|
|
Cá thể cầy gần gũi, thân nhất của anh Quang |
Sửa sang lại ô chuồng nuôi bằng khung sắt cho mấy con cầy vòi hương sắp đẻ, trong niềm vui sắp có những cá thể thành viên mới, anh Quang pha lẫn đượm buồn khi một con cầy vừa chết do sốc nhiệt trước thời tiết thay đổi đột ngột, thất thường. Dù gây nuôi ĐVHD chưa bao giờ là chuyện dễ, nhưng anh Quang vẫn luôn băn khoăn, ngậm ngùi mỗi khi có cá thể cầy bị ốm, chết. Cứ mỗi lần có “thành viên chia tay” anh lại mất ăn, mất ngủ.
Hơn 8 năm gây nuôi loài cầy quý hiếm này chưa phải là thời gian quá dài, nhưng với anh Quang đủ để nếm trải những buồn, vui và kỷ niệm khó phai nhòa. Nhớ cái ngày đầu tiên bỏ ra hàng chục triệu đồng vay mượn để ẵm về mấy con cầy vòi hương mua từ Bình Phước chỉ để thỏa niềm đam mê. Đến một ngày tình cờ xem ti vi, thấy một số cơ sở nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, anh tiếp tục mua thêm mấy cặp nữa về nuôi.
Do chưa hiểu biết nhiều về pháp luật nên dù cầm trong tay những giấy tờ chứng minh nguồn gốc con giống cầy vòi hương hợp pháp, nhưng anh Quang vẫn nhiều đêm trăn trở. Đem chuyện nuôi cầy vòi hương của mình kể lại với một cán bộ kiểm lâm, anh Quang được hướng dẫn quy trình, thủ tục làm hồ sơ đăng ký gây nuôi động vật rừng. Cầm tờ giấy chứng nhận, cấp phép gây nuôi của cơ quan chức năng đã giải tỏa tâm lý và niềm đam mê gây nuôi loài động vật quý hiếm này đối với anh Quang.
|
|
Cầy vòi hương thích sống trong bóng tối |
Từ 12 cặp cầy vòi hương bố mẹ ban đầu, chỉ sau ba năm đàn cầy được gầy nuôi lên đến 60 mẹ và gần 130 con thương phẩm. Mảnh đất vườn rộng hàng trăm mét vuông, anh Quang dành hết để xây dựng chuồng trại nuôi cầy vòi hương, vì chúng có khả năng sinh sản rất nhanh. Mỗi cá thể cái có thể sinh sản mỗi lứa 4-5 con, trong điều kiện thời tiết bình thường, ổn định thì tỷ lệ sống trên 70%.
Để cầy vòi hương có khả năng sinh sản cao không phải dễ, mà đòi người chăm nuôi như anh Quang thường xuyên theo dõi, nắm bắt kỹ từng giai đoạn sinh trưởng, thời điểm cá thể cái động dục. Thường cá thể cầy cái động dục trong hai ngày, khoảng thời điểm này buộc cho cá thể đực giao phối, nếu quá thời điểm này thì có thể mất nhiều tháng sau, thậm chí cả năm cá thể cái mới có thể tái động dục.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở gây nuôi ĐVHD với 1.545 cá thể (tăng 2 cơ sở và 489 cá thể so với năm 2021) được cấp phép hoạt động theo quy định của Chính phủ. Trong đó, có 18 cơ sở nuôi ĐVHD thông thường và 32 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB. Riêng năm 2022, đã cấp 9 mã số cơ sở nuôi ĐVHD theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
|
Khi số lượng đàn lớn dần, anh Quang nghĩ đến chuyện kinh doanh, lấy kinh phí bán giống mua thức ăn, thuốc men cho đàn cầy và trang trải cuộc sống. Thông qua các trang mạng xã hội, facebook, nhiều trang trại gây nuôi ĐVHD trên cả nước biết đến cơ sở nuôi của anh Quang. Hầu hết các chủ trang trại đều mê loài động vật này nên mua với giá tương đối cao, mỗi cặp thường có giá từ 2-4 triệu đồng tùy theo lứa tuổi các cá thể cầy. Hai năm đầu, anh Quang thu lãi 150 triệu đồng từ bán giống cầy vòi hương.
Giải trí có, thu tiền triệu có, nhưng nuôi loài ĐVHD này cũng khiến anh Quang nhiều phen lận đận. Cứ mỗi lần thời tiết thay đổi đột ngột, thất thường, dưới hoặc trên 28-30 độ C, cả đàn cầy hàng trăm con bỗng trở nên mệt mỏi, chán ăn, trong khi lâu nay chỉ có thuốc phòng, chưa có thuốc chữa trị. Thất bại đáng nhớ nhất vào năm 2019, thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột khiến hơn 100 con bị sốc nhiệt, nhiễm bệnh thương hàn, cầu trùng và chết. Đến năm 2021, thêm một lần nữa có khoảng 60-70 con bị chết do nhiệt độ và các bệnh tương tự. Rất may, còn nguyên một trại bố mẹ được bảo vệ an toàn cho đến nay.
Trong điều kiện môi trường chăn nuôi của con người nhưng cầy vòi hương vẫn giữ nguyên đặc tính hoang dã, thấy người thường núp kín và hoạt động, tìm kiếm thức ăn chủ yếu vào ban đêm, ngày ngủ. Thức ăn của chúng ban đầu chủ yếu cá sống, thịt sống... Sau đó, tập làm quen dần thức ăn cháo nấu chín đến khi cho ăn thức ăn công nghiệp (thức ăn heo con). Vì đặc tính nhút nhát, sợ sệt nên phần lớn các cá thể cầy gây nuôi đều khó gần với con người. Chỉ một vài cá thể được thuần hóa, thật sự làm bạn với người nuôi, biết “nghe theo ý chủ” nên anh Quang giữ lại chăm nuôi, xem như thú cảnh từ nhiều năm nay.
Theo nhận định của anh Quang, với những đặc tính và khả năng sinh sản nhanh, loài cầy vòi hương quý hiếm có thể tồn tại nhiều cá thể trong rừng sâu. Tuy nhiên, trước tác động của con người, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh cảnh sống, đặc biệt nạn săn bẫy thú rừng khiến nguy cơ nhiều loài thú, trong đó có cầy vòi hương ngày càng giảm số lượng cá thể. Trong quá trình gây nuôi của mình, anh Quang không ít lần tự mình thả cầy vòi hương về môi trường tự nhiên với mong muốn tạo điều kiện cho loài cầy quý hiếm này có thể tăng số lượng cá thể trong môi trường hoang dã.
Điều anh Quang băn khoăn, việc tự ý thả các cá thể gây nuôi về môi trường rừng khó có thể xác định được chúng có khả năng thích nghi và sinh tồn nơi hoang dã. Anh hoàn toàn sẵn sàng hiến tặng các cá thể gây nuôi cho cơ quan chức năng để có biện pháp nuôi dưỡng, tập làm quen, thích nghi với môi trường bên ngoài trước khi thả về môi trường tự nhiên để nâng cao khả năng, cơ hội sinh tồn. Gây nuôi, bảo tồn loài ĐVHD luôn được anh Quang xem là một phần trách nhiệm của mình. Anh đang có ý định đầu tư xây dựng chuồng trại một cách bài bản, mỗi trại nuôi khoảng 100m2 trở lên, có hệ thống máy điều hòa, hệ thống lọc gió, ổn định nhiệt độ... Kinh phí xây dựng trại nuôi có thể hàng trăm triệu đồng, ngoài khả năng của gia đình anh Quang lúc này.
Cầy vòi hương hay còn gọi là chồn hương (có tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus), là loại động vật có vú thuộc họ cầy. Đây là loại cầy phổ biến nhất tại Việt Nam. Loài thú này gắn liền với thương hiệu cà phê chồn nổi tiếng trên toàn thế giới với tên gọi là chồn hương. Cầy vòi hương thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB. Cơ quan kiểm lâm đã hướng dẫn và tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân được nhân nuôi loài động vật này theo quy định của pháp luật nhằm bảo tồn nguồn gen và phát triển kinh tế.