ClockChủ Nhật, 29/07/2018 06:45

Háo hức với zèng

TTH - A Lưới ngày hè oi bức, trời về chiều thường có cơn mưa giông như trút nước, thế nhưng vẫn không ngăn được sự háo hức những cô cậu tuổi đôi mươi từ phương xa tìm tới. Đơn giản, câu chuyện về dệt Zèng đã cuốn hút họ.

Dệt Zèng cuốn hút bạn trẻTiếp tục xác lập, phát triển nhãn hiệu tập thể cho dệt zèngTiếp sức cho nghề dệt zèng A LướiCải tiến quy trình nhuộm sợi dệt ZèngYêu Zèng

Zèng cuốn hút các bạn sinh viên ở xa

Sau hành trình 1.000km đi tàu đến Huế, hơn 40 sinh viên ngành thời trang Trường đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục ngược chuyến xe, băng qua cung đường ngoằn ngoèo để tìm đến thôn Aka (xã A Roàng) của đồng bào Tà Ôi dựa lưng bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trước mắt họ, dệt Zèng gần hơn bao giờ hết với bao nhiêu ngỡ ngàng, chờ được khám phá.

Độc đáo

Đường vào bản làng dốc thoai thoải, những người đàn ông, bà mẹ hay những em gái xinh xắn vận những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống với nhiều họa tiết hiện ra trước mắt các bạn trẻ. Ai cũng trầm trồ khen đẹp. Khi chiếc xe vừa dừng hẳn, ngôi nhà rông của người Tà Ôi ở thôn A Ka hiện ra với khung cảnh hàng chục người phụ nữ tuổi từ 10 đến trên 60 đang cặm cụi bên khung dệt, họ reo lên và khẳng định là dệt Zèng.

Không quên mua để làm kỉ niệm

Hướng Dương, cô gái trẻ chuẩn bị bước vào năm 3 ngành thời trang, thốt lên: “Quá tuyệt, quá bất ngờ, quá cuốn hút!”. Cũng như 40 bạn trẻ cùng ngành, Dương yêu thời trang và đặc biệt là thời trang truyền thống. Hỏi sao không chọn một loại hình thời trang truyền thống khác mà phải dệt Zèng, cô kể lại từng xem khá nhiều về các loại thổ cẩm của các đồng bào nằm dọc theo dãy Trường Sơn và rất ấn tượng từ câu chuyện của nhà thiết kế Minh Hạnh khi lấy ý tưởng và chất liệu của nghề dệt Zèng để thiết kế trang phục.

Càng tìm hiểu, những người trẻ như Dương càng nhận ra nhiều điều thú vị từ câu chuyện mà nghệ nhân kể lại. Loại vải của Zèng bao giờ cũng mang đặc trưng riêng, không chịu sự ảnh hưởng bởi thổ cẩm của nhiều vùng miền khác hay bên kia biên giới nước bạn Lào. Ở đó, những hoa văn khi chìm, khi nổi được thể hiện vô cùng đơn giản, mộc mạc nhưng tinh tế cho người xem thấy được giá trị văn hóa bản địa không lẫn vào đâu từ ngôi nhà rông, cây chông, ngọn núi hay cỏ cây, hoa trái, chim muông... “Zèng có bốn màu chủ đạo là đen, đỏ, trắng, xanh. Các bạn thấy họa tiết cây chông không? Đó là loại vũ khí gắn liền với đồng bào Tà Ôi trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ”, nghệ nhân Viên Thị Loan vừa bước quá tuổi 25 nhưng đã có hơn 15 năm thành thục với nghề dệt Zèng vừa đưa tấm Zèng lên cao, giải thích.

Ghi chép cẩn thận

Chỉ vào những hạt nhỏ màu trắng li ti, cô bạn Yến Trinh thắc mắc. Thắc mắc ấy chính là vấn đề cốt lõi câu chuyện dệt Zèng mà nhiều người đang đi tìm chính là hạt cườm. Hạt cườm trên nền vải được đưa vào cấu trúc của khung dệt rất đơn giản nhưng tạo nên điểm nhấn không lẫn với các loại vải của những đồng bào dân tộc khác. “Ngoài cách phối màu đặc trưng, kỹ thuật xâu cườm thành những hoa văn đã tạo nên sự độc đáo cho dệt Zèng” - Yến Trinh giải thích và khẳng định sẽ nghiên cứu sâu hơn vấn đề này để thực hiện một đồ án cho riêng mình.

Biến tấu hiện đại

Lâu lắm rồi người dân Aka mới vui như thế khi đón tiếp những vị khách đặc biệt, những người trẻ đến từ phương xa yêu dệt Zèng. Các nghệ nhân tựa vào cột nhà để trình diễn, các bạn trẻ nghiêm túc chăm chú vừa nhìn, vừa hỏi, vừa ghi chép. Bên ngoài, gió núi phản phất như thêm chất thơ của núi rừng tạo cảm hứng cho nghệ nhân lẫn người tìm hiểu.

