ClockThứ Hai, 10/01/2022 14:14

Đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu

TTH - Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Nam Đông đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đưa chính sách an sinh xã hội này đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.

Để lương hưu là “sổ tiết kiệm dài hạn”Nghỉ việc vì dịch, lao động chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyệnTham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có những lợi ích nào?

Vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hệ thống chính trị vào cuộc

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên nhiệm vụ trọng tâm của BHXH huyện là phát triển BHXH tự nguyện. Huyện Nam Đông có 11 xã; trong đó, có 6 xã vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Do phong tục tập quán, ý thức tích lũy cho tương lai hạn chế, nhất là kinh tế khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế nên lâu nay bà con dân tộc ít người ở Nam Đông tham gia BHXH tự nguyện gặp khó khăn và còn thấp.

Giúp người dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, yếu tố quan trọng là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ. BHXH huyện tham mưu UBND huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp huyện, chỉ đạo UBND xã thành lập ban chỉ đạo cấp xã và ban hành quy chế hoạt động từng cấp. Với tư cách cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của huyện, BHXH huyện Nam Đông chủ động phối hợp các đơn vị thành viên, đặc biệt là UBND xã, thị trấn, tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép tuyên truyền về BHXH. Các hội nghị được tổ chức tại những địa điểm, thời gian linh hoạt, phù hợp và được tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số.

Theo ông Nguyễn Định, Giám đốc BHXH Nam Đông, các chỉ tiêu về BHXH, BHYT sẽ được cụ thể hóa thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, cơ quan BHXH cũng cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phân công địa bàn và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng công chức, viên chức; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đại lý thu làm tốt. Ông Định cũng chia sẻ, phải hiểu được địa bàn, nắm chắc đặc điểm của mỗi nhóm đối tượng thì việc tuyên truyền mới hiệu quả. BHXH huyện Nam Đông đã tuyên truyền trên cơ sở rà soát, phân loại với nguyên tắc “dễ trước, khó sau”; từ những người đã tham gia tiếp tục tạo hiệu ứng, lan tỏa dần trong xã hội…”.

Chú trọng đội ngũ đại lý thu

BHXH huyện Nam Đông đặc biệt chú trọng tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu. Chúng tôi có dịp gặp một số đại lý thu ở huyện Nam Đông. Được ví là “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH, chủ yếu là những cán bộ hội, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, hàng ngày tiếp xúc với người dân, đội ngũ nhân viên đại lý thu BHXH trên địa bàn huyện Nam Đông đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH tại cơ sở, trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH.

Chị Hồ Thị Đem, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Quảng, một trong những đại lý thu tiêu biểu của huyện Nam Đông cho biết, bản thân là người dân tộc Cơ Tu nên rất được đồng bào tin tưởng. Tùy từng hoàn cảnh, chị Đem lại có cách vận động phù hợp như hướng dẫn họ mỗi ngày tiết kiệm vài ngàn đồng hay khi bán nông sản xong thì trích ngay một ít để tham gia BHXH tự nguyện. “Mỗi tháng, mỗi năm để dành một ít, sau này về già sẽ có lương hưu như những người làm Nhà nước, không phải chật vật lo toan cuộc sống” - chị Đem nói với bà con một cách đơn giản, nhưng cặn kẽ. Cũng chính vì vậy, thời gian qua, đích thân chị Đem đã vận động được nhiều bà con dân tộc Cơ Tu tham gia BHXH tự nguyện.

Hầu hết các đại lý thu trên địa bàn Nam Đông cũng đều tranh thủ vận động người dân tham gia BHXH mọi lúc, mọi nơi theo kiểu “mưa lâu thấm đất”. Rất nhiều người tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu từ nhiệt tâm và tin tưởng vào đại lý thu. Thậm chí, có nhiều người là hộ nghèo cũng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. “Mức đóng khá phong phú, nhưng thông thường họ chọn đóng mức cao để sau này có lương hưu ổn định. Cách thức đóng chủ yếu là đóng từng tháng một, đại lý thu hơi vất vả, nhưng được cái bà con giữ chữ tín nên đóng đầy đủ”. Chị Đem chia sẻ.

Đa dạng hóa các hình thức vận động

Năm 2021, Nam Đông có hơn 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó trên 50% là người dân tộc ít người. Thực tế cho thấy, con số này sẽ được nâng lên nếu không bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tuy không nặng nề như ở Huế và huyện, thị đồng bằng nhưng dịch COVID-19, nhiều lao động trong đó có đối tượng là dân tộc ít người ở Nam Đông buộc phải dừng đóng tạm thời hoặc nhận chế độ một lần để trang trải sinh hoạt hằng ngày.

Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, những năm trước BHXH huyện luôn tích cực phối hợp với Bưu điện huyện, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã hội ở các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp để vận động người dân tham gia. Tuy nhiên, trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác tuyên truyền chủ yếu qua hệ thống truyền thanh, các trang mạng xã. BHXH huyện Nam Đông cũng khuyến khích đội ngũ các đại lý, nhân viên thu BHXH của các xã và bưu điện trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH huyện Nam Đông sẽ đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu năm 2022, người dân tự nguyện  tham gia BHXH tăng cao, trong đó có người dân tộc ít người.

Bài, ảnh: ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

TIN MỚI

Return to top