Vậy cho nên khi trời vừa hửng nắng sau hơn hai tuần Huế mưa dầm dề, tôi biết mình cần phải đi tìm màu xanh của Huyền Không, đi nạp thêm dưỡng chất cho tâm hồn để đón chào mùa xuân mới. Chặng đường gần mười cây số từ nhà đến Huyền Không Sơn Thượng, nhiều lần tôi nhận ra mình xả hết những bức bí trong lòng tự khi nào chẳng biết nữa. Tôi thường thả lòng mình miên man với bao nhiêu cảnh vật hai bên đường, quen thuộc, gần gụi và quan trọng qua mỗi cột mốc đều nhắc nhớ đến một điều gì đó. Ngày trước, mỗi lần qua Đập Đá, như mặc định từ nhỏ, rằng bên kia là phố, đi qua hết Đập Đá là đến đất của phố phường, bây giờ ngang qua đây tôi nhớ mạ mình. Ấy là khi tôi chở mạ đi một vòng quanh phố cho vui, đi ngắm cầu Dã Viên cho biết, mạ tôi lo lắng “răng con chở mạ đi mô xa rứa, chở mạ về”. Nghe trong giọng nói thấy nguyên nỗi sợ của một em bé chứ không phải của một người chín mươi tuổi. Tôi chở mạ về ngang Đập Đá, nghe giọng mạ nhẹ nhõm sau lưng “Đập Đá rồi, gần về nhà rồi”. Không phải chỉ trong tôi, mà trong mạ tôi, Đập Đá cũng là dấu mốc đã về đến nhà, và tôi biết, những người dân ở Thuận An hay huyện Phú Vang, Đập Đá vẫn là một dấu mốc phân định bên kia là phố, dù rằng bây giờ TP. Huế đã mở rộng về đến Thuận An.
Hạnh phúc ngay trên đường đi. Con đường đi ngang trước Kinh thành Huế rộng rãi, sạch sẽ và thênh thang chi lạ, mỗi lần ngang qua đây, tôi thường hít những hơi dài, nghe luồng không khí trong lành chạy mát trong lồng ngực. Con đường đi bộ ven sông đã hoàn thành, bắp và lay ơn cũng đã lên xanh ở những bãi bồi, đất vẫn ẩm ướt nhưng sắn, đậu cô-ve, chỉ cần có nắng lên là hết co ro ngay. Chẳng hiểu sao những lúc ấy, tôi thấy lòng vui. Không nghĩ mình là người lạ, nhiều lần tôi dừng xe bên đường nói chuyện với chị đang vun đất cho bắp hay hỏi han mùa vụ với bác nông dân đang đi thăm đồng như là một đứa cháu trong gia đình. Lạ là, những cuộc trò chuyện ngắn đó đều diễn ra tự nhiên, luôn để lại dư âm ấm áp trong lòng. Tết năm nay tôi đã có một lời hẹn “Em lên khoảng chừng hai tám tết hí, lúc ấy chị mới nhổ biền hoa lay-ơn này”, “Dạ chị, em sẽ lên mua hoa của chị về chưng tết!”
Hành trình một mình đôi khi cũng gợi cảm giác cô đơn nhưng thật ra cảm xúc ấy không thường xuyên. Chẳng hiểu sao tôi hạp màu đất, ruộng đồng, bờ bãi, những cảnh làng quê. Một vài cụm hoa vạn thọ nở sớm ở một khoảnh vườn nào đó trên đường đi cũng làm tôi xúc động, gà mẹ dẫn đàn gà con đi kiếm ăn sau cơn mưa, ướt át và líu ríu, buồng chuối nhà ai vừa được chống nạng bằng hai thanh gỗ kháp nối... tôi thấy mọi sinh vật đều yêu cuộc sống của mình và đều vươn lên để được là tốt nhất, đẹp đẽ nhất. Đi nhiều lần, tôi quen thuộc khi ngang qua những cột mốc như chùa Thiên Mụ, Võ Thánh, Văn Thánh, những biền bắp, biền hoa ven sông, rồi ruộng nương của bà con ở thôn Chầm. Trên con đường uốn lượn giữa hòn Vượn dẫn vào Huyền Không Sơn Thượng, thỉnh thoảng gặp vài con trâu, bò đi ngược chiều, mùa vụ thì gặp người nhổ sắn, gặt lúa... cuộc sống hàng ngày ấy của bà con cho tôi những niềm vui nho nhỏ, tôi thấy mình là một trong những con người lao động ấy.
Đường lên Huyền Không bây giờ đã xuất hiện thêm vài căn nhà hai tầng mới, thỉnh thoảng gặp từng nhóm bạn trẻ lên thăm chùa, tiếng cười của tuổi trẻ tràn trề nhựa sống. Giữa rất nhiều nơi chốn để đi chơi, những bạn trẻ chọn điểm đến Huyền Không Sơn Thượng là chọn đến với thiên nhiên, điểm an lành. Câu thơ giữa vườn của sư thầy rất đời thường và cũng đầy bao dung làm tôi bật cười, thấy có mình trong đó “Lên chùa thấy Phật muốn tu/Về nhà bận rộn lu bù lại quên” nhưng tôi tin, mỗi lần đến với màu xanh Huyền Không, những hạt mầm “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” trong mỗi người có thêm một lần được chăm sóc. Và tôi tin, ai cũng có một cung đường của riêng mình để mở lòng, để nhớ, để thương, để thấy mình gần gụi hơn với cuộc sống này.
Xuân An