ClockChủ Nhật, 09/04/2023 06:27

Hương cau

TTH - Sau đêm mưa, không khí buổi sớm tiết cuối xuân tinh sạch, tươi mới lạ thường. Nghe thoáng một mùi hương thoảng ngọt dịu dàng, bạn khẽ reo lên thích thú: “Hoa cau nở kìa chị ơi, thơm nức lòng người!”. Nhìn chùm hoa dáng vẻ “kênh kiệu” treo tít trên cây có hàng trăm cánh vươn dài, nối kết với nhau thành những tua rua tuyệt đẹp, thấy sự nao nức cũng lan tỏa đâu đây trong lòng.

Đậm đà nước vối quê ta

leftcenterrightdel
 

Hoa cau khi vừa nở có màu trắng ngà hoặc vàng. Cái nét nõn nà, óng ả của chúng làm tôi mường tượng về sự sạch sẽ, thanh cao, thoát tục. Theo thời gian, hoa dần chuyển sang màu xanh đậm, trở thành những quả cau tròn ú mỡ màng. Những nụ hoa cái từ khi sinh ra đã có hình dạng quả, còn hoa đực thì trông như những hạt gạo, mang giữ hương thơm ngào ngạt.

Nhiều năm nay, căn nhà cũ của ông bà ngoại được chỉnh trang làm nơi thờ tự, không gian được cải tạo và làm mới nhiều, nhưng riêng hàng cau phía trước sân thì vẫn được giữ nguyên như lúc trước. Cậu nói, dù chẳng còn người bổ cau, nhai trầu, nhưng hàng cau đó là vòm trời ký ức lưu giữ những kỷ niệm đáng quý của ngày tháng gia đình sum vầy, yên ấm. Nhắc về ngoại, tôi nhớ cái dáng bà ngồi sệt, thu gối ngoáy trầu, nhớ giọng cười hỉ hả vang xa khi có các bà quanh xóm tới chơi. Bà răn dạy cháu con bằng hàm nghĩa sâu sắc từ cây cau, rằng hương cau thì chung ngõ, mà quả cau thì khác nhà. Cũng giống như việc nếu chúng ta đặt cái tình ra trước thì rộng, còn để cái lợi ở lòng thì hẹp.

Mùa hoa cau nở rộ, hương thơm thanh mộc lan tràn từng ngõ hẻm nơi quê nhà. Điều đặc biệt là càng về đêm, đêm càng khuya thì mùi hương hoa ra càng nồng đậm. Ban ngày, hoa cau theo gió mà thoang thoảng, êm dịu thoắt ẩn, thoắt hiện. Đôi khi cố tình đứng dưới gốc cây, muốn thưởng đắm chút hương mà không có. Nhưng khi cách xa hàng trăm mét, cơn gió phảng đưa lại mùi hoa ngan ngát rồi lại như biến mất. Những nụ hoa rơi xuống còn tươi nguyên, là “món hảo” của đám bé gái chúng tôi. Sau khi thu lượm được đầy tay, đầy túi, cả nhóm ngồi tụm lại lấy chỉ xâu hoa thành những chiếc vòng nhỏ quấn vào cổ vào tay, hay chuỗi ngọc đội lên đầu, giả vai công chúa. Trò vui ấy đã qua bao mùa hoa cau ngát hương bềnh bồng...

Ngày ấy, nhiều lần xâu xong vòng hoa, chúng tôi đem khoe và nhờ ngoại phân xử đẹp xấu, rồi lại nằm khoèo nghe sự tích trầu cau và bao chuyện xửa xưa. Nhiều hôm ngoại kể đến khô miệng mà đứa nào đứa nấy mắt còn hay háy chưa chịu ngủ, ngoại dọa, ngày mai sẽ không kể chuyện cổ tích cho nghe nữa. Nghe vậy, mấy đứa vội nhắm mắt vờ ngủ, nhưng thỉnh thoảng he hé nhìn ngoại bỏm bẻm nhai trầu rồi khều chân nhau cười rinh rích. 

Hoa nở, chiếc bẹ cau dần khô rồi tách ra khỏi cây mà rụng. Cha kêu chị em tôi nhặt vào, đem ngâm nước cho mềm rồi dùng vài viên gạch dằn lên cho phẳng. Khi mo cau đã khô, ông khéo léo làm ra những chiếc quạt mo nhỏ xinh. Đó là món quà mùa hè của cha cho chúng tôi. Dù sau này có quạt máy, nhưng hễ có chiếc bẹ cau nào rụng cha vẫn dùng làm quạt, rồi chế thành các vật dụng để nhắc nồi cơm, hay làm “mo đài” thay cho gáo, bát uống nước. Có thân cau nào già nua quá cần đốn bỏ, cha cũng tận dụng xẻ làm máng xối, máng dẫn nước, rảnh rỗi hơn còn vót đũa ăn cơm…

Nhà xưa hàng cau vẫn còn đó, đêm đêm hương thơm vẫn nồng đậm dưới trăng, nụ cau đã rụng trắng nền đất mà chẳng còn thấy trẻ con líu ríu chơi hoa. Những chiếc bẹ khô rơi xuống giờ chỉ được dùng đun nấu. Cái dáng lom khom bê từng rổ đất đắp gốc cau tôi không bao giờ còn được thấy vì ngoại đã mãi xa. Nỗi nhớ đầy chặt lên khi lắng lòng nghe hoa cau đưa hương ngàn ngạt, thời gian như đang ngưng lại thăm thẳm trong tim.

ĐÌNH MAI
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
Màu của sen Huế

Tưởng chỉ mỗi người xứ này mới mong chờ mùa sen thơm ngát hương ngày mới, hoặc thư thả thưởng thức chén chè hạt sen bùi bùi đậm dư vị của Huế.

Màu của sen Huế
Vị cá biển quê

Bạn tôi quê ở xã biển Phú Diên (Phú Vang) kể rằng, người dân quê bạn truyền khẩu nhau về Tứ quý ngư của biển là: chim, thu, nhụ, đé vốn là 4 loại cá cực ngon, trữ lượng nhiều, giá trị kinh tế cao của vùng biển Thừa Thiên Huế.

Vị cá biển quê
Return to top