ClockThứ Bảy, 22/06/2024 06:46

Mở lối cho lao động khi doanh nghiệp phá sản

TTH - Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại nghị trường Quốc hội trong những ngày qua về xóa nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động do doanh nghiệp phá sản được người lao động quan tâm. Họ hy vọng, sau bao năm mòn mỏi với điệp khúc khởi kiện doanh nghiệp để đòi nợ, nhưng quyền lợi vẫn chưa được đảm bảo.

Đẩy mạnh chi trả chế độ bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặtThanh tra 179 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội Mạnh tay giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội

 Lao động được tham gia BHXH sẽ yên tâm làm việc (ảnh minh họa)

Gặp và nghe chính người trong cuộc mới thấu hiểu nổi khổ của họ khi rơi vào tình thế doanh nghiệp phá sản rồi trốn đóng BHXH. Tôi còn nhớ khuôn mặt thất thần của chị Bùi Thị Quỳnh, công nhân làm trong xưởng may kể rằng, tháng nào doanh nghiệp cũng trừ lương chị để đóng BHXH. Vậy mà, đến ngày sinh nở, chị mới tá hỏa khi phát hiện hơn cả năm doanh nghiệp không đóng BHXH cho chị. Đồng nghĩa chị không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Chị đến nhà chủ doanh nghiệp “nằm vạ”, yêu cầu công đoàn đòi nợ, khiếu kiện doanh nghiệp ra tòa… nhưng cũng không cải thiện được tình hình. “Tôi bị treo quyền lợi BHXH là sự bất công, khi đây chính là tiền mồ hôi công sức của tôi đóng vào suốt bao năm qua. Chúng tôi cần được Nhà nước bảo vệ khi doanh nghiệp phá sản”, chị Quỳnh chia sẻ.

Cũng như chị Quỳnh, việc đơn vị chậm đóng BHXH khiến người lao động không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế… Khi nghỉ việc, họ cũng khó nhận được trợ cấp thất nghiệp, BHXH một lần. Thậm chí, về hưu, người lao động có thể không được nhận lương hưu chỉ vì có một thời gian chưa được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH. Trước quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH thể hiện tính nhân văn, thiết thực và hợp lý khi cả nước có đến hơn 200.000 người với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng phải nộp, nhưng gần như không thể thu hồi. Tất nhiên, số tiền xóa nợ sẽ được lấy từ chính nguồn kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ. Ở Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 5/2024, có 15 đơn vị giải thể, 41 đơn vị phá sản, 118 đơn vị dừng hoạt động và 114 đơn vị có chủ doanh nghiệp bỏ trốn… với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nỗi lo lắng của người lao động về nguy cơ bị xâm hại quyền lợi nên không yên tâm làm việc.

Thật ra, dự thảo Luật BHXH sửa đổi sau nhiều lần chỉnh lý đã bổ sung cơ chế đặc thù bảo vệ lao động trong trường hợp chủ sử dụng không còn khả năng đóng BHXH như phá sản, giải thể, bỏ trốn. Nghĩa là, cơ quan BHXH sẽ tạm thời xác nhận thời gian đóng nếu lao động có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ. Hiểu nôm na lao động đóng đến đâu tính đến đó, không cộng thời gian bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH. Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí, tử tuất thì lao động có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào Quỹ hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng. Nếu sau này cơ quan BHXH thu hồi được khoản nợ thì sẽ tính lại chế độ và trả lại khoản lao động đã đóng. Theo cơ chế này, nếu lao động chọn đóng bù để hưởng hưu trí thì phải chi ít nhất 30% tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, lao động nộp khoản BHXH bị doanh nghiệp trốn đóng để hưởng hưu trí là hết sức khó khăn, không khả thi.

Vấn nạn doanh nghiệp “xù nợ” người lao động kéo dài rất nhiều năm, gây hệ lụy, song, chưa có phương án ngăn chặn quyết liệt, giải quyết hiệu quả ngoài điệp khúc kiểm tra - nhắc nhở - xử phạt. Với đề xuất xóa nợ, trước mắt là một lối thoát cho người lao động. Tuy nhiên, không loại trừ tâm lý “ỷ lại” vào việc “xóa nợ” bảo hiểm của Nhà nước. Lúc đó, người lao động đi đòi nợ, đòi quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội sẽ càng khó khăn hơn. Thế nên, mở lối thoát cho người lao động bị treo quyền lợi nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực này để răn đe, đòi nợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động được hiệu quả hơn nữa.

Bài, ảnh: AN NHIÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năng suất lao động gặp rủi ro khi xảy ra nắng nóng

Bất cứ ai phải đi làm trong ngày hè nắng nóng đều cảm thấy mệt mỏi. Chức năng não chậm lại, việc đi lại khó chịu hơn và đối với những người làm việc ngoài trời, việc giữ an toàn đơn giản đã trở thành thách thức. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại sẽ tạo ra tác động liên quan đến nhiệt đối với năng suất của người lao động, điều này càng trở nên rõ rệt hơn khi biến đổi khí hậu gây ra những đợt sóng nhiệt dữ dội hơn.

Năng suất lao động gặp rủi ro khi xảy ra nắng nóng
“Thua kiện” do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

TAND TP. Huế vừa xét xử vụ án “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động”; tuyên bố người sử dụng lao động “thua kiện”. Đây là “lời nhắc nhở” việc tuân thủ các quy định của pháp luật để được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc do kiện tụng kéo dài.

“Thua kiện” do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Hiện đại hóa dịch vụ hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm

Người tìm việc và việc cần tìm người thời gian qua vẫn chưa có sự liên thông mạnh mẽ. Nhà tuyển dụng vẫn chưa gặp được người lao động và ngược lại, người lao động vẫn còn e dè chưa dám đến gõ cửa đơn vị tuyển dụng. Việc thông tin, kết nối để các bên gặp nhau và để cân bằng cán cân giữa cung - cầu về lao động và việc làm đang được tỉnh đẩy mạnh với nhiều giải pháp.

Hiện đại hóa dịch vụ hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm
13 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác

Ngày 6/6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phú Vang tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

13 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác

TIN MỚI

Return to top