ClockThứ Hai, 28/03/2016 14:15

Tái sinh rừng mây

TTH - Thay vì đua nhau vào rừng khai thác cạn kiệt mây rừng, đồng bào các dân tộc Pa Cô, Kơ Tu, Tà Ôi ở dãy đại ngàn Trường Sơn huyện A Lưới đã tích cực tham gia vào các dự án tái sinh rừng mây. Rừng mây đang hồi sinh ở các cánh rừng dưới bàn tay chăm sóc của người dân.

Máu chảy, da lột vì mây rừng

Một ngày theo các thành viên trong HTX Hương Phong, xã Hương Phong (A Lưới) vào rừng trồng cây mây, chúng tôi thực sự ấn tượng trước công việc tái sinh lại nguồn mây rừng của người dân nơi đây. Vừa cùng 3 thành viên trong HTX Hương Phong phát quang và trồng hơn 30 cây mây dưới tán rừng tự nhiên, anh Trần Văn Thu (32 tuổi) ở thôn Hương Phú, xã Hương Phong phấn khởi, người dân xã Hương Phong bây giờ chú ý trồng hơn là khai thác mây rừng.

Thành viên HTX Hương Phong phát quang rừng trồng mây

Anh Thu kể: “Trước đây, người dân xã Hương Phong cũng như người dân các xã trên địa bàn huyện A Lưới quen với việc đi bứt cây mây và lượm hạt mây để mưu sinh. Trung bình mỗi ngày một người có thể bứt được 50 – 60 kg mây rừng. Bên cạnh đó, lượm hạt mây cũng giúp người dân có nguồn thu nhập đáng kể khi hạt mây được thương lái thu mua với giá từ 170.000 – 180.000 đồng/kg đối với hạt to”.

Với đặc tính tự nhiên, cây mây thường mọc nhiều ở dưới tán rừng sâu, nơi đất ẩm ướt, bởi thế người khai thác mây rừng phải rất vất vả và cực nhọc mới bứt được mây. Thông thường những cây mây có chiều dài từ 10 – 15 mét mới được người dân khai thác. Trước đó, người dân phải dùng rựa phát quang bụi rậm xung quanh, bởi phần gốc cây mây có rất nhiều gai nhọn. Nói như anh Thu, bứt được một cây mây, phải máu chảy, da tay bị lột.

Có thời gian thu mua hạt mây, cây mây từ người dân để bán lại cho thương lái, anh Trần Văn Dương, Phó Giám đốc HTX Hương Phong bộc bạch: “Những năm trước, với giá 3.000 đồng/kg mây, mỗi ngày một người đi bứt mây rừng cũng kiếm được 150.000 đồng. Chính thu nhập hấp dẫn như vậy mà nguồn mây rừng cạn kiệt dần do người dân đua nhau vào rừng khai thác mây quá mức.

Vài năm trở lại đây, một người bứt vài chục kg mây mỗi ngày là rất hiếm, ai may mắn lắm mới bứt được 10 -15 kg”. Hiện nay, tình trạng người dân đi chặt phá rừng mây ở Hương Phong giảm một cách đáng kể. Anh Dương chia sẻ.

Tạo sinh kế bền vững

4 năm trở lại đây, nhận thức được cây mây rừng cạn kiệt, người dân không còn triệt hạ cây mây ồ ạt mà đã trồng lại cây mây dưới các tán rừng.

Tham quan vườn ươm cây mây rừng của HTX Hương Phong, xã Hương Phong ở thôn Hương Phú và cùng các thành viên trong HTX vào rừng trồng mây, chúng tôi thấy ai cũng phấn khởi với công việc tái sinh rừng mây dưới tán rừng.

Theo Phó Giám đốc HTX Hương Phong, để có những cây mây con mang vào ươm dưới các tán rừng, công tác ươm giống cây mây con rất quan trọng. Ươm được cây mây rừng phải trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian chăm sóc.

Hạt mây được lượm từ rừng về sẽ được đập phần vỏ cứng bên ngoài và ươm vào đất. Từ lúc ươm cây đến khi đưa cây vào trồng ở dưới tán rừng phải mất hơn một năm. Cây mây trồng từ 5 – 7 năm mới được thu hoạch.

Ông Mai Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: Năm 2011, người dân xã Hương Phong bắt đầu trồng mây rừng dưới các tán rừng theo dự án 147. Từ đó đến nay, người dân trong xã đã trồng được 200 héc ta mây rừng. Với việc phát triển rừng mây trồng đã tạo công ăn việc làm, giúp người dân phát triển kinh tế một cách bền vững với cây mây.

Không chỉ người dân xã Hương Phong, nhiều người dân trên địa bàn huyện A Lưới cũng đang từ bỏ thói quen triệt hạ cây mây và tái sinh lại rừng mây dưới tán rừng bằng cách trồng và chăm sóc cây mây. Với người dân nơi đây, tận dụng diện tích rừng tự nhiên trồng mây rừng đang là một hướng làm kinh tế đúng đắn và bền vững.

Ông Nguyễn Đức Phú, Trạm trưởng Khuyến nông A Lưới cho biết, tái sinh rừng mây tạo sinh kế bền vững cho người dân được trạm thực hiện khoảng 4 năm trước, với dự án 147. Hiện nay, hơn 1.000 héc ta rừng tự nhiên ở A Lưới đã được người dân trên địa bàn trồng cây mây rừng.

Bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế, cây mây rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước ở các cánh rừng tự nhiên. Trong thời gian tới, diện tích trồng mây cũng sẽ được mở rộng khi tiềm năng kinh tế cây mây mang lại rất lớn. Ông Phú chia sẻ.

Bài, ảnh: Võ Thạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế
Return to top