ClockThứ Ba, 22/03/2016 07:50

Gặp những du kích tham gia giải phóng A So

TTH - Những ngày này 50 năm trước, sân bay A So, một cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ Ngụy ở chiến trường Trị Thiên bị đánh tan bởi quân chủ lực Sư đoàn 325 phối hợp bộ đội địa phương. Nhưng để làm nên chiến thắng, giải phóng A So không thể không nhắc đến sự kiên cường, bất khuất của lực lượng du kích tại địa phương.

Tìm đến trung tâm xã Hương Lâm (A Lưới) hỏi về những du kích tham gia chiến dịch giải phóng sân bay A So 50 năm về trước, chúng tôi được ông A Ting Prưi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã hướng dẫn đến nhà cựu nữ du kích Hồ Thị Hình ở thôn Ba Lạch.

Ông Hồ Văn Hạng tự hào là một người lính tham gia chiến dịch A So

Khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc chiến giải phóng sân bay A So, bà Hồ Thị Hình (74 tuổi) nghẹn ngào cho hay: “Cuộc chiến giải phóng A So ác liệt lắm. Nhiều đồng đội, đồng chí của tôi đã ngã xuống ở trên mảnh đất này”. Ký ức những ngày tham gia chiến dịch giải phóng sân bay A So  có lẽ sẽ theo bà đến hết cuộc đời.

Theo lời bà Hình, năm 1960, bà bắt đầu thoát ly tham gia vào lực lượng dân quân du kích xã Hương Lâm. Từ năm 1960 đến năm 1965, bà và đồng đội nhiều lần chạm trán với quân Mỹ Ngụy, đặc biệt là trận chiến trên đồi Tri Vau. Trong trận chiến này bà và đồng đội đã tiêu diệt nhiều tên địch”. Tháng 2/1962, địch càn quét và bắt được mẹ của bà là Căn Prích cùng hai chị gái là Hồ Thị Hạnh, Hồ Thị Trê. Để thị uy, địch đã mổ bụng, cắt tai đối với mẹ và hai chị gái của bà. Kể từ đó, quyết tâm giết giặc càng sôi sục trong bà và đồng đội. Bà Hình chia sẻ.

Nói về trận chiến giải phóng căn cứ A So, bà Hình kể, khi cấp trên thông báo quân chủ lực của ta sẽ tấn công căn cứ A So của quân Mỹ Ngụy, bà và các đồng đội rất phấn khởi. Trước khi chiến dịch diễn ra, bà và một số đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường và đào giao thông hào áp sát vào khu vực sân bay A So phục vụ cho việc tấn công.

Bà Căn Hai và bà Hồ Thị Hình thường kể cho con cháu nghe về trận đánh A So

Khoảng đầu tháng 3/1966, quân chủ lực bắt đầu nổ súng tấn công căn cứ sân bay A So. Trong hơn một tuần chiến đấu ác liệt, bà cùng với các đồng đội đã ra sức dùng gùi vận chuyển tiếp tế đạn dược, vận chuyển thương binh về tuyến sau. Không những làm tốt công tác hậu phương, bà và các đồng đội còn trực tiếp cầm súng, phối hợp với quân chủ lực Sư đoàn 325 cùng bộ đội địa phương tiêu diệt địch giải phóng A So. Ngay khi giải phóng A So, du kích và bộ đội địa phương tiếp quản căn cứ, chống địch quay lại tấn công.

Cũng tham gia du kích từ năm 1962, bà Căn Hai năm nay đã 80 tuổi ở thôn Ba Lạch, xã Hương Lâm vẫn nhớ như in những ngày cùng với bộ đội Sư đoàn 325 tấn công Mỹ Ngụy giải phóng sân bay A So.

Bà Căn Hai cho biết, cả gia đình bà và người dân xã Hương Lâm ngày đó đều theo Đảng, theo Bác Hồ. Nhà nào cũng có người tham gia vào lực lượng du kích địa phương và bộ đội. Bà cũng tham gia lực lượng du kích, còn chồng bà là bộ đội địa phương.

Dấu tích chiến tranh và tội ác Mỹ Ngụy vẫn còn tồn tại ở A So

Ngày đó, mỗi thôn ở Hương Lâm đều có một trung đội du kích nhau tuần tra bảo vệ làng khi địch càn quét. Trận chiến giải phóng A So rất ác liệt, máy bay của địch cứ bay lượn trên đầu tiếp viện cho địch ở căn cứ A So. Chúng thả bom liên tục. Nhiều đồng chí bị thương được bà và đồng đội vận chuyển lại phía sau. Hơn một tuần chiến đấu, cuối cùng chúng tôi cũng làm chủ được đồn A So. Tui và bà Hình hay ngồi với nhau và kể cho con cháu nghe về những ngày chiến đấu ác liệt giải phóng A So. Bà Căn Hai chia sẻ.

Trực tiếp tham gia vào trận đánh giải phóng căn cứ A So, ông Hồ Văn Hạng (71 tuổi) ở thôn A So, xã Hương Lâm cho hay: Mặc dù rơi nước mắt khi chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, nhưng anh em lúc đó đều bảo nhau lấy đó  làm động lực chiến đấu quyết tâm giải phóng A So. Và trong hơn một tuần liên tục chiến đấu, giành giật với địch, du kích địa phương chúng tôi cùng với bộ đội Sư đoàn 325 đã giải phóng được căn cứ A So.

Ông A Ting Prưi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Lâm cho biết, trong cuộc chiến giải phóng A So, xã Hương Lâm có rất nhiều đồng chí tham gia trực tiếp chiến đấu, phục vụ hậu phương. Hiện nay trên địa bàn xã có 39 đồng chí còn sống từng tham gia chiến dịch giải phóng A So. Hội Cựu chiến binh xã đã chọn 17 đồng chí tham gia lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng A So do huyện tổ chức.

Ông Lê Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện A Lưới cho biết, trong trận chiến giải phóng A So 50 năm trước, trên địa bàn huyện A Lưới có khoảng 400 du kích tham gia phục vụ gùi đạn dược, trực tiếp chiến đấu.

Võ Thạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Câu cá nục

Theo ngư dân ra khơi câu cá nục, mới hiểu được tầm quan trọng của những “ngôi nhà” dành cho cá trú ngụ giữa biển khơi.

Câu cá nục
Tái sinh rừng mây

Thay vì đua nhau vào rừng khai thác cạn kiệt mây rừng, đồng bào các dân tộc Pa Cô, Kơ Tu, Tà Ôi ở dãy đại ngàn Trường Sơn huyện A Lưới đã tích cực tham gia vào các dự án tái sinh rừng mây. Rừng mây đang hồi sinh ở các cánh rừng dưới bàn tay chăm sóc của người dân.

Tái sinh rừng mây
Kiếm thêm thu nhập từ nghề bứt đót

Khi những cánh rừng, triền đồi thấp thoáng bông đót cũng là lúc người dân vùng cao ở trên địa bàn tỉnh lại bước vào mùa thu hoạch đót. Đót rừng trở thành “lộc rừng” với bà con nơi đây.

Kiếm thêm thu nhập từ nghề bứt đót
A Lưới: Khánh thành Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện A Lưới, 50 năm Ngày giải phóng A So (11/3/1966 – 11/3/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, sáng 7/3, UBND huyện A Lưới tổ chức lễ khánh thành Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học tại sân bay A So thuộc xã Đông Sơn.

A Lưới Khánh thành Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học
Return to top