|
Sinh viên làm thêm tại một quán cà phê |
Trải nghiệm và học hỏi
Vào các quán cà phê, không khó để bắt gặp sinh viên đi làm thêm. Sau giờ học, nhiều bạn tranh thủ đi làm. Vì công việc phục vụ bàn dễ tìm, không cần nhiều kỹ năng. Mức lương trả cho nhân viên phục vụ là sinh viên thường sẽ thấp hơn so với mặt bằng chung, nên sinh viên càng được các chủ quán cà phê lựa chọn.
Nguyễn Ngọc Phương, sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế chia sẻ, ngoài lịch học trên trường, bản thân chọn cho mình công việc làm thêm ngoài giờ là phục vụ tại quán cà phê. Nhiều người cho rằng, phục vụ quán cà phê vất vả, nhưng Phương luôn nhìn về hướng tích cực để làm việc. Làm thêm giúp Phương có thêm kinh phí trang trải sinh hoạt hàng tháng, phụ giúp ba mẹ. Công việc này giúp Phương gặp gỡ hơn với nhiều người khác nhau, va chạm nhiều nên bản thân mạnh dạn, không ngại lăn xả và tích lũy được nhiều vốn sống.
Thực tế, việc tiếp xúc sớm với xã hội giúp sinh viên có thể rèn luyện các kỹ năng mềm, khơi dậy và thúc đẩy các điểm mạnh về năng lực, sự tự tin. Đằng sau đó là mức lương được chi trả mỗi tháng giúp sinh viên giải quyết nhu cầu chi tiêu mỗi ngày. Không chỉ yếu tố kinh tế mà còn nhiều yếu tố khác tác động lên việc sinh viên làm thêm. Một số sinh viên làm thêm đúng với ngành nghề đang học, khi đó còn bước ra “vùng an toàn”.
Nguyễn Thị Nhàng, sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ, học ngành báo chí giúp bản thân có thêm rất nhiều kỹ năng, trong đó có viết lách. Để thuận tiện cho việc học, Nhàng lựa chọn làm cộng tác viên cho một tờ báo. Sự lựa chọn này giúp Nhàng sắp xếp được thời gian viết bài, kiếm tiền nhuận bút đúng với sở thích và nghề đang theo học. Tìm tòi nhiều chủ đề khác nhau, cố gắng viết nhiều nhất có thể, qua đó trau dồi được kỹ năng là mục tiêu mà bản thân Nhàng muốn hướng đến.
“Sinh viên ngành báo chí thường sẽ ngại khi đứng trước những nhân vật cần phỏng vấn. Hay sẽ mông lung về tìm kiếm đề tài và cách viết sao cho phù hợp. Đầu tiên là cố gắng tìm một tờ báo phù hợp, đọc cách viết và tập dần. Sau đó, viết và gửi đến tòa soạn. Khi được đăng bài sẽ có động lực. Sau đó, đứng trước nhân vật cũng tự tin hơn rất nhiều”, Nguyễn Thị Nhàng chia sẻ.
Va chạm sẽ trưởng thành
Sau việc học kết thúc ở lớp, Lê Thị Hoài, sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế phải đi làm thêm ngoài giờ với công việc bán quần áo. Nguồn thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng giúp Hoài chi tiêu hàng tháng và một ít được cô sinh viên này sử dụng đóng các khoản phát sinh ở trường, như tiền quỹ lớp, tiền giữ xe...
Hoài cho biết, công việc làm thêm đòi hỏi bản thân phải có sự kiên nhẫn. Đôi lúc gặp những khách hàng khó, khách vào lựa đồ rất nhiều, nhưng không mua. Sau đó là ngổn ngang áo quần phải xếp lại. Khi đang xếp thì khách khác vào lại tiếp tục lựa đồ. Công việc là thế, không thể khác được. Chủ cửa hàng cũng có những quy định “cứng”, sẽ trừ lương nếu khách hàng có phản ánh. Tất cả càng khiến công việc thêm phần áp lực. Có những ngày thể trạng không khỏe, dù rất mệt song phải kiềm chế, tự nhủ bản thân chỉ hái được quả ngọt khi biết trải qua khó khăn, vất vả. Cứ thế, mọi thứ trôi qua từng ngày một cách thuận lợi hơn.
Phạm Minh Khôi, sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cũng lựa chọn đi làm thêm. Thời gian rảnh, Khôi đều dành cho việc chạy grap. Công việc mang lại thu nhập tương đối tốt, nhưng thỉnh thoảng gặp trường hợp khách “bùng hàng”, hay thể hiện thái độ giọng điệu làm khó dễ, không muốn trả tiền.
“Đó là những vị khách khó tính, còn đa số khách hàng đều rất dễ chịu. Nhiều khách còn cho thêm tiền. Đó là động lực để mình vẫn tiếp tục làm grap. Va chạm, tiếp xúc với nhiều người trong xã hội càng giúp mình quyết tâm theo đuổi giấc mơ đại học, để sau ra trường có công việc ổn định. Đặc biệt tập cho mình tính cách dung hòa hơn, bớt đi những bất đồng, hay suy nghĩ chưa thấu đáo”, Phạm Minh Khôi chia sẻ.