ClockChủ Nhật, 02/01/2022 06:37

Mãi hoài không chán...

TTH - “Huế mình vốn đẹp sẵn, chỉ cần sắp dọn lại chút thôi thì không đâu bằng…” - tôi vẫn nhớ và tâm đắc mãi với nhận xét này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong một lần trò chuyện cùng ông…

Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đạt giải VàngTheo dòng sông HươngChính thức thành lập Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương

Bình yên cùng đường đi bộ ở bờ bắc sông Hương

Bất ngờ gặp Khương ngay chân đồi Vọng Cảnh. Hai đứa 2 “trường phái” khác nhau, tôi: “ô tô” bước, Khương: xe đạp, vậy mà va nhau ở cùng một tọa độ danh tiếng đất Cố đô mới thú vị.

Khương và tôi là bạn học cũ thời phổ thông, quá lâu rồi mới gặp, sẵn chủ nhật rỗi rãi, hai thằng kéo nhau vào “Tiệm cà phê 81” ngay chân đồi hàn huyên. Nhanh thật, thoắt cái đã gần ba bốn chục năm. Hai đứa mới ngày nào còn mặc quần đùi đi học, nay đều đã rắp rem lên lão. Đến lúc này mới thấy sức khỏe đúng là vàng như người đời đúc kết. Không muốn khổ vì “đau xương mỏi khớp” thì lo sơm sớm chọn một môn gì đấy mà luyện rèn. Tôi thì đi bộ cho nó… túc tắc thanh nhã, còn sôi nổi, rủng rỉnh như Khương thì xe đạp cho nó vi vu khí thế. Chuyện trò mới thấy tương đồng, thể dục riết thành quen, sáng nào không đi, không đạp là thấy uể oải, trầm trệ trong người thế nào. Vậy nên, chỉ trừ những hôm mưa to, còn thì cứ mặt trời ló dạng thì đứa xách xe, đứa giày vớ ra khỏi nhà.

Mà đâu chỉ thể dục, còn là để khám phá, để ngắm nhìn những con đường, những làng mạc thân thương. “Tủ” môn đi bộ nên tôi chỉ đi loanh quanh khu vực mình ở: đồi Quảng Tế, Tường Vân, Từ Hiếu, đàn Nam Giao. Cuối tuần hoặc ngày lễ rộng rãi thời gian thì đi xa hơn, lên Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, Đồng Khánh. Hoặc lòng vòng vô miệt chùa Đông Thiền, băng ra dốc Cầu Lim… Vẫn những cung đường như vậy, những xóm làng như vậy nhưng mãi hoài không thấy chán, mãi hoài vẫn thấy bị hút hồn. Khương cũng cùng cảm nhận như vậy, và trong lúc hào hứng, Khương kích động: Sắm xe đạp đi, cậu sẽ được “mở mang”, được thấy nhiều điều thú vị hơn nữa…

