Một phần rơm để thổi lửa cho bữa cơm tối và cả bữa sáng mai cho cả nhà. Một phần rơm bỏ cho mấy con heo, mấy con gà, con vịt... Mà cái lũ heo gà vịt ni cũng đã quen với hơi ấm của rơm rồi nên chỉ cần chuồng trại hơi ướt át một chút là chúng đã kêu la inh ỏi; nên tối đến phải cần bỏ rơm vô khô ráo chúng mới chịu đi ngủ...
Ở làng quê thì nhà nào cũng có một đụn rơm thật to được xây ở góc vườn. Khi lúa đã khô khén vào bồ, ngày mùa cuối cùng là xây đụn rơm. Những đống rơm nhỏ được un lại quanh vườn. Ba dùng chiếc mỏ sảy đôi để xóc các cụm rơm nhỏ và đưa rơm khô lên; tôi và thằng em được phân công lên đứng trên cây đi vòng quanh chiếc cột trụ để cho rơm được nén xuống, cuộn chắc không thể ướt trong những ngày mưa gió. Đụn rơm được xây cao dần, cao dần. Ba phải dùng thang để đưa rơm lên cho đến khi cái đụn rơm chỉ còn một cái chóp vừa một người đứng. Thích thú làm sao khi đứng trên cao lồng lộng gió nồng nàn mùi rơm, mùi lúa của ngày mùa…
Một người chị là dân thành phố kể với tôi rằng: Nhớ hồi mới cưới, về quê chồng nấu cơm bằng lửa rơm. Lo toát mồ hôi vì khi thì lửa to khi thì lửa tắt do không quen đưa rơm vô bếp cho đều. Khó khăn lắm mới nấu xong bữa ăn, người nhễ nhại mồ hôi và mặt mũi thì lấm lem tro bếp. Giờ về thăm quê nấu ăn bằng củi, bằng bếp ga lại nhớ cái đụn cây rơm thời mới đi làm dâu nhà người. Nghe lòng man mác thương nhớ đồng quê...
Hồi đó trong xóm tôi, có nhà đặt cái bếp ở gần đụn rơm để tiện lôi rơm nấu cơm, kho cá... Rồi chủ quan để lửa tự cháy trong bếp đi làm việc khác, lửa bén sang cả đụn rơm. Hàng xóm phát hiện hô hoán, cả xóm người thì cào, người thì xẻng, người thì chạy đi đánh kẻng để kêu người dập lửa. Cũng may lửa chỉ cháy sém nửa cái đụn rơm mà không cháy lây sang nhà. Còn nhớ bão năm 1985, có bác hàng xóm đưa vợ con đi ở tạm nhà kiên cố trong xóm, còn bác ấy thì ở lại và ra đụn rơm bên nhà đào một lỗ vào đó ngồi tránh bão vừa ấm, vừa an toàn để trông coi nhà trong bão. Bão to là vậy, nhà sập nhưng cái đụn rơm nhà bác ấy thì vẫn trụ vững ...
Hồi trước, người làm nông ở nhà quê thì phải có đụn rơm trong vườn nhà. Nếu đến một ngôi làng nào đó mà thấy nhà nào đó trong vườn không có đụn rơm thì biết ngay rằng nhà đó là nhà giàu có hoặc là nhà của người nghèo neo đơn không làm ruộng được. Thực tình, sau này khi về quê thấy nhà mình và nhiều nhà khác trong xóm, trong làng không còn cái đụn rơm nữa tôi lại thấy cái phối cảnh của một ngôi nhà nông thôn bị hẫng hụt ghê lắm. Chừ thì quen rồi, những cái đụn rơm cứ vắng dần ở quê nên thấy nhà mô còn cái đụn rơm là thấy quý...
Rơm làm chất đốt cho người, làm thức ăn cho trâu bò, làm “chăn ấm” cho heo gà vịt trong những ngày mưa gió. Rồi rơm để ủ lên những vồng ném, kiệu, hành, ngò, cải... che mưa và ủ đất ấm cho hạt củ ươm mầm. Vườn nhà khoác chiếc áo vàng rơm rạ cuối đông để chừng đến sang xuân thì thay áo mới màu xanh mơn mởn của những loài rau...
Mà cái đụn rơm ở nhà quê ấy là cả một không gian cho lũ con nít chơi trò trốn tìm quanh quẩn và cũng đã có những cặp trai gái quê hẹn hò nơi rơm rạ mà nên vợ thành chồng... Cứ nhớ khi cái đụn rơm vơi dần, vơi dần rồi biến thành hình như một chiếc dù to là biết mùa màng sắp tới.
Phi Tân