“Em vào với anh chị một chuyến đi”. Câu sau cùng của mỗi cuộc điện thoại như lời thúc giục tha thiết. Và thế là tôi lấy vé tàu Huế - Quảng Ngãi, thực hiện chuyến quay về gặp lại gia đình đã cưu mang, nhường cơm sẻ áo, khi tôi là sinh viên Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế vào đây thực tập hơn 25 năm trước. Nhưng chẳng may, 25 năm qua chúng tôi lại mất liên lạc, mới tìm lại được nhau nhờ mạng xã hội facebook.
Chờ trên sân ga là cậu bé 11 tuổi năm xưa thường dắt cô em gái lẽo đẽo theo tôi “la cà” bên những cụ ông, cụ bà cao niên trong xóm, “gom góp” từng câu ca dao, tục ngữ (hồi đó, nhiệm vụ của sinh viên chúng tôi là đi sưu tầm văn học dân gian). Đôi khi hai nhóc tì trở thành “phiên dịch” bất đắc dĩ, bởi có lúc tôi không bắt kịp, chẳng hiểu mô tê gì khi các cụ nói rất nhanh bằng tiếng địa phương. Cũng có lúc, tôi cùng hai nhóc “trốn nhà” đi bộ đến hàng bánh xèo cuối xóm, đánh chén ngon lành loại bánh xèo rẻ nhất, nhân chỉ toàn giá đỗ, từ số tiền học bổng ít ỏi “lận” theo. Bây giờ, “cậu bé” đã là Bí thư Đảng ủy của một xã. Nụ cười đã “lớn lên” nhưng với tôi, vẫn trong trẻo như gàu nước mát múc từ chiếc giếng nơi góc vườn năm ấy.
Thêm hơn 25 năm tuổi tác, anh chị già yếu đi nhiều. Cậu con trai và cô con gái nhỏ năm nào đã lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Một thanh niên trẻ măng “lạ hoắc”, tươi cười tự giới thiệu: “Cháu là út. Lúc cô vào ở đây, cháu chưa ra đời. Nhưng cháu biết cô từ lâu bởi ba má, anh hai, chị ba thường nhắc về cô. Cháu cũng vừa cưới vợ”. Cô dâu mới tặng tôi nụ cười bẽn lẽn nhưng tươi rói. Chồng của cô ba, vợ của cậu hai cũng bảo, từ hôm biết tôi sẽ vào thăm, nghe ba má và “anh nhà”, “em nhà” kể riết chuyện ngày trước, thành ra dù chưa biết mặt mũi tôi, các em cũng cảm thấy gần gũi. “Cô biết không, kể từ ngày cháu được sinh ra đến giờ, cháu chưa thấy má nghỉ buổi chợ nào trừ khi có việc gì rất trọng đại. Cô về đây, má nghỉ luôn mấy buổi chợ. Chứng tỏ má vui, vui lắm”. Cậu trai út “bật mí”, khiến tôi rất cảm động. Những bữa cơm sum họp sau hơn 25 năm, mấy chiếc chiếu nối lại mới đủ chỗ cho đại gia đình tề tựu, dưới mái nhà xưa. Trong lòng tôi cứ đầy ắp cảm xúc ruột thịt, ấm áp và ngưỡng mộ.
Chị bán nón ở chợ, thường xuyên bệnh tật đau ốm. Anh là cán bộ xã, xin về hưu sớm để có thời gian đưa vợ đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa bệnh. Là những người dân mộc mạc ở xóm nhỏ xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh (bây giờ là phường Tịnh Châu thuộc thành phố Quảng Ngãi), của cải lớn nhất của anh chị là tình yêu thương, cách sống đạo nghĩa. Vậy nên, con cái, dâu rể của anh chị, người làm công chức, viên chức, người buôn bán nhỏ. Tuy mỗi người một kế sinh nhai, nