“Dì bán cho con cây kem ốc quế!”.
Tôi đang ngồi ở quán trà kem quen thuộc thì một bé trai tầm tám, chín tuổi, mặc chiếc áo len sọc ngang bước vào, em tưởng nhầm tôi là nhân viên bán hàng.
“Dì là khách ở đây thôi”, tôi đáp và gọi giúp em cô bé nhân viên đang lau dọn phía sau, lúc đấy chỉ tầm 8h, 8h30 sáng nên bên trong quán còn khá ngổn ngang.
Tôi nhìn em, thấy hơi lạ vì một đứa trẻ lại có thể dạn dĩ như thế, em cũng không có phụ huynh đi cùng. Cậu bé ngồi phịch trên chiếc ghế bên cạnh tôi, trò chuyện với cô bé nhân viên thân mật, hẳn em là khách hàng quen ở đây. Gương mặt em dễ thương và sáng sủa, làn da trắng trẻo, mái tóc vàng xém nắng, đôi mắt tinh anh và lanh lợi; nếu khoác lên mình bộ đồ sang trọng, người ta sẽ nghĩ em là con nhà giàu.
Lát sau, tôi để ý đến chiếc túi em đang mang bên mình, phom ngang, màu đen, trên mặt in dòng chữ “Xổ số Kiến thiết Thừa Thiên Huế”. Em bắt chuyện với tôi rất tự nhiên, không có cảm giác ngại ngùng thường thấy khi gặp người lạ của một đứa trẻ. Em hỏi tôi làm gì, ở đâu, bao nhiêu tuổi, đã có gia đình chưa..., chững chạc như một người lớn.
Em cùng tôi chơi trò liệt kê tên các tỉnh, thành của Việt Nam, về cuối trận, trong khi tôi vắt óc ra suy nghĩ thì em đã thủ sẵn tên vài đáp án, cười lém lỉnh và đắc thắng. Em rất hiếu động, lăn tròn trên ghế chứ chẳng chịu ngồi yên; tíu tít, líu lo đủ chuyện trên đời. Em khoe hôm nay bán xong sớm, được những một triệu, em mở túi, cầm xấp tiền phe phẩy trên tay, tung tẩy chiếc xách giữa không trung. Tôi khuyên em cất vào cho kỹ, kẻo kẻ gian biết lại không hay nhưng em vẫn theo thói quen mân mê những xấp tiền lẻ, vừa đếm vừa cười khúc khích.
Tôi mua cho em cây kem ốc quế hương vani và một cốc trà sữa để em mang về nhà, tặng em cả bốn con lật đật mini vừa mới khui của mình. Hôm đó trời mưa lâm thâm và còn hơi lạnh, tôi che dù đưa em về, cậu bé “lắc xắc” khiến tôi cứ phải chạy theo, em chẳng sợ ướt. Em tâm sự, em đang sống cùng bà nội, thích đi học lắm nhưng phải nghỉ để bán vé số. Em bán cả ngày, trưa về nghỉ ngơi, ăn cơm rồi chiều lại lang thang khắp mọi nẻo đường. Tôi hỏi em về ước mơ sau này, đôi mắt em sáng lên nhưng giọng nói rụt rè: “Em muốn làm bác sĩ!”.
Chúng tôi tạm biệt nhau giữa ngã ba đường, cậu bé không chịu để tôi dẫn về tận nhà. Tôi buông tay em, bóng dáng bé nhỏ lọt thỏm giữa dòng người tất bật khiến tôi bất giác chạnh lòng. Ở tuổi của em, những đứa trẻ khác đang được vui chơi, được cưng chiều, được đi học, được quyền làm một đứa trẻ nhưng em thì khác, em buộc phải lớn thật nhanh để tồn tại!
Hy vọng, trong tương lai, em sẽ trở thành bác sĩ như điều em mơ ước và mong em mãi giữ được sự ngây thơ và hồn nhiên!