|
Bìa sách Tuyển tập ca khúc Hoàng Sông Hương |
Cùng với quê hương Quảng Bình, mảnh đất và con người xứ Huế là mối tình duyên nợ, nguồn cảm hứng dạt dào và sâu lắng trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông. Câu chuyện được bắt đầu từ việc thân sinh của nhạc sĩ họ Hoàng (một người giỏi chơi đàn bầu, đàn nhị) đã lấy tên “một dòng sông nên thơ nổi tiếng” đặt tên cho con trai mình, để từ đó dòng sông Hương chảy suốt cuộc đời ông.
Tuyển tập ca khúc Hoàng Sông Hương vừa mới ra mắt, gồm 90 ca khúc (chọn lọc từ hơn 150 ca khúc), có 20 ca khúc về Huế (ca khúc Tiếng dạ tiếng thương cùng với ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh và Phố biển tình anh hợp thành cụm ca khúc “để ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017”)… đã minh chứng đậm nét và sinh động tình yêu của nhạc sĩ dành cho Huế. Những nhà nghiên cứu chuyên sâu, và giới chuyên môn về âm nhạc đã nhận xét “Nhạc Hoàng Sông Hương giàu âm hưởng dân ca miền Trung, dân ca Bình Trị Thiên. Nhiều ca khúc của ông thấm đẫm chất tình ca, thiết tha tình quê hương, đất nước” và “Ca từ trong ca khúc của ông có sự chọn lọc, giàu chất thơ”. Điều ấy đã thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong sáng tác ca khúc của ông nói chung, và những ca khúc về Huế nói riêng.
Đằng sau những ca khúc về Huế, ẩn chứa mỗi câu chuyện ít người biết đến. Ca khúc đầu tiên ông viết về Huế là Sóng Sông Hương (năm 1968), khi ông đang học ở Nhạc viện Hà Nội. Thời điểm đó, miền Bắc đang gồng mình đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của không quân Mỹ, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Từ nơi sơ tán, nghe tin Huế và cả miền Nam đồng loạt nổi dậy, tấn công như bão táp vào bốt đồn quân xâm lược và tay sai, làm rung chuyển cả thành thị, nông thôn... Tuy chưa một lần đến Huế, chỉ nghe qua lời kể của cha, và những người bạn quê Huế cùng học… đã truyền cảm hứng “khó tả” để ông cho ra đời ca khúc Sóng Sông Hương với những ca từ “Dậy sóng sông Hương dâng lên rồi…/ Dìm những đau thương bao chồng chất núi Ngự Bình/ Sen Tịnh Tâm thắm tươi màu rực nắng/ Nhịp cầu Tràng Tiền nối bến Sông Hương/ Rợp màu cờ áo trắng sông thơ”.
Tiếp đến là ca khúc Thành Huế chúng mình thương, ông viết khi Bình Trị Thiên sum họp một nhà, được sống giữa lòng thành phố Huế, ông cảm nhận chân thật hơn nét đáng yêu riêng có của thành Huế, và khúc tâm tình đã cất lên “Bước êm nhẹ trên thành phố Huế/Âm hưởng nào dịu mát lòng anh/Nón nghiêng nghiêng nụ cười gợi nắng/ Áo trắng về đâu cho anh được về cùng… Thành phố mộng mơ đẹp những vần thơ/ Câu hò Hương Giang ngọt ngào sâu thẳm”. Chưa hết, khi tiếp xúc với con người nơi đây, đặc biệt là tiếng “dạ, thưa” của người con gái Huế như hút hồn ông “Nghe tiếng dạ em ngọt ngào dịu mát trong anh/ Tiếng mời chào nghe ngọt ngào xứ Huế/… lời nói em ướt làn môi/ từ trong tiếng dạ đã vừa lòng nhau” (Tiếng dạ - Tiếng thương)…
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và gia đình đã sống ở Huế 16 năm (từ năm 1976 đến 1992), mảnh đất và con người xứ Huế đã gắn bó với ông như ruột thịt, không nỡ rời xa… Nhưng rồi cuộc chia tay không hẹn trước bất ngờ ập đến, khiến ông thốt lên “Ngự Bình, Ngự Bình nơi ấy tôi đã sâu nặng mối tình/ Bên gốc thông xanh nhớ lời ước hẹn/ Kỷ niệm một thời chan chứa đời tôi/ Ngự Bình ơi, sao yêu đến thế/ Răng tôi xa Huế mà chi rứa người” (ca khúc Nhớ Ngự Bình)…
Huế đã cho nhạc sĩ Hoàng Sông Hương có những ca khúc hay (tạo sự đồng cảm lâu bền với công chúng), đến lượt mình (những ca khúc của ông) đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Huế, lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống tinh thần của quê hương, đất nước. Lâu dài, thiết nghĩ Huế nên có những hình thức khen thưởng phù hợp, để tri ân và tôn vinh đóng góp của các tác giả trong nước có tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc viết về Huế. Trước mắt (nếu có thể), thành phố Huế nên phối hợp với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương tổ chức chương trình “Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế”, bởi năm nay ông đã bước sang tuổi 84.
Hy vọng, điều đó sớm trở thành hiện thực trong tương lai gần.