Mỗi món đồ tái chế được tiếp nối bằng đời sống mới
Chiếc xe đạp cũ nằm ven lối nhỏ ra vườn, những thanh gỗ tạp trở thành xích đu, hàng rào nhỏ xinh. Chồng lốp xe được sơn màu xanh, đỏ vàng nằm cạnh khóm hoa hồng. Khung cảnh xanh, thân thiện và đáng yêu ấy đã được anh Dân và chị Tuyết, đôi vợ chồng yêu thiên nhiên góp nhặt mỗi ngày để tạo nên homestay Mê Ly.
Cách đây hai năm, tôi đã đến homestay Mê Ly. Khi ấy, chị Tuyết và anh Dân đã mang nếp sống xanh và thân thiện với môi trường vào mái ấm của mình từ lâu. Lần lữa mãi đến khi hết dịch, giờ đây, niềm đam mê tạo nên một homestay nhỏ xinh, thân thiện với môi trường, hòa mình vào thiên nhiên để cuốn trôi muộn phiền của anh chị mới trở thành hiện thực.
Chị Tuyết chia sẻ: “Mong muốn của mình là tận dụng những thứ mộc mạc, biến chúng thành những thứ hữu dụng, đáng yêu, từ đó giúp môi trường giảm chút gánh nặng phế liệu”. Với quan điểm ấy, homestay nho nhỏ nằm ngay dưới chân núi Bạch Mã này đã tận dụng tất cả những vật liệu sẵn có từ gỗ tạp, lốp xe đến những đồ dùng không còn giá trị sử dụng.
Khoảnh khắc bình yên ở miền sơn cước
Với 4 gian nhà gỗ nho nhỏ, lối vào homestay là khu vườn được trồng đầy ắp các loại hoa giấy, tường vi, hoa hồng. Yêu những sắc màu tươi tắn, trẻ trung, đôi vợ chồng trẻ đã dùng gỗ tạp tạo nên những chiếc hàng rào biến tấu, những chiếc xích đu được sơn màu hồng, màu xanh hài hòa với sắc màu của hoa, của cây lá và núi rừng nơi đây.
Từ đôi tay khéo léo của mình, anh Dân còn biến gỗ tạp thành những chiếc bàn, chiếc ghế, khung đèn gỗ được khéo léo giăng trên những lối mòn. Phần gỗ còn lại, với vị trí khá đắc địa có thể di chuyển trong cự ly gần đến các địa điểm thăm thú, vui chơi, nghỉ dưỡng nổi tiếng của huyện Phú Lộc, những cái tên như Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bạch Mã village, suối Khe Su, thác Nhị Hồ, đầm Cầu Hai được nắn nót, tỉ mỉ đánh số km và hướng trên những chiếc bảng chỉ dẫn độc đáo được gắn ở lối nhỏ vào vườn.
Sân chơi hài hòa với thiên nhiên giữa núi rừng bát ngát
Ngoài trang trí, những chiếc lốp xe tưởng chừng bỏ đi sẽ được tận dụng để tân trang, sửa chữa. Có chiếc sẽ tô điểm thêm cho những gian nhà nhỏ, có chiếc lại được buộc thêm dây, kê khung sắt để thành bàn, thành ghế, tạo nên sân chơi đầy màu sắc cho các bạn nhỏ. Xe đạp, các vật dụng bỏ đi cũng thế, đôi vợ chồng trẻ đã khéo léo lồng ghép, mang lại công năng mới cho những vật dụng thải loại. Từ đó, mỗi lối nhỏ, góc vườn của homestay đều chứa đựng những điều thú vị. Đó có thể là những chậu cây xanh ngát được treo trong chiếc làn cũ, cành đào từ dịp tết được sơn màu để bài trí cho cảnh quan hay chiếc bát gốm sứt mẻ trở thành chậu hoa độc đáo...
Nhưng với riêng tôi, điểm thú vị nhất của khu homestay giữa núi non điệp trùng này, đó chính là tấm lòng của người đã làm nên chúng. Bởi ngoài tái chế những món đồ bỏ đi, anh Dân và chị Tuyết còn lồng ghép, chia sẻ thông điệp để du khách và những người dân địa phương có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Thật ấm áp thay vì cả đôi vợ chồng yêu môi trường này đều làm việc tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, và chung với những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ ở homestay tái chế này, du khách còn có thể tham gia các hoạt động xanh, hữu ích như nhặt rác, trồng cây, chế biến trà hoa hồng...
Tạo nên đời sống mới cho những nguyên vật liệu bỏ đi, không chỉ là tâm huyết và tình yêu của đôi vợ chồng trẻ, homestay thân thiện với môi trường ngay chân núi Bạch Mã còn mang đến không gian trải nghiệm thô sơ nhưng hài hòa, đầy ắp hơi thở của tự nhiên, đất trời. Biết đâu, giữa những ngày bộn bề lo toan, mệt nhọc, du khách sẽ tìm thấy cho mình những khoảnh khắc mộc mạc, giản dị và bình yên ở chốn này.
Bài: TUỆ LÂM - Ảnh: NVCC