Rồi để gia thêm hàm lượng kích động, Khương kể về những cung đường mà anh và bè bạn trong nhóm đã đạp xe qua: Ngược Kim Long lên Thiên Mụ, Văn Thánh, Ngọc Hồ; xuôi Trường Hà rong chơi dọc bờ biển; ra Vĩnh Tu lộng gió Tam Giang, xong quay vô Hà Cảng thăm trường Đo Đo, cây cô đơn của Hà Lan và Ngạn… Trên những cung đường thơ mộng ấy Khương và đám bạn còn được thưởng thức, khám phá bao nhiêu là thức ngon vật lạ. Từ thủy, hải sản nức tiếng vùng đầm phá; đến bánh ướt thịt heo vùng Phú Lễ, An Lỗ; thanh trà Phong Thu, Nguyệt Biều, hay dân dã thoải mái hơn nữa là sà xuống nách bánh đúc, bánh bèo bên đường của một o bánh dạo… Ngay cả ly cà phê sáng ở những tiệm là lạ, dễ thương như “Tiệm cà phê 81” mà tôi và Khương đang ngồi đây cũng là điều thú vị của dân đạp xe mỗi sáng. Khương thuyết rất bùi tai khiến tôi cũng muốn sắm ngay con ngựa sắt mà guồng chân mỗi sáng. Nhưng rồi nghĩ nóng vội quá chưa chắc thành công, bởi tôi biết có không ít người sắm xe rồi được ba bữa khí thế, sau đó… treo ngắm. Thôi, trước mắt cứ bình tĩnh bộ hành xưa nay cho chắc cái đã. Còn sau này, thấy cái “quyết tâm xe đạp” nó vẫn đeo đuổi rồi hẵng tính. Nhất là khi mà đường dạo ở cồn Dã Viên và con đường đi bộ dọc sông Hương phía bờ bắc kéo lên Thiên Mụ đang dần hoàn chỉnh. Chưa kể ở bờ nam bên này, cầu Lòn đã xong, Huế còn đang tính tiếp chuyện làm con đường dọc bờ sông kéo lên tận đường Huyền Trân Công Chúa. Quá nhiều những cung đường khiến đôi chân tôi phải nao nức rạo rực mỗi sáng trước giờ đi làm; và nhất là nó bao giờ cũng sẽ đông vui, đầy sinh khí, đầy mê hoặc cho bất kỳ ai tham gia.

Không phải vì quá “mê muội” mà nhận định như vậy, nếu hấp lực từ những cung đường miệt Nam Giao, Tự Đức, Từ Hiếu, Vọng Cảnh là sự trầm mặc, tươi xanh và man mác phong vị của những cổ tích vĩnh hằng, làng quê trù phú, thì khi đến với những con đường dạo khu vực đôi bờ sông Hương, bạn sẽ không thể không bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của một bức tranh đại cảnh, trong đó hội đủ sự khoáng đạt của đất trời, sự trong lành an yên của sông nước và rừng cây, sự thơm tho, rực rỡ, vui tươi của đủ loại sắc màu cỏ hoa cùng thanh âm của chim reo gió hát… Giữa khung cảnh ấy là một cuộc sống tươi tắn, thong dong, tràn đầy sinh lực toát ra từ những cơ thể yêu thích thể dục thể thao, những nụ cười viên mãn của những selfieer đang mong gửi đến bạn bè, hoặc lưu giữ cùng thời gian những bức hình tuyệt đẹp bên dòng Hương huyền hoặc…

Ấy vậy mà, không gian ấy mới chỉ cách đây ít chục năm về trước thôi là nơi đầy bất an khiến ngay cả dân sở tại cũng nghi ngại rất ít dám đặt chân vào. Chính những “Ngày chủ nhật xanh”, “Thành phố 4 mùa hoa”, “Cảm ơn dòng Hương”, Xanh - Sạch - Sáng mà Huế triển khai và miệt mài thực hiện trong thời gian qua là “phép mầu” đã làm nên điều kỳ diệu này. Ngay cả người Huế cũng ngỡ ngàng, cũng mê say với cảnh sắc của quê hương, càng thăm, càng đi càng thấy đẹp, càng muốn khám phá. Thế nên ngay cả khi tuyến đường dạo lên Thiên Mụ, hay công viên cồn Dã Viên còn chưa làm xong, đã thấy nhiều người nôn nao kéo đến “phá rào” để sớm được trải nghiệm.

“Huế mình vốn đẹp sẵn, chỉ cần sắp dọn lại chút thôi thì không đâu bằng…” - Tôi vẫn nhớ và tâm đắc mãi với nhận xét này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong một lần trò chuyện cùng ông về những câu chuyện Huế. Nhưng thôi, nói về cái đẹp xứ Huế thì có lẽ ngôn từ cũng đành bất lực, chi bằng mời hãy thử một lần bước đến, và anh, và chị sẽ thấy Huế của tôi, Huế của chúng ta huyền diệu đến nhường nào…

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Return to top