơ sở tổ chức như thế nào?
Đối với CĐCS, Tháng CN cần tổ chức các hoạt động thiết thực nhất đối với CNLĐ, đó là đối thoại với người sử dụng lao động, sửa đổi Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản cao hơn luật định có lợi cho CNLĐ. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; nhận đỡ đầu các cháu mồ côi con đoàn viên Công đoàn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu dài hạn cần hướng đến của công đoàn sau Tháng Công nhân là gì thưa ông?
Tháng Công nhân hàng năm được xem là đợt cao điểm để các tổ chức công đoàn tập trung mọi nguồn lực, tổ chức những hoạt động “đinh” chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Điều này đồng nghĩa với việc, khi tháng công nhân khép lại, những thành quả, nỗ lực thực hiện được trong tháng công nhân sẽ tiếp tục được kéo dài và nhân rộng, tiếp tục tạo nguồn động viên, khích lệ giúp đoàn viên, NLĐ khắc phục khó khăn, hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành tốt các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao. Tổ chức công đoàn ngày càng tạo dựng, củng cố được niềm tin, sự gắn bó, tin tưởng của chủ doanh nghiệp, đoàn viên, NLĐ.
Hải Thuận (thực hiện)