Phổ biến quy định bảo vệ rừng cho du khách ở điểm du lịch sinh thái cộng đồng suối Pâr Le
Đồng bào trở thành "kiểm lâm viên"
Từ 6 giờ sáng, các thành viên Hợp tác xã du lịch dịch vụ (HTX DLDV) Hồng Hạ bắt đầu phân công công việc. Họ được chia thành 4 nhóm, gồm phụ trách tiếp đón và hướng dẫn du khách, nhóm phục vụ ẩm thực, nhóm làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách tắm suối và nhóm quản lý vệ sinh công cộng… Từ cổng khu du lịch vào đến con suối, lên tận hồ tắm, bà con lắp đặt các bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn, xây dựng nhà vệ sinh, bố trí các thùng rác và các chòi sạp khá hợp lý; ngoài ra còn gắn biển nội quy bảo vệ rừng rất bài bản.
Anh Ra Pát Thềm, Giám đốc HTX DLDV Hồng Hạ chia sẻ, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ngành kiểm lâm huyện, điểm du lịch cộng đồng suối Pâr Le được hình thành đi vào hoạt động từ năm 2016. Trước đây chỉ là tổ hợp tác du lịch cộng đồng gồm 17 hộ ở xã Hồng Hạ tổ chức khai thác. Sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình dịch vụ du lịch từ môi trường rừng này, mới đây, 17 thành viên tổ hợp tác đã đăng ký thành lập HTX DLDV Hồng Hạ.
Để đảm bảo phục vụ du khách trong mùa du lịch, đơn vị huy động nhân công cải tạo đường vào suối, đầu tư thêm 10 chòi sạp và mua sắm các vật dụng như áo phao, áo quần cho thuê tắm suối, phân công các thành viên có tay nghề ẩm thực chuyên trách phục vụ du khách…
Theo anh Ra Pát Thềm, trong mùa du lịch, số du khách đến tham quan khoảng 200 lượt/ngày. Vào thứ bảy, chủ nhật hay dịp lễ, số khách tăng lên gần 500 lượt/ngày. “Dịch vụ từ môi trường rừng đã đem lại cho chúng tôi nguồn thu đáng kể, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con, nên chúng tôi ra sức bảo vệ rừng nhằm khai thác hiệu quả điểm du lịch sinh thái này” - anh Thềm quả quyết.
Cùng với khu du lịch suối Pâr Le, đồng bào thiểu số ở A Lưới cũng đã khai thác hiệu quả các địa điểm du lịch sinh thái thác A Nôr (xã Hồng Kim), điểm du lịch sinh thái suối A Lin (xã Trung Sơn), các địa điểm thám hiểm hang động Kềnh Crâm, hay suối nước nóng Tôm Trung (xã A Roàng)… Khi dịch vụ từ môi trường rừng trở thành sinh kế của bà con nơi đây, họ đã ý thức được trách nhiệm và xác định được quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài sẽ có được từ rừng. Từ đó, mỗi đồng bào sống ở vùng đệm của rừng trở thành những “kiểm lâm viên”...
Phát huy vai trò cộng đồng
A Lưới là một huyện miền núi biên giới, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, với hơn 110.610ha. Trong đó, rừng tự nhiên 81.335ha, rừng trồng 9.462ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 19.814ha. Phân theo chức năng gồm 16.119 ha rừng đặc dụng, 41.181ha rừng phòng hộ, 45.637ha rừng sản xuất và 4.673ha rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp. Do địa hình phức tạp, có tuyến biên giới, giáp ranh với nhiều huyện nên vấn đề quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở đây gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có ba đơn vị tham gia bảo vệ rừng là Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn theo đúng chức năng lại chỉ thuộc biên chế của hạt kiểm lâm, đơn vị phải bố trí lực lượng tổ chức thành 5 trạm kiểm lâm địa bàn gồm: Chà Linh – Mụ Nú, Hồng Hạ, Hồng Trung, lòng hồ A Sáp và Hương Phong. Vì thế, lực lượng kiểm lâm bám sát địa bàn vẫn còn rất mỏng.
Trạm kiểm lâm địa bàn Hồng Hạ, thuộc Hạt kiểm lâm huyện A Lưới cũng là đơn vị gặp rất nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Đơn vị có nhiệm vụ quản lý trên 46.400 ha rừng tự nhiên ở 2 xã Hồng Hạ và Hương Nguyên. Riêng xã Hương Nguyên là địa bàn biên giới cách trở, xa xôi, địa hình khó khăn nhất của huyện A Lưới. Mỗi đợt tuần tra, cán bộ kiểm lâm của trạm phải gùi gạo cơm, tăng bạt đi về trong vòng 5 ngày.
“Ngoài việc khai thác hiệu quả dịch vụ môi trường rừng để phát triển kinh tế, từ các điểm du lịch sinh thái chúng tôi đã xây dựng được những “camera” ở các vùng đệm để kịp thời phát hiện “lâm tặc”, những kẻ săn trộm động vật rừng hay nguy cơ xảy ra cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả” - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn Hồng Hạ - Lê Đình Phúc chia sẻ.
Hạt kiểm lâm A Lưới đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã tổ chức thành công các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng từ khai thác dịch vụ môi trường rừng như thác A Nôr (xã Hồng Kim), suối A Lin (xã Trung Sơn)... ; qua đó, huy động và phát huy được vai trò của các cụm dân cư, nhóm hộ gia đình trong công tác bảo vệ rừng ở địa phương.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới, ông Ngô Hữu Phước cho biết: Đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các xã triển khai họp cụm dân cư, tổ chức ký cam kết cho các hộ về bảo vệ rừng tại 395 cụm dân cư với hơn 20.500 hộ gia đình tham gia tại 21 xã, thị trấn; qua đó, đã giao mới hơn 15 ngàn ha rừng tự nhiên cho 202 nhóm hộ gia đình và 20 cộng đồng dân cư thôn nhận quản lý, bảo vệ...
Bài, ảnh: Bá Trí