ClockThứ Ba, 07/03/2023 21:52

Đường làng - nơi ký ức tìm về

TTH - Rải bước trên con đường làng gắn bó với tuổi thơ, lòng tôi có chút nao nao như bước vào một thế giới bình an, đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu bên gia đình, bạn bè và người thân...

Làng quê đón tếtHuế yên bìnhDồn la dồn…

leftcenterrightdel
 

Đường làng quê tôi như một con "đường hoa thơ mộng" mà không phải họa sĩ nào vẽ nên. Con đường có đầy đủ màu sắc, mộc mạc mà chân phương... Từ màu hoa mười giờ rực thắm đến những hàng chè tàu vàng ươm...

Tôi yêu và thích cái cảm giác ngày hè được cùng chúng bạn trong xóm rong ruổi khắp các ngõ ngách trong làng để vui đùa, chơi trốn tìm; là những chiều í ới nhau cùng đi thả diều, đá bóng, tắm sông; hay những lúc được nghỉ học lại kéo nhau ra rừng tràm ngồi dưới bóng cây rình bắn chim, chán thì chia nhau ra chơi bắn súng tre, lấy hạt tiêu làm đạn bắn nhau chí chóe.

Nhớ da diết con đường làng thân thuộc mỗi khi đến mùa gieo mạ. Từng bó mạ được bó lại ngay ngắn trải dài trên đường làng, các cô, các chú cõng trên vai những đôi "quang gánh" đi trong tiếng cười nói rôm rả. Hình ảnh đó, con người đó đẹp mà yên bình lắm! Nay tất cả chỉ còn trong ký ức, bởi giờ đây nó đã được thay thế bởi những chiếc xe phục vụ nông nghiệp.

Nhớ khi còn bé, thú vui của tôi cũng như các bạn trong xóm thật giản đơn. Cứ có khoảng rộng người ta phơi "rơm, rạ" là chúng tôi làm nơi để đá bóng. Trái bóng nhựa và đôi dép làm cầu môn thế là tung tăng đá cả ngày, nhiều khi chơi “quên đường về”, quên cả ăn cơm bị mẹ cho ăn đòn. Hôm nay trở về, tôi bước chậm hơn, cố tìm lại góc "Sầu đâu" cạnh nhà. Nơi tôi và lũ bạn trong xóm thường hái lá của nó để sáng tạo nên những món ẩm thực tuổi thơ không thể nào quên.

Hay rồi thói quen, cứ sáng sáng là tôi hay ra đứng đầu đường ngóng mẹ đi chợ về, hôm thì gói kẹo lạc, hôm thì gói kẹo cau... Đường làng len lỏi những ánh nắng cùng các bà, các chị "kẽo kẹt" đôi quang gánh đi chợ về. Nhớ lại, có lần một anh tên Nam nghe đâu là nhiếp ảnh gia ở trên thành phố về sưu tầm những bộ ảnh nông thôn, thấy cảnh này anh ấy năn nỉ các cô cho chụp một vài bức ảnh để có trong bộ ảnh sưu tầm của mình.

Vì là con gái quê chân chất, thật thà nên có phần ngại ngùng, anh nhiếp ảnh gia mất khá nhiều thời gian cho việc tạo dáng của các cô ấy. Ít lâu sau hình ảnh các cô thôn nữ đó được xuất hiện trên các tạp chí nông thôn mới. Ai cũng vui mừng tấm tắc khen đẹp...

Từ con đường làng quê ấy, chúng tôi lớn lên và tản đi muôn nơi. Có người đến chốn thị thành, có người theo chồng con định cư ở nước ngoài xa lắc. Nhưng có lẽ những con đường mới rộng thênh thang ấy đôi lúc sẽ cảm thấy cô đơn vì sẽ không có những đứa trẻ thơ nô đùa, quậy phá hay những hàng cây rợp bóng mát che chở nắng mưa.

Sống xa quê, mỗi lần trở về thấy làng quê lại có nhiều đổi thay. Thay đổi rõ nhất là con đường đất đỏ ngày nào, giờ đã được xây dựng thành những con đường bê tông khang trang và sạch đẹp hơn của xã nông thôn mới. Hàng chè tàu, hàng hoa dại trên con đường quê giờ đã không còn, nhưng đi trên con đường này, thả hồn trôi nhẹ giữa bình yên của quê hương chợt thấy ký ức tuổi thơ luôn ùa về.

Và, nếu như với con đường bê tông đó, hai bên vẫn là hàng chè tàu, hai bên sặc sỡ với hoa mười giờ, những hàng cây chạy dài thẳng tắp thì tuyệt làm sao. Hình ảnh của một vùng quê “thay da đổi thịt” nhờ nông thôn mới, vẫn khoác lên mình "tấm áo" đặc trưng của làng quê. Làm được điều này, dù ai đi xa chừng nào đi chăng nữa thì cũng muốn trở về.

NGỌC AN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Return to top