ClockThứ Bảy, 23/04/2022 06:58

Mang drone về phục vụ ruộng đồng

TTH - Gửi gắm giấc mơ của mình vào drone, thầy giáo trẻ Trần Văn Hùng (Trường THPT Thừa Lưu, Phú Lộc) quyết tâm thực hiện mong ước mang lại luồng gió mới cho hoạt động trồng trọt trên quê hương.

Trần Văn Hùng (người đầu tiên, bên phải) mang drone đến những vùng đất mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mang “nợ” với ruộng đồng

Là người con ruộng đồng Phú Mậu, tuổi thơ của cậu bé Trần Văn Hùng đã rất quen thuộc với hình ảnh người cha nhọc nhằn mỗi vụ mùa khi dưới chân là bùn cao quá gối, đôi vai oằn nặng bình thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Anh kể: “Có hôm mình thấy ba mệt đến mức chẳng buồn cơm nước. Điều đó cũng đúng thôi, vì từ mờ sương ba mình đã ra đồng. Những hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí mà mãi chẳng có lời đáp cho câu hỏi sao ba mình và mọi người đều phải vất vả đến thế”.

Tốt nghiệp trường sư phạm, thầy giáo trẻ nhận công tác xa nhà tại Trường THPT Thừa Lưu. Mỗi chuyến đi - về tầm 120km không cản ngăn được tình yêu với với nghề giáo. Nhưng sâu thẳm trong tim, lời đáp cho những câu hỏi của anh lúc nào cũng day dứt.

Anh nói: “Không chỉ vất vả, mất thời gian vì làm việc chỉ bằng đôi tay, gia đình mình và những người mình biết mỗi khi vào vụ đều tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, việc đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Điều này là bất khả kháng vì đa phần thu nhập trong nhà đều phụ thuộc vào ruộng lúa. Mãi đến đầu năm 2021, sau nhiều lần tìm tòi, mình mới tìm ra lời giải đúng đắn cho bài toán ấy, đó chính là drone”.

Hiệu quả

Khác với phương thức thủ công, phương tiện bay không người lái (drone) có tính tự động cao. Không chỉ tránh tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc BTVT, tiết kiệm đến 90% lượng nước do hệ thống vòi phun dạng sương đậm đặc, drone còn giúp tiết kiệm 30 - 40% lượng thuốc.

 Anh Hùng phân tích: “Máy có hệ thống phun tự động chính xác và đồng đều, tự bay theo kế hoạch được thiết lập sẵn và ghi nhớ điểm phun. Năng suất làm việc của drone cao gấp 20 - 24 lần sức lao động của một người bình thường, trung bình thời gian phun cho mỗi hecta lúa chỉ mất từ 10 – 15 phút. Nhờ phun dưới dạng sương nên cây trồng sẽ hấp thụ thuốc tối đa. Hơn nữa cách làm này sẽ hạn chế việc thuốc bị rơi vãi xuống đất gây thoái hóa hay ô nhiễm nguồn nước”.

Tháng 5/2021, Trần Văn Hùng dồn tất cả vốn liếng tích góp và vay mượn để đầu tư 2 chiếc drone hãng DJI trị giá 700 triệu đồng.

Hành trình chinh phục ruộng lúa của anh bắt đầu với trạm drone hỗ trợ phun thuốc BVTV song hành cùng đam mê nghề giáo. Khởi đầu khá may mắn khi anh phun thử nghiệm cho mảnh ruộng nhà. Để làm việc hiệu quả hơn, anh tìm đến hai bạn trẻ trên địa bàn chưa có việc làm, đào tạo những chàng trai này trở thành "phi công". Từ Phú Mậu, những chiếc drone, đồng thời cũng là cả gia tài của thầy giáo trẻ cất cánh, dần dần chở mong ước của anh đến những vùng đất mới.

“Cất cánh” cùng drone

Cùng với nhu cầu mở rộng địa bàn, từ tháng 9/2021 – 2/2022, thầy giáo trẻ đã đào tạo thêm 30 thành viên vận hành drone. Họ đều là những thanh niên yêu nông nghiệp công nghệ cao, sẵn sàng bươn chải với ruộng đồng, gắn bó với nhà nông. Anh Trần Duy Bình, một trong 30 học viên, cho biết: “Anh Trần Văn Hùng là người đồng hành và cũng là người đã gắn kết mình với công việc hiện tại. Việc vận hành drone là đam mê và cũng như anh Hùng, mình hy vọng drone sẽ được ứng dụng phổ biến nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng cho các loại cây trồng”.

Đột phá và ứng dụng cao, "đội bay" của Trần Văn Hùng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tại các địa phương. Ông Lê Bá Lam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy (một trong những đơn vị đầu tiên hợp tác với đội bay), cho biết: “Năm 2021, diện tích sử dụng drone đã đạt trên 400 hecta. Dự đoán, vụ đông xuân và hè thu năm nay diện tích phun thuốc BVTV bằng drone tại Hương Thủy có thể đạt đến 600 – 700 hecta”.

Là địa bàn có trên 2.800 hecta diện tích là đất trồng lúa, drone đã mang đến phương cách chăm sóc lúa tiết kiệm, giảm công sức và hao hụt thuốc BVTV. Ông Lam cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thí điểm hợp tác phương pháp gieo sạ bằng drone với đội bay của anh Hùng. Đây sẽ là mô hình mới và cho hiệu quả cao khi tiết kiệm được thời gian, lượng giống cũng giảm từ 30 – 40%”.

Ngoài Hương Thủy và các địa bàn khác như huyện Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế, những đồng sự của thầy giáo trẻ đã và đang mở rộng loại hình dịch vụ này và tiếp tục chiếm lĩnh thị trường tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Riêng với Trần Văn Hùng, từ con số 2, đến nay anh đã nâng tổng số drone lên 5 chiếc để tiếp tục phục vụ bà con nông dân.

Nỗ lực hết mình để mang drone về quê, giấc mơ của thầy giáo trẻ đã được “chắp cánh”. Tình yêu và nghị lực đã giúp anh hoàn thành tốt cả đam mê giảng dạy và ước mơ thứ hai với drone. Năm 2021, thầy giáo trẻ Trần Văn Hùng còn vinh dự được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học 2020 – 2021.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất

Nhiều tuyến đê sông, đầm phá trên địa bàn tỉnh xuống cấp, cao trình đỉnh đê thấp, không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt khi có triều cường và lũ tiểu mãn. Ngoài trồng rừng ngập mặn “hộ đê”, từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất
Nâng cấp hói Năm Xã, Bảy Xã phục vụ sản xuất

Từng bước nâng cấp tuyến hói Năm Xã, Bảy Xã nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ và bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường khu vực.

Nâng cấp hói Năm Xã, Bảy Xã phục vụ sản xuất
Return to top