Trên bộ khung độc đáo với các thanh gỗ, tre nứa theo hai phương ngang dọc qua đôi bàn tay luồn lách sợi khéo léo, nghệ nhân tuổi 50 A Viết Thị Nhi xúc động, chậm rãi hướng dẫn từng thao tác cho các bạn trẻ. Bà kể, 37 năm làm nghề nhưng chưa khi nào thấy vui như thế bởi được đón đoàn khách từ phương Nam đến tìm hiểu nghề truyền thống của đồng bào mình. “Ngay cả các bạn ấy còn yêu Zèng thì huống gì chúng tôi, được sinh ra và lớn lên trên nền tảng mà cha ông để lại. Không chỉ hướng dẫn cho các bạn ấy biết về Zèng, chúng tôi cũng học được các bạn ấy những họa tiết hiện đại, mới lạ” – nghệ nhân Nhi nói.

Gần một tuần cùng ăn, cùng ở với các nghệ nhân Zèng, những nhà thiết kế tương lai không chỉ dừng lại việc tìm hiểu mà cùng sáng tạo ra không biết bao nhiêu họa tiết mới mẻ mang yếu tố hiện đại để các nghệ nhân thử ứng dụng. Đó có thể họa tiết con cá, hình trái tim, lá cây phong... Cứ thế, mỗi họa tiết của mỗi sinh viên thiết kế sẽ được một nghệ nhân Zèng thực hiện.

Vừa lách đường sợi để tạo hình họa tiết cặp đôi trái tim được một bạn trẻ thiết kế, nghệ nhân A Viết Thị Nhi vừa thừa nhận: “Lâu nay, quen thao tác họa tiết truyền thống rồi, giờ các bạn cho các mẫu mới nên thực hiện hơi chậm, nhưng làm ra thấy rất đẹp”.

Đêm về bên lửa trại trước sân nhà rông, cầm những tấm thổ cẩm Zèng được phối hợp giữa người thiết kế là sinh viên – và người thực hiện là các nghệ nhân, cô giảng viên trẻ Hoàng Thị Ái Nhân (người dẫn đoàn sinh viên) khoe với chúng tôi những tác phẩm lạ mắt trên nền Zèng. “Với hệ thống màu nền nổi bật Zèng luôn có thể phối với hoa văn theo lối tinh giản cũng có thể cho ra một sản phẩm thời trang lạ mắt, mang dấu ấn hiện đại. Trường hợp cần có thể sử dụng thêm một vài màu sắc nền khác chắc chắn sẽ tạo ra một Zèng mới lạ, ấn tượng”, cô giảng viên trẻ khẳng định. Những sản phẩm ấy sẽ thoát khỏi vai trò những tấm áo, chiếc váy truyền thống mà sẽ đi xa hơn phù hợp với việc trang trí nội thất, rèm, khăn bàn... để đáp ứng nhu cầu người yêu thẩm mỹ. Không riêng gì sinh viên mà cả cô giảng viên trẻ được sống giữa cộng đồng nghệ nhân Zèng bên dãy Trường Sơn đã vẽ ra cho mình rất nhiều dự định sau chuyến đi.

Họ nghĩ tới chuyện đưa những hoa văn của Zèng lên áo dài và sáng tạo thêm nhiều hoa văn khác để ứng dụng lên Zèng... và cũng không quên mua, mặc những tấm thổ cẩm được làm từ Zèng vừa để kỉ niệm, vừa để quảng bá về Zèng A Lưới.

Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống

Chương trình đưa sinh viên ngành thời trang đến tìm hiểu dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới) nằm trong chương trình hợp tác giữa Trường đại học Văn Lang với Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho biết, chương trình này là hoạt động cần thiết, ý nghĩa nhằm đảm bảo các hành động bảo tồn cụ thể sau khi nghề dệt Zèng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, tạo ra những sản phẩm mới, hiện đại, mang tính ứng dụng cao nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố bản sắc, các giá trị truyền thống của Zèng. Xa hơn, để bảo tồn và phát huy nghề thủ công dệt Zèng dựa vào cộng đồng, đề cao vai trò của cộng đồng, trong định hướng tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững.

Ngoài sinh viên ngành thời trang, sinh viên một số ngành khác, như nội thất, hội họa... từ nhiều năm qua cũng đã được trải nghiệm thực tế ở nhiều đình làng, phủ đệ, nhà vườn trên địa bàn toàn tỉnh. “Định hướng lâu dài sẽ kết hợp giảng dạy với nghiên cứu. Điều này buộc cả người học lẫn người nghiên cứu phải đi thực tế để xây dựng cơ sở dữ liệu cho sinh viên, từ đó mới có chất liệu truyền thống để đưa vào hiện đại”. TS Tuấn nhấn mạnh.

Bài ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top