ClockChủ Nhật, 26/03/2023 15:52

Góc sân mùa lá non

TTH - Ngày tôi về nhà chồng cây hồng đã có ở đó. Hai bụi mai tứ thời tiếp nối hàng rào chè tàu ngay cổng vô ra là câu chào thiệt Huế. Nhắm mắt cũng biết cái lồng chim chích chòe có chạm hoa văn đơn giản trên cành hồng chìa sát cửa sổ vì nó luôn được treo đúng chỗ đó.

Ai sinh ra ném, ném ơi…

leftcenterrightdel
 

Ba làm việc ở nhà thương lớn từ thời Pháp thuộc cho đến ngày đất nước thống nhất. Buổi sáng với cà phê, nghe chim hót và coi đá banh là thú vui tuổi già của ba. Ngoại trừ chuyện cây hồng ba về Truồi bứng lên trồng mấy năm đã trái chín đeo cành, trái chỉ bằng quả trứng gà, không có hột, múi thơm dẻo đỏ au ngon lạ, thì hình ảnh in sâu trong ký ức tụi con nít là ông nội với một tách cà phê đen bên bệ cửa sổ ngồi đó ngó ra góc sân xanh mát. Con chim chào mào múa may đập cánh các kiểu và hót liên hồi.

Dưới gốc cây hồng là ngôi nhà của ba mạ và mười một anh chị em chồng tôi sinh sống. Sở nhà do người Pháp thiết kế trông giống những biệt thự vườn thoáng mát dưới bóng cây. Nhiều người từng được ăn trái hồng vườn nhà ba đều hỏi giống hồng từ đâu, chăm sóc cách chi mà trổ trái ngon ngọt và thơm dẻo đến thế. Ba tôi cười thì đất nào trái đó là vậy.

Khách thập phương vẫn luôn cảm nhận về điều này với sự đồng tình một cách hãnh diện của người sông Hương, núi Ngự rằng cây trái nơi đây đặc biệt thơm ngon. Những ngôi nhà vườn của Huế đa phần được xây dựng theo kiểu kiến trúc gần gũi với thiên nhiên cây cỏ. Gần như nhà nào cũng có một góc sân với bóng mát cây ăn quả, vài luống hoa bên bờ chè tàu xanh mượt. Cũng vì thế bao người xa quê sống trong những cao ốc chọc trời vẫn không thôi nhớ về ngôi nhà tuổi thơ, những ô cửa ngó ra bầu trời trong vắt với khoảnh sân rì rào tươi mát cỏ cây.

Sông Hương len lỏi qua những khu rừng già với trăm ngàn loài hoa rễ thơm thảo mộc cho dòng nước vị thơm ngọt lạ lùng. Và người uống nước sông Hương - người Huế cũng luôn đặc biệt theo một cách nào đó từ giọng nói, dáng vẻ đến thói quen sinh hoạt. Gia đình chồng tôi sống nơi con phố này cũng gần 70 năm.

Những đứa trẻ của chúng tôi lớn lên tập đi tay men theo bệ cửa mà ngày xưa ba chúng chập chững bước dưới bóng cây hồng. Chúng xếp những nắp keng, hòn sỏi nhỏ, những bộ dây thun như một kho tàng bóng mát và tiếng chim. Hồi đầu mới về làm dâu, tôi thích thú mỗi cuối tuần các anh chị đưa con cháu về xúm xít buổi sáng cà phê với ba, chiều ăn quà vặt bánh bèo, bánh nậm nơi góc sân cùng mạ. Rồi ba ốm nặng. Ngày người sắp về gặp tổ tiên, các con treo con chào mào lên ô cửa sổ. Cây hồng mùa thu quả chín lủng lẳng. Ba nhìn rất lâu bức ảnh Phật Quán Thế Âm rồi khép mắt thu lại một mảnh trời xanh với tán cây hồng và tiếng chim dưới vòm cây đầy nắng.

Mấy mùa sau, cây hồng không ra trái. Nhà tôi tìm sâu, tưới phân, vun gốc nhưng cây vẫn yếu dần. Mùa đông cây rụi sạch lá chỉ còn xương cây. Rồi nắng lớt phớt, mưa liu riu, mùa xuân đến với thời tiết thật dễ chịu. Cứ như trời đất cũng đồng lòng gọi những mầm xanh. Và những xương cây đã bật chồi! Lá mỏng non tơ xanh lên mướt mát. Đã e ấp những trái hồng đầu mùa như những đèn lồng bé xiu lấp ló.

Đặt một chiếc ghế dưới tán cây nắng mới, lòng tôi vui theo tiếng bầy chim sâu ríu ran trở lại. Sẽ phơi phong bằng nhánh bằng cành. Sẽ nhắc ta chút sương chiều tà hay vạt nắng vui buổi sớm dưới ân đức trời đất tổ tiên. Góc sân rộn tiếng cười con nít. Mặt trời ấm áp trên vòm lá nối tiếp màu xanh của phố bốn mùa...

BẠCH DIỆP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top