ClockThứ Ba, 26/04/2022 09:38

Mẫu mực và đáng kính

Tôi khá áy náy khi hết lần này đến lần khác thầy từ chối nhận học phí dạy thêm cho con gái tôi, vì nhiều lần gián đoạn do dịch bệnh. Từ đó đến nay đã hơn 3 tháng, tôi đã tìm đủ cách để có thể gửi tiền cho thầy nhưng dường như biết được điều đó, thầy dặn cả cô bạn là đồng nghiệp cùng trường không cho tôi số tài khoản và không nhận giúp. Tôi cũng lên trường vài lần, nhưng thầy kiên quyết từ chối. Nghĩ mãi không ra cách, tôi bèn nhờ thầy kèm cho cháu một hai buổi trước lúc thi. Thầy vui vẻ nhận lời.

 Thường thì lớp thầy dạy chỉ tầm 5-6 cháu, đều là con em người thân quen. Mỗi tuần hai buổi hoặc một buổi chủ yếu là vào ngày nghỉ cuối tuần. Bé con nhà tôi thì cuối tuần cũng thỉnh thoảng bận ôn bài và học một hai môn khác nên ít đến được lớp của thầy. Vậy là thầy hẹn chủ nhật. Tôi chở cháu đến đúng hẹn và chở về lúc hết giờ. Ngạc nhiên là cháu bảo lớp chỉ có mình cháu. Thầy đã dạy cho các bạn hôm thứ bảy, nhưng con bận nên hôm nay thầy dạy cho con.

Nghe vậy tôi lại càng áy náy, nhắn thầy sao không gộp các cháu vào một lớp cho đỡ mất công thì thầy bảo, vì cháu nhà tôi bận nên thầy tranh thủ dạy lúc cháu có thời gian rảnh. Tôi khá xúc động trước sự tận tâm và trách nhiệm của thầy. Lại ướm hỏi để gửi thầy tiền xăng xe, nhưng thầy lại từ chối. Thầy bảo cháu chỉ học vài buổi, thầy dạy vì lo cháu không bổ sung đủ kiến thức, để cháu học tốt, thi tốt hơn.

Trong lúc vẫn chưa nghĩ ra cách nào để gửi học phí và cảm ơn thầy thì tiếng cô giáo dạy Anh văn ra rả ở lớp học thêm online. Ban đầu tôi nghĩ là cô la mắng các bạn học hành không nghiêm túc, nhưng khi đi vào phòng con mới biết, từ đầu tiết đến nghỉ giữa giờ đều là tiếng cô nhắc học sinh nộp tiền. Tôi cũng giật mình không nhớ mình đã nộp chưa nên mở tin nhắn báo biến động số dư tài khoản thì thở phào đã nộp. Lại thấy hôm nay mới đầu tháng mà sao cô "đòi tiền" căng quá. Con gái tôi giải thích, cô lúc nào cũng vậy, luôn bắt học sinh nộp tiền đầu tháng. Đến tầm mùng 10 mà học sinh chưa nộp là cô cứ nhắc mãi. Học online cũng vậy, mà học trực tiếp cũng không ngoại lệ. Rồi có tháng cô bị bệnh hoặc nghỉ tết chỉ học được có 2-3 tuần, nhưng vẫn lấy tiền cả tháng.

Lại nhớ đến thầy dạy môn vật lý của con, rõ là hai người hai thái cực đối lập. Dù tôi biết hoàn cảnh gia đình của thầy khó khăn hơn cô dạy Anh văn. Vẫn biết vì cuộc sống, mưu sinh rất nhiều giáo viên buộc phải dạy thêm. Đó cũng là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Có cầu thì ắt có cung. Gần như không có phụ huynh nào là không cho con đi học thêm. Song, không phải giáo viên nào cũng đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Họ dạy còn vì trách nhiệm để cho học trò của mình tiến bộ, giỏi hơn, như thầy dạy vật lý của con gái. Và cả như thầy chủ nhiệm của con trai, dù đang ở nhà trọ, cuộc sống còn khó khăn vẫn sẵn lòng trích một phần lương mua sách vở cho cô học trò mồ côi trong lớp, vẫn mua quà tặng những bạn học tốt có hoàn cảnh khó khăn, vẫn rất tự trọng khi từ chối những món quà từ phụ huynh... Hoặc như cô bạn học đại học với tôi, kiên quyết không dạy thêm vì sợ mất đi sự tôn quý mà học trò và phụ huynh dành cho mình… Nhờ những nhà giáo như thế nên nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng. Tôi cũng tin rằng, những trường hợp như cô giáo dạy Anh văn nêu trên chỉ là cá biệt để hình ảnh thầy cô giáo luôn sáng trong, mẫu mực và đáng kính trong mắt học sinh và phụ huynh.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa sách về với học sinh nông thôn

Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai về các trường học. Không chỉ các trường học trên địa bàn thành phố, mà ngay cả những trường ở nông thôn Thừa Thiên Huế cũng tổ chức các hoạt động về văn hóa đọc, tiêu biểu trong đó là Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh (Hương An, Hương Trà).

Đưa sách về với học sinh nông thôn

TIN MỚI

Return to top