Năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với mục đích giúp người dân an cư tuổi già. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức lương cơ sở hiện hành, do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, theo quy định của Nhà nước là 154 ngàn đồng/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã quy định, từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330 ngàn đồng/tháng, tăng 176 ngàn đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là 154 ngàn đồng/tháng, còn mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng. Do trong năm 2022 chưa thực hiện tăng tiền lương nên lương cơ sở năm 2022 vẫn áp dụng mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng.
Một phụ nữ kinh doanh quần áo ở TP. Huế cho biết, thấy chị em bạn bè có lương hưu, bản thân cũng muốn tuổi già có khoản thu ổn định. Nhưng theo bà, khi chưa điều chỉnh tăng bà đã thấy giữa mức đóng và mức thụ hưởng chênh lệch cao theo hướng đóng nhiều, hưởng ít. Chưa kể trợ cấp đi kèm của BHXH tự nguyện quá hạn chế, chỉ được hưởng 2 trợ cấp là hưu trí và tử tuất. Những hạn chế này đã khiến cho bà chưa quyết định tham gia. Nay, Nhà nước tăng mức đóng tối thiểu lên hơn gấp đôi, nhưng thời gian hưởng không ngắn lại, mức hưởng cũng không tăng tương xứng thì bà lại càng băn khoăn.
Thực tế, người dân cần hiểu đúng về điều chỉnh mức đóng tăng. Do quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 ngàn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Đi liền với việc tăng đóng này, Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 lên tương ứng, vì thế tính ra khoản tiền túi người dân bỏ ra đóng BHXH tự nguyện không thay đổi so với trước. Lâu nay, người dân lao động tự do chưa quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện để bảo đảm đời sống sau khi hết tuổi lao động, trong 2 năm qua, việc phát triển chính sách BHXH tự nguyện lại càng gặp khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 21.809 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 98,19% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Điều này đồng nghĩa với con số hàng trăm ngàn người trong diện tiềm năng vẫn chưa tham gia BHXH tự nguyện. Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đang thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện theo xu hướng tích hợp thêm chính sách bảo hiểm y tế để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh; đồng thời, nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này nhằm tăng tính hấp dẫn. Về thời gian thụ hưởng, khả năng ngành BHXH cũng xem xét giảm thời gian chờ thụ hưởng từ 20 năm xuống còn 15 hoặc 10 năm, hoặc cho mua theo gói với nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Quyền lợi được bảo đảm tương ứng với dịch vụ, gắn với những thủ tục hành chính được cải cách theo hướng thuận lợi, nhanh chóng và gần gũi sẽ là điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.
An Nhiên