Kiếm tìm hạnh phúc
Tháng 12, sau những ngày mưa lũ, cái nắng hiếm hoi sưởi ấm những bến thuyền của vùng biển Thuận An. Làng chài Hải Tiến bỗng chộn rộn khi đội tàu đánh cá đang chuẩn bị mọi thứ để ra khơi khi biển yên trở lại sau những ngày nằm bờ do bão, lũ.
Ngư dân Nguyễn Xuân Tài tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi
Ngư dân Nguyễn Xuân Tài (44 tuổi) đang bận rộn với công việc ở bến thuyền, ngơi tay tâm sự về nghề biển mà anh đeo mang.
Trước đây, những năm biển động liên tục, vùng biển quê nhà khó khăn, anh Tài vào Đại Lãnh xin đi bạn. Mỗi khi thuyền cập bến, anh cùng bạn thuyền phụ nhập cá cho thương lái. Công việc đưa đẩy anh gặp rồi phải lòng chị Lài làm nghề mua bán cá ở chợ. Một hôm anh đánh bạo hỏi chị: “Theo anh về Huế đi biển không?”. Tưởng nói chơi, chị Lài gật đầu. Ai ngờ, cái gật đầu đó với anh Tài như niềm hẹn ước mà anh quyết phải làm cho được. Đó là hành trình về Huế, dựng nhà, sắm tàu đi biển cũng lắm gian truân của anh.
Anh Tài kể: “Sau hai năm làm quen, hẹn ước, mình cưới cô ấy, rồi dắt nhau về Hải Dương (Hương Trà), sau đó đến Hải Tiến (Thuận An), dựng nhà, vay vốn mua tàu cá. Chỉ gói gọn rứa thôi nhưng để có nhà, có tàu mình mất thêm mười mấy năm nữa”.
Chiếc thuyền anh Tài mua lần đầu tiên về Huế là chiếc gọ công suất 60CV làm dịch vụ thu mua gần bờ. Thấy thuyền công suất nhỏ, anh tìm cách vay vốn để sắm thuyền lớn và từng năm nâng cấp công suất thuyền lên, bây giờ anh đã sở hữu chiếc thuyền công suất 350CV với nghề lưới mành.
Vợ “xuất thân” nghề biển, trường hợp anh Nguyễn Bầu (37 tuổi), khi cưới chị Đăng Ngọc Mai từ TP. Hồ Chí Minh, quả gian truân hơn nhiều bởi hai người chênh lệch… 5 tuổi và chị Mai cũng một lần “đứt gánh” tình duyên. Chị Mai kể giọng rặt tiếng miền Nam mà tôi phải “phiên dịch” lại thế này: “Hồi ổng vào trong đó mở cơ sở nhôm kính thuê mặt bằng ngay bên cạnh quán hớt tóc của mình đang học nghề luôn. Thấy ảnh thật thà, chất phác, có chi nói nấy, mình cũng thích trong bụng. Nhưng vì nom anh ấy trẻ hơn chút nên không dám nghĩ tới chuyện yêu đương. Thế mà ròng rã 10 năm lui tới, làm quen, mới cưới được nhau”.
Anh Bầu ngồi cạnh cũng góp chuyện, số là khi làm quen, mình “khai” lớn hơn Mai 1 tuổi, nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, có gì bằng. Thế rồi từ một người bà con làm chung với mình ở trong đó, Mai mới biết mình lớn hơn anh Bầu 5 tuổi. Một lần đứt gánh tình duyên khiến Mai mất tự tin và một chút tự ti. Anh Bầu nhớ lại: “Lúc đó Mai dỗi, không thèm nói chuyện. Mình nói là yêu anh phải tin anh, sao lại tin người khác? Thấy có lý, đến khi quyết về Huế lập nghiệp, biết hết cả thì cũng đã yêu nhau rồi, không nề hà tuổi tác, quá khứ nữa”, anh Bầu trải lòng với câu chuyện của mình.
Cư dân "nửa mùa"
Ở làng chài Thuận An, Phú Thuận, có hàng chục trường hợp nên duyên từ nghiệp biển như thế. Đó là hành trình của những người con trở về quê hương bản xứ, tiếp tục nghề biển để giữ cái nếp nhà của mình. Và, cũng từ những ước mơ đó, những mái nhà khang trang, những con tàu lớn đã hình thành để đạp sóng ra khơi, giữ vùng biển quê hương.
Ngư dân Nguyễn Bầu (phía sau) nên duyên từ nghiệp biển
Chiếc thuyền công suất 150CV của anh Nguyễn Bầu giờ là niềm cứu cánh cho 5 anh em ở Hải Tiến với nghề lưới mành, lưới chụp. Trong số những bạn thuyền của anh Bầu, cũng có người ở tận Khánh Hòa, Phú Yên, theo vợ ra Huế tiếp tục nghề biển. Đất lành chim đậu khiến làng chài ngày một sôi động hơn. Người dân Hải Tiến gọi họ là cư dân “nửa mùa”. Bởi, khi Huế bước vào mùa đông là họ “bỏ thuyền” đi bạn các tỉnh khác. Hết mùa đông lại về, đầu tư cho nghề biển ở Huế. Cứ thế, cuộc mưu sinh quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển. Khi về nhà thì bạn thuyền vui như hội bởi một năm chẳng được mấy lần!
Tàu anh Bầu đánh bắt vùng trung bờ, mỗi chuyến đi biển, trừ khoảng 20 triệu đồng tiền dầu, chi phí nước đá và nhu yếu phẩm, vẫn còn lãi từ 5-7 triệu đồng. “Mình cứ kiên trì bám biển. Lẳng lặng mà làm thì được thôi. Anh thấy đó, thoắt cái, mình đã trả được nợ ngân hàng từ việc cải hoán tàu rồi. Tàu công suất còn nhỏ lắm, ước mơ của mình là tiếp tục nâng công suất tàu để đi được ngư trường xa hơn”, anh Bầu tâm sự.
Thành công nhất trong những mối “nên duyên từ nghiệp biển” có lẽ là gia đình ông Ngô Đức Hảo (55 tuổi, An Dương, Phú Thuận). Để sở hữu chiếc thuyền công suất 500CV, ăn nên làm ra với nghề lưới mành, lưới vây, đó là hành trình gian nan nhất trong cuộc đời ông Hảo. Ông kể: “Gia đình tôi vốn gốc ở An Dương, những năm kháng chiến, ông bà tập kết ra Bắc, tôi học ở Vinh từ nhỏ cho đến lớp phổ thông. Năm 1987, tôi trở lại Huế với một mong ước: Sắm tàu tiếp nối nghề đi biển của gia đình. Cũng ít năm sau đó tôi cưới vợ cũng là người An Dương, theo nghiệp biển từ đó cho đến nay”.
Ban đầu vào Huế, nhờ sự hỗ trợ của hai người chú ruột, là chủ hai cơ sở đóng tàu tại đây, ông Hảo sắm tàu công suất 60CV để đi gần bờ. Những năm tháng đó là lúc gian nan nhất với nghề biển bởi tàu công suất nhỏ. Đến năm 2009, từ nguồn vốn có được ông sắm mới tàu công suất 500CV, đăng ký đánh bắt ở ngư trường xa tận ngoài Bắc. Chiếc tàu ông Hảo giờ cũng là mái nhà chung cho gần chục thuyền viên mưu sinh từ nghề biển với thu nhập mỗi người 1-2 triệu đồng/chuyến biển.
“Sắm tàu xa bờ, mỗi năm phải kiếm được vài trăm triệu tiền lãi. Hiện nay, với nhiều nghề lưới mới như mành chụp, bạc liêu, bùng nhùng thuyền công suất nhỏ không đi được. Ước mơ của mình là sắm thêm tàu mới để phát triển nghề với phương thức đánh bắt mới. Có như thế mới giữ được nghề truyền thống của cha ông”, ông Hảo trải lòng.
HÀ NGUYÊN