|
|
Người cao tuổi tiếp cận, sử dụng công nghệ mang lại nhiều lợi ích |
Đáp ứng nhu cầu
Hơn một năm nay, bà Trương Thị Gái, 67 tuổi (Phú Lộc) có thêm niềm vui mới ngoài thời gian phụ giúp người thân chăm sóc cháu nhỏ. Không chỉ thành thạo lên các trang mạng xã hội, bà Gái còn tìm kiếm tin tức, đọc báo. Bà vui vẻ cho biết: “Nhiều năm nay dùng điện thoại phổ thông để nghe gọi, thời gian rảnh tôi chỉ xem thời sự, xem phim. Bây giờ có chiếc điện thoại thông minh, tôi vừa xem được nhiều clip giải trí, nấu ăn, vừa học hỏi cách phòng bệnh tuổi già”.
Có điều kiện tiếp cận công nghệ sớm hơn bà Gái, ông Lê Mai Vy, 85 tuổi (TP. Huế) đã sử dụng chiếc điện thoại cảm ứng để lướt facebook, đọc báo hơn 5 năm nay. Ông cho hay: “Tôi có hai người con hiện đang ở TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có điện thoại, tôi liên lạc với con cái ở xa được dễ dàng. Tôi và bạn bè còn thường xuyên liên lạc với nhau bằng zalo, messenger, vừa nhanh lại vừa có thể nhìn thấy mặt nhau nên hầu hết mọi mối quan hệ bạn bè đều kết nối thông qua các ứng dụng trên điện thoại”.
Chẳng riêng bà Gái hay ông Vy, với nhiều NCT, công nghệ đã ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Chị Nguyễn Kiều Trinh, nhân viên tại cửa hàng di động (đường Trường Chinh, TP. Huế) cho biết: “Hiện nay, các dòng điện thoại thông minh đã tích hợp nhiều tính năng ưu việt, phù hợp với nhiều nhu cầu và độ tuổi khác nhau, từ giới trẻ đến cả NCT. Lúc trước, NCT chỉ có thể dùng điện thoại phổ thông bàn phím to, loa to, chữ lớn. Sau này, với đa dạng cách để tăng cỡ chữ, tăng âm lượng hoặc tính năng tìm kiếm giọng nói, chỉ từ tầm giá vài triệu đồng, NCT đã có thể sở hữu chiếc điện thoại đáp ứng được nhu cầu liên lạc, đọc báo và giải trí”.
Không xa rời đời sống
Ngoài đáp ứng nhu cầu liên lạc, tìm kiếm thông tin và giải trí, công nghệ còn giúp các thành viên Hội NCT gắn kết với nhau cũng như kịp thời cập nhật những thông tin, thông báo tại địa bàn cư trú. Tại phường Thủy Xuân (TP. Huế), hơn hai năm nay, đa phần lịch sinh hoạt hay các thông tin đều được chia sẻ thông qua ứng dụng zalo.
Bà Nguyễn Thị Xem, Chủ tịch Hội NCT phường Thủy Xuân (TP. Huế) chia sẻ: “Hiện tại, đa phần hội viên của phường đều sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính, máy tính bảng để tìm hiểu kiến thức cũng như giải trí. Ngoài đáp ứng nhu cầu của cá nhân, gia đình, chúng tôi còn sử dụng các thiết bị công nghệ để lập nhóm chat. Qua đó kịp thời thông báo các tin tức của phường, giấy mời cũng như quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần của hội viên”. Không chỉ phường Thủy Xuân, nhiều Hội NCT tại các địa phương cũng đang duy trì hoạt động này nhằm tạo sự linh động trong kết nối thông tin, từ đó chia sẻ, hỗ trợ kịp thời cho các hội viên NCT.
Nhờ bắt nhịp và làm quen với công nghệ, nhiều NCT thấu hiểu hơn cách làm việc, cách nghĩ của giới trẻ, từ đó góp phần xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Ngoài ra, công nghệ còn gắn kết NCT với nhau, không chỉ trao đổi thông tin, nhiều NCT đã sử dụng công nghệ để chia sẻ kiến thức về giữ gìn sức khỏe lúc tuổi già cũng như kịp thời quan tâm, động viên lẫn nhau, tạo tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Đánh giá về việc NCT “bắt nhịp” công nghệ, ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh, cho biết: “Việc sử dụng các thiết bị, ứng dụng công nghệ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của NCT từ tra cứu thông tin, liên lạc, giải trí đến làm việc. Hiện nay, tỷ lệ NCT sử dụng công nghệ để ứng dụng vào đời sống ngày càng tăng. Đây là tín hiệu vui khi NCT bắt kịp xu thế và rút ngắn khoảng cách với thế hệ trẻ nhờ công nghệ. Nhưng NCT khi ứng dụng công nghệ vào đời sống cũng cần phải thận trọng và tỉnh táo để tránh trở thành mục tiêu của tội phạm công nghệ cao”.