ClockChủ Nhật, 08/03/2020 15:47

Mẹ & lá me đất

TTH - Sống trong căn nhà kiên cố với những bức tường sáng loáng gạch men và sơn nước, chuyện trồng cây và cả hình ảnh về cây từ bao giờ trở nên xa lạ với nhiều người và cả tôi.

Mùi đất

Cách đây mấy tháng, tôi cũng học đòi bạn bè, kiếm mấy cái thùng xốp, mua đất, hạt giống để tạo một khu vườn “thành phố” trên sân thượng; với hy vọng lại được nhìn cây xanh mình trồng. Thế rồi một sáng nọ, tôi đã thấy bồi hồi khi chợt nhận ra, ở chiếc thùng trong góc sâu có những khóm me đất, chẳng hiểu cây mọc từ bao giờ mà lá xanh mơn mởn. Nhìn cây, tôi nhớ mẹ với thúng me đất của thời ấu thơ.

Mỗi bó me hiện giờ có giá từ 3 đến 5 ngàn đồng, so với ngày xưa thì giá trị cũng cao hơn nhiều, có lẽ cũng tại đất để me mọc đã bị thu hẹp nhiều rồi. Nhưng dù giá trị của me đất ngày xưa có thấp đến bao nhiều thì mỗi mùa me mọc, mẹ tôi vẫn cần mẫn nhặt từng cọng lá, gom rồi bó lại, mang ra chợ đổi được ít thức ăn ngon cho các con. Bà là giáo viên, mỗi ngày vẫn đến trường, ở nhà vẫn soạn giáo án, trong nhà vẫn có chuồng heo, chuồng gà... Vất vả là thế, nhưng mùa me đến, dù là vào mùa đông, mẹ vẫn tranh thủ nhổ, nhặt để các con có thêm những bữa cơm no ấm...

Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi thích phụ mẹ hái me, dù nhiều lần bà không cho vì sợ con bị muỗi cắn. Nhưng tôi vẫn thích theo mẹ ra vườn hái me rồi cùng ra chợ bán me để được nghe mẹ kể những câu chuyện hay và cả những lời răn dạy đã theo tôi suốt cuộc đời. Trở thành thiếu nữ, có lúc tôi xấu hổ nên tôi không cùng mẹ ra chợ nữa. Lớn lên, lấy chồng ở xa, thi thoảng về thăm mẹ, khu vườn nhà tôi cũng theo thời cuộc mà đổi hướng kinh doanh nên đến mùa me không mọc nhiều như xưa. Các con đã lớn, cuộc sống đầy đủ rồi, mẹ không phải hái lá me đi bán nhưng, cũng như một thói quen, mẹ không muốn nhìn những lá me từng giúp mẹ nuôi các con khôn lớn phải tàn lụi vô nghĩa, đến mùa me mọc, mẹ tôi vẫn giữ thói quen tìm nhổ, bó lại. Không mang ra chợ thì mẹ mang cho sinh viên thuê trọ hay hàng xóm.

Cuộc sống giờ đã đổi thay, không nhiều những người mẹ phải dựa vào lá me đất để cải thiện bữa ăn cho các con. Trồng rau hay chơi hoa giữa thành phố chỉ là trò “nghịch đất” của người lớn để tự tìm kiếm cho mình những phút giây thư giãn. Nhưng, nhờ những câu chuyện của mẹ ngày xưa, đã giúp tôi không để nhiều điều hay trong cuộc sống bị lụi tàn vô nghĩa. Và, có lẽ vì thế mà mẹ luôn mãi bên mỗi chúng ta dù người đang còn trên cõi đời hay đã đi xa.

ĐĂNG VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Hoàng hôn chợ làng

Nói đến ông già Chơn bán chiếu ở chợ Bà Sửu, người ta nhắc ngay tới con Cộc. Cộc là con chó bị người ta vứt ở đống rác phía sau chợ làng, ông Chơn nhặt về nuôi lúc nó mới vài ngày tuổi, còn chưa mở mắt. Nghe đâu tình cờ gặp bữa chiếu ế chẳng bán được chiếc nào, ông gánh đi quanh, rao khản cả tiếng cũng chẳng ai mua. Vừa mệt vừa rã hai cái cẳng, ông quảy cái gánh ra về.

Hoàng hôn chợ làng
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Đôi mắt hoa cúc biển

Tôi không thích cái cách hắn bước vào cuộc đời tôi nhẹ tênh đến thế, không thích cả cách hắn cười mỗi khi hắn tỏ ý trêu tôi, thậm chí cả ghét với việc hắn khoe đã làm xong một bài thơ và lấy tôi làm “nàng thơ” của hắn. Tôi ghét việc hắn tỏ ra là lãng tử, nghĩ mình lúc nào cũng được khối con gái theo và cả việc tán tỉnh được tôi chỉ là vấn đề thời gian như cách mà hắn nói với đám bạn của hắn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào chúng tôi lại vào chung một tổ hợp văn chương: Hắn làm thơ còn tôi viết văn.

Đôi mắt hoa cúc biển
Return to top