ClockThứ Ba, 25/02/2020 09:30

Mùi đất

TTH - Bị rủ rê bởi người nhà với ý định tìm thuê một biền đất ven sông, trồng cây, rau củ các loại, nuôi một ít gà lấy trứng, thả vài con heo rừng… Cơ bản, là được hưởng không khí lành sạch, tôi đã bước lên xe và đi về phía ấy. Nơi chỉ cách thành phố khoảng 10km, mà mọi thứ đã mang một phong vị khác hẳn nơi tôi đang sống.

Ngoại ô

Càng đi ra phía sông, đất trông càng ngọt và cây trái trông thật xanh tốt. Mấy ruộng bắp cây đang nuôi trái mà trông vẫn mỡ màng. Những ngọn bầu, ngọn bí thả dặm dăm ba chỗ đất trống bụ bẫm xanh . Quýt đang chuẩn bị ra hoa và nếu hít thật sâu, có thể nghe được mùi hương khe khẽ trên đồng gió.

Tôi hái mấy quả dâu trên hàng cây người ta trồng nó làm hàng rào. Không còn chua, nhưng chắc chắn là ngọt non, hơi dôn dốt đầu lưỡi. Ở quê cây gì cũng thích. Như lũ dâm bụt kia, chúng tôi đang phải tìm cây về trồng thì ở đây, hoa đã nở rực ở những khoảng ngăn vườn. Nhìn qua đốm hoa thảnh thơi và an nhiên, là cả một vườn ổi đã được bọc trái. “Không phải cây sả đâu. Cỏ nớ để nuôi cá trắm đó cô!”. Tôi à một tiếng, biết mình đúng là dân phố khi không phân biệt được sự khác giữa đám lá mình vừa lên tiếng hỏi. Mà cũng có thể vì đôi kính mắt không đủ nhìn rõ mọi thứ.

Người đàn ông bước ra từ vườn chuối, chào hỏi hai vị khách lạ lẫm và câu chuyện của bác cũng dung dị khi nói về mấy buồng chuối trông thật đẹp trong vườn, về lũ cỏ sáng nay sẽ được nhặt sạch; về đám cây quýt mới được trồng xuống không lâu nhưng đoan chắc là 3 năm nữa, sẽ cho quả. Bác nói mình mới lấy lại mấy sào này, vì ông chú đã già không làm vườn được nữa. Con cháu thì không còn mê làm vườn. “Đúng là đất ở đây ngọt thiệt cô à. Trồng cây chi cũng tốt cả. Chỉ sợ không có sức thôi. Nhà tôi ở trong nớ, nhưng ngày mô tui cũng chạy xe ra đây. Khi mô thích thì làm vài lưới câu dưới bến sông. Rứa mà khỏe thôi chứ có thuốc thang chi mô…”.

Mùi cỏ hăng, mùi đất nữa ở mấy ô đất mà bác nông dân đào để trồng mấy cây chuối con, làm nồng lên khoảng vườn buổi sáng. Câu chuyện rủ rỉ cũng chỉ loanh quanh chuyện đất, chuyện cây và những người bạn vườn giờ hoặc đã già cả, hoặc xuôi theo con cháu ở xứ người. Tôi nghe và nghĩ, không biết có lúc mô sau khi lụi hụi một mình, bác Lịch – tên mà bác nông dân vừa giới thiệu – lại trò chuyện với cây chuối, cây quýt, bình tinh… như đã từng trò chuyện với những người hàng xóm hàng ngày cùng nhau vác cuốc ra thăm vườn không…?

“Có khi tui vừa làm, vừa nhớ cây bên vườn trồng đận mô. Chừ cây có trái, mà người thì đã ở những chỗ mô rồi. Không biết họ có nhớ mùi đất và những sáng, những trưa và những chiều bỏng rát hay mưa xế ở đây không. Mà ngó rứa thôi, chứ mùi đất như ri chắc khó ai mà quên được, cô à!”. Bác Lịch nói trước khi chúng tôi rời đi. Có lẽ bác cũng không nghĩ, hai người khách nớ, cũng nghe mùi đất mà thương nhớ những tháng năm không mấy xa xôi…

Yên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Đất cằn tỏa tinh hương

Được ví là nơi "khô cằn sỏi đá", người dân vùng gò đồi Phong Sơn - Phong Xuân - Phong Mỹ ở phía tây huyện Phong Điền từng bán tín bán nghi khi một doanh nhân đem hàng chục tỷ đồng về quê xây nhà máy sản xuất tinh dầu dược liệu. Và giờ họ đã tin, đã vui khi đón làn "gió đồng ngát hương" của mùi dược liệu.

Đất cằn tỏa tinh hương
Sân ga ngày cuối năm

Hơn 1 giờ sáng 29 tết. Chuyến tàu SE18 từ phía nam trễ giờ. “Mua không được vé à em, răng lại đi chuyến tàu khuya như ri”. Giải thích với chị chủ quầy hàng tạp hóa tính tình xởi lởi, do tôi thu xếp công việc đến tận tối muộn mới xong. Muốn tranh thủ từng giờ, về quê ngay với ba mẹ già.

Sân ga ngày cuối năm
Return to top