ClockThứ Năm, 22/09/2016 05:51

Khai thác tiềm năng tại chỗ, tạo nghề mới cho ngư dân

TTH - Ngư dân đang cần thêm nghề để ổn định cuộc sống, nhưng chọn nghề nào phù hợp là vấn đề cả ngư dân và các ban ngành đang quan tâm.

Phân bổ 275 tấn gạo cho ngư dân Quảng Công và Quảng NgạnCấp phát hơn 600 tấn gạo cho ngư dânCấp gạo hỗ trợ cho ngư dân Hải Dương (Hương Trà) và huyện Phú VangPhong Điền: Tiếp tục hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sốngThận trọng khi chuyển đổi nghề cho ngư dân

Cần thêm nghề mới

Ông Trần Hiền ở thôn 11, xã Điền Hòa (Phong Điền) đang “sốt ruột” khi chưa thể đánh bắt hải sản gần bờ. “Cá đánh bắt vào chỉ để ăn hằng ngày cho gia đình. Có ngày đánh bắt cả tạ cá nhưng chỉ vài người mua, giá tuy có nhích lên, song thấp so với trước. Gia đình rất cần có thêm một nghề mới để đảm bảo đời sống lâu dài”, ông Hiền mong mỏi.

Cá đang được tiêu thụ mạnh trở lại

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các ngư dân ven biển, đánh bắt gần bờ đều có chung nguyện vọng có thêm ít nhất một nghề mới để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.  Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, đa phần ngư dân có tuổi trung bình từ 40 trở lên, trình độ thấp nên khó có thể nắm bắt, tiếp thu các nghề mới, như may, mộc, điện dân dụng, đan lát… Vì vậy, chỉ có khai thác tốt tiềm năng ở địa phương mới tạo được thêm nghề mới cho ngư dân. Vùng cát ven biển Ngũ Điền trải dài từ xã Điền Hương đến xã Phong Hải và hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) với diện tích rộng lớn. Đây chính là tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc một cách đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành trong việc nghiên cứu, thí điểm các mô hình. Tùy thuộc vào mỗi vùng đất để quy hoạch, lựa chọn các đối tượng đưa vào sản xuất phù hợp.

Với xã Điền Hòa, hiện nay đang định hình một số mô hình chăn nuôi phù hợp. Trước mắt, chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn người dân khai thác tiềm năng vùng cát, xây dựng thí điểm một số trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, bò, sau khi thành công sẽ vận động người dân đầu tư nhân rộng. Đáng quan tâm là đầu ra cho sản phẩm. Ông Phúc cho biết, chính quyền địa phương sẽ liên kết với các doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Chăn nuôi CP hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Tại vùng cát xã Phong Hải, một số hộ nuôi cá trê, lóc mang lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên do đầu tư chưa bài bản nên chưa phát huy tiềm năng. Chủ tịch UBND xã Phong Hải - Phan Khánh nói: “Trong khi nuôi tôm nhiều rủi ro do ô nhiễm, dịch bệnh thì nuôi cá nước ngọt sẽ là hướng đi phù hợp đối với địa phương. Một thời phong trào nuôi cá trê ở địa phương đạt năng suất cao, nhưng đầu ra khó khăn nên người dân ngừng nuôi. Địa phương sẽ vận động người dân đầu tư, mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt  và cá nước lợ. Trước khi mở rộng diện tích, chính quyền địa phương cùng người dân hợp đồng với các thương lái, nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm…

Chọn nghề phù hợp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Minh Đức cho biết, ảnh hưởng đợt cá chết bất thường thời gian qua, sở đã xây dựng dự thảo đề án khôi phục và phát triển sinh kế. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ tiêu thụ thủy, hải sản; hỗ trợ nâng cao năng lực đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để vươn khơi; có chính sách hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống cho ngư dân… Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng, năng lực của người dân, con em ngư dân, các ban ngành sẽ tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm đối với các ngành nghề truyền thống, phù hợp như đan lưới, đan lát, may mặc, sửa chữa máy tàu thuyền, cơ khí…

Trang trại lợn-một hướng phát triển kinh tế ở vùng cát Ngũ Điền

Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, việc đào tạo nghề cho ngư dân cần phải thận trọng, không vội vàng. Quan điểm của các ban, ngành là chọn nghề phù hợp, mang tính bền vững, có thể phục vụ ngay tại địa phương, như chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản… Các đơn vị dạy nghề trực thuộc sở và một số trung tâm của Hội Nông dân tỉnh đảm bảo yêu cầu đào tạo nghề cho lao động. Các địa phương cần tìm hiểu, điều tra nhu cầu thực tế, đề xuất đối tượng, ngành học sẽ được tạo điều kiện học nghề. Đào tạo nghề sẽ gắn với giải quyết việc làm ổn định cho người dân.

Trước mắt, cần có biện pháp hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em ngư dân để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Điều này khá yên tâm khi ông Nguyễn Bá Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt May Huế, hứa sẵn sàng nhận con em của ngư dân vào học nghề và tạo việc làm ổn định. Các học viên con em ngư dân được học nghề miễn phí, công ty còn hỗ trợ ăn ở hằng tháng… Công ty đang xúc tiến xây dựng thêm một nhà máy tại KCN Phú Bài với quy mô 500 lao động; ngoài ra sẽ tổ chức thêm một số cơ sở may tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.

 Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế
Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Huế phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thiếu dịch vụ, hạ tầng giao thông, thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông là những trở lực khiến du lịch đường sông chưa thể bứt phá.

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Tìm hiểu cv là gì
Return to top