ClockThứ Tư, 18/10/2017 05:16

Gầy dựng niềm tin bằng tình thương con trẻ

TTH - Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, sở hữu nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, nhiều bằng khen của UBND huyện, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục & Đào tạo, thế nhưng phần thưởng lớn nhất đối với nữ đảng viên, giáo viên Hoàng Thị Đảng (Trường tiểu học A Ngo, huyện A Lưới) là niềm tin yêu của phụ huynh - học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền núi cao.

Cô Đảng tranh thủ cắt tóc cho học trò trong giờ giải lao

Dốc lòng

Năm 2013, cô Hoàng Thị Đảng chuyển công tác từ Trường tiểu học Sơn Thủy về Trường tiểu học A Ngo, chủ nhiệm lớp một. Lúc đó, đã bắt đầu bước vào học kỳ 2 của năm học. Thế nhưng trong 17 học sinh của lớp, chỉ có 3 cháu đọc được. “Vừa thương học trò, vừa lo lắng. Lãnh đạo nhà trường khích lệ, cố gắng “vực” các cháu lên. Tôi tự dặn lòng, mình là giáo viên và là một đảng viên. Nhiệm vụ này, dù khó đến mấy cũng phải cố gắng”.

Là người miền xuôi, nhưng đã có mười mấy năm dạy học trên mảnh đất này, cô Đảng hiểu rất rõ các em phải chịu nhiều thiệt thòi. Với vốn liếng dày dặn tiếng Pa Cô, Tà Ôi, cô giao tiếp với học trò thành thạo bằng “tiếng của các cháu”. Cô trò xích lại thật gần. Trò chịu để cô rửa mặt mũi chân tay, cắt tóc, tết tóc... Trò chịu ngồi lại thật lâu sau giờ học, chăm chú nghe lời cô dạy. Những món đồ ý nghĩa như tập vở, cây bút hay chiếc kẹo mút là phần thưởng kèm lời khen ngợi dành cho sự cố gắng, “lôi kéo” các em đến lớp đều đặn, chăm chỉ học hành. 

Chỉ sau 2 tháng cô Đảng tiếp nhận lớp, trong 17 học trò đã có 16 em viết, đọc lưu loát, tiến bộ rõ rệt. “Chồng mất, cuộc sống khó khăn lắm. Ở trên nương rẫy suốt, mình không có thời gian hỏi han chuyện trò với con. May mà cô Đảng thường xuyên nói chuyện với con, tắm gội cho con, mua cho con cài, kẹp, váy áo..., kiên nhẫn dạy từng chữ. Cô đến nhà mình “theo” con suốt. Con gái mình vui vẻ lên nhiều, hòa nhập với bạn bè, thích đi học, biết đọc, biết viết... Cô giáo đã hết lòng vì một học trò mồ côi. Mình biết ơn, tin tưởng cô giáo lắm”. Mẹ của em Nguyễn Thị Giang (thôn Ta Roi, xã A Ngo) xúc động nói.

Gieo niềm tin

Xây dựng gia đình với chồng là người Pa Cô, gắn bó với mảnh đất này, cô Hoàng Thị Đảng càng hiểu “con cháu Bác Hồ” ở A Lưới một lòng tin yêu Đảng. Cô tâm niệm, hành động của một cô giáo, đảng viên là phải tiếp tục gieo niềm tin trong lòng người dân, phụ huynh học sinh bằng những hành động xuất phát từ tấm lòng. Cô xót xa khi một học trò của mình bị gãy tay phải bó bột. Đã 3 tháng nhưng em vẫn chưa được đưa đi tháo bột (trong lúc bác sĩ dặn sẽ tháo bột sau 1 tháng), bởi cha mẹ của em đi làm thuê tận xã Hồng Thủy (giáp tỉnh Quảng Trị) nên “quên”. Đảng lặn lội mấy chục cây số, qua con đèo Pê Ke khúc khuỷu ra Hồng Thủy, tìm gặp cha mẹ học trò. Lúc này, người mẹ mới “giật mình”, quay về cùng cô giáo đưa con đến bệnh viện.

Cô “để mắt” học trò mình mọi lúc mọi nơi. Biết Lê Duy Anh, học trò lớp 2 năm nào, thường trốn tiết học thể dục ra suối bắt cua, cá bỏ vào chai nước để nghịch, cô thủ thỉ: “Bữa nay có nhiều bạn nhỏ tắm sông tắm suối hay bị đuối nước, con không sợ sao. Học xong con nên về nhà kẻo bố mẹ lo”. Học trò giãi bày, bố thì say miết, mẹ đi rẫy miết, về nhà buồn lắm. Vậy là, những hôm không có bố mẹ, cậu học trò được cô giáo chở về nhà cô ăn cơm, học bài. Từ đó, cậu bỏ hẳn trò một mình ra suối. Người mẹ không ít lần bày tỏ sự yên tâm khi con được cô kèm cặp, dạy dỗ.

Bố của cậu học trò Hồ Quang cũng xúc động tâm sự, nếu không có cô giáo Đảng, có lẽ con của anh không được như ngày hôm nay. Hồi học lớp 3, Quang thường nghe theo rủ rê của mấy anh lớn tuổi, trộm tiền bố mẹ bỏ học ra quán net chơi game. Cô giáo cùng phụ huynh tất tả đi tìm. Khi bị bắt gặp ở quán nét, thấy bố tức giận định đánh, Quang trốn sau lưng cô giáo. Cô Đảng dặn phụ huynh về nhà không đánh con, để cô lo “vụ” này. Chở Quang về lớp học bình thường, giờ ra chơi, sau khi lấy sữa cho Quang uống, cô Đảng nhỏ nhẹ hỏi han, phân tích. Rơm rớm nhận mình sai, cậu học trò còn thổ lộ mơ ước sau này muốn trở thành anh bộ đội. Những ngày sau đó, cô luôn ở cạnh tiếp tục trò chuyện, động viên học trò cố gắng chăm chỉ học hành để thực hiện ước mơ. Quang không còn trốn học, ngoan, chăm hẳn.

Bây giờ, những cô cậu lớp 1, lớp 2..., đã lên lớp 4, lớp 5, đã có thầy, cô giáo chủ nhiệm khác. Nhưng những giờ ra chơi, đôi khi các bạn nhỏ lại chạy đến ôm lưng cô giáo cũ. “Những lúc như vậy, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc được đứa con xa nhà chạy về ôm mẹ”- cô Đảng trải lòng.

"Cô Trần Thị Đảng là người giáo viên, đảng viên tận tâm, trách nhiệm, có năng lực, đạt nhiều thành tích cao, được đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh tín nhiệm. Năm qua, cô Đảng là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh vinh dự giao lưu giáo viên dạy giỏi toàn quốc, được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen vì thực hiện tốt mô hình trường học mới..."

Thầy Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm tin và mong đợi của cử tri

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân thông báo về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân và hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ...

Niềm tin và mong đợi của cử tri
Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
Cơ sở của niềm tin

Thời gian qua, dù có sự thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên quyết, kiên trì, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ sở của niềm tin
Return to top