ClockThứ Tư, 19/07/2023 08:39

Hát cho dân tôi nghe & nhạc sĩ Tôn Thất Lập

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Tôn Thất Lập hát trong phong trào tranh đấu của học sinh, sinh viên. Ảnh: Tư liệu

1.  Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, ở các đô thị miền Nam liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh phản kháng chế độ cũ của trí thức và văn nghệ sĩ. Vào khoảng 1965 - 1966, từ ý thức phản chiến đến tinh thần dấn thân đấu tranh mạnh mẽ trong các ca khúc của sinh viên, học sinh đã hình thành khuynh hướng âm nhạc tiến bộ của lớp trẻ đô thị miền Nam, trong đó có Tôn Thất Lập. Trước đó, những sáng tác của ông chưa được phổ biến nhiều. Từ khi có những sáng tác phục vụ phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh, tên tuổi của Tôn Thất Lập mới bắt đầu được biết đến nhiều.

Ca khúc Hát cho dân tôi nghe ra đời trong những ngày Tôn Thất Lập tham gia tranh đấu trong phong trào sinh viên, học sinh tại Huế. Bài hát này ông viết ở Cố đô cuối năm 1966, trong những ngày hừng hực khí thế đấu tranh. Những đêm văn nghệ sinh viên, học sinh, thường xuất hiện bài này. Tháng 11/1968, Hội đồng sinh viên Liên khoa Huế tổ chức đêm nhạc Tôn Thất Lập tại giảng đường Trường đại học Khoa học mở đầu phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, trong đó bài Hát cho dân tôi nghe được hưởng ứng nồng nhiệt.

Đêm Giáng sinh 1969 ở Sài Gòn, học sinh, sinh viên các trường đại học Văn khoa, Dược khoa, Nông - Lâm - Súc đã kéo về “khu tam giác sắt”, dự đêm Hát cho đồng bào tôi nghe, trong đó ca khúc Hát cho dân tôi nghe cùng với nhiều bài hát đấu tranh khác vang lên thách thức bọn địch. Tại thành phố Đà Lạt, có phong trào hát Tranh đấu ca chống chế độ cũ, Hát cho dân tôi nghe là một trong những bài hát đi vào tâm hồn, cuộc sống sinh viên học Đà Lạt thời ấy.

2. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập quê ở Huế. Ông sinh ngày 25/2/1942 ở Đà Nẵng, sau đó ra sinh sống ở Huế. Cụ thân sinh của anh biết chơi đàn nguyệt. Đêm về khuya, ông thường chơi các bài nhạc cổ của đất Cố đô Huế. Cậu bé Lập lúc đó vào tuổi mẫu giáo rất thích nghe bố chơi đàn, nhưng vì trẻ con trong nhà không được thức khuya, nên cậu ta nằm trên giường giả vờ ngủ nhưng tai vẫn lắng nghe tiếng đàn thánh thót trong đêm khuya.

Khi còn học tiểu học, cậu bé Lập đã tham gia ca hát trong phong trào văn nghệ học sinh. Khoảng 14 - 15 tuổi, đang học trung học, Tôn Thất Lập có sáng tác đầu tay, đó là bài Một dòng sông. Bài hát đã được một ca sĩ thời ấy tên là Dạ Ái hát trên đài phát thanh Huế. Năm, sáu năm sau, Tôn Thất Lập chỉnh sửa lại bài Một dòng sông thành bài Lời ca trên miền biển cả được ca sĩ Thái Thanh hát ở Huế và Sài Gòn.

Ðêm văn nghệ 27/12/1969, khi hàng nghìn sinh viên của các trường đại học ở Sài Gòn đang hát vang bài Hát cho dân tôi nghe thì cảnh sát địch ập tới. 179 sinh viên bị bắt, trong đó có Tôn Thất Lập. Vì sự phản đối dâng cao của dư luận, họ được thả sau đó. Tháng 5/1970, lúc ông đang tập chương trình mới để chuẩn bị hỗ trợ phong trào sinh viên Cần Thơ thì cảnh sát bao vây và bắt về Nha cảnh sát Ðô thành.

Năm 1972, ông vào chiến khu, cuối 1973 ra Hà Nội, rồi sang Pháp để vận động Việt kiều và trí thức miền Nam. Trong thời gian công tác tại Pháp ông có sáng tác hai bài Nhớ về miền Nam và Hướng về quê hương độc lập. Bài thứ hai viết đúng vào đêm 30/4/1975. Báo Nhân Dân ngày 25/5/1975 đã in bài hát này với lời giới thiệu: "Chúng tôi vừa nhận được sáng tác nhạc dưới đây của nhạc sĩ Tôn Thất Lập từ Pa-ri gửi về". Sau ngày thống nhất đất nước, Tôn Thất Lập đã sáng tác khá nhiều, một số bài phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

3. Tôn Thất Lập tâm sự, địch tuyên truyền lấp sông Bến Hải và sự lệ thuộc vào người Mỹ, gây cho đồng bào mình quên đi tinh thần độc lập. Chúng muốn làm nhụt ý chí quật khởi, truyền thống yêu nước của Nhân dân ta. Thời điểm đó, tôi và những người trí thức trong lòng địch nghĩ là phải làm gì để khơi gợi tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của đồng bào. Ðó là lý do để chúng tôi tổ chức phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Nhà văn Trần Bạch Ðằng từng nhận xét: Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe làm run rẩy cả một chế độ. Nó đưa cả một khí thế quần chúng dữ dội, thực sự dấn thân, cả trong tù.

Ngày 18/10/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Trẻ cho ra mắt cuốn sách Lịch sử Phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954 - 1975. Giữa chừng buổi ra mắt sách, có người đề nghị nhạc sĩ Tôn Thất Lập đang có mặt hát một bài. Cả hội trường ồ lên: Hát cho đồng bào tôi, Hát cho dân tôi nghe… Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đứng lên, cùng nhà báo Lê Nhược Thủy bắt nhịp bài Hát cho dân tôi nghe. Cả hội trường NXB Trẻ đã có những giây phút vang rộn tiếng hát và tiếng vỗ tay đánh nhịp, vừa ngẫu hứng và cũng thật xúc động, khiến buổi ra mắt bỗng như thoáng quay về với không khí của phong trào đô thị dạo nào…

Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào

Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù

Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên

Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang

Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…

 

ĐAN DUY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ 1/4 năm nay sẽ ra mắt “Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại tư gia của nhạc sĩ (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế

Có những nhạc sĩ mà tên tuổi gắn liền với những ca khúc đi cùng năm tháng, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong số đó. Ông là nhạc sĩ được công chúng biết đến và yêu thích với những ca khúc quen thuộc: Tình ta biển bạc đồng xanh, Phố biển tình anh, Tiếng dạ tiếng thương, Tình người hương lúa, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Thành Huế chúng mình thương, Nhớ Ngự Bình… trong những thập kỷ qua.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế

TIN MỚI

Return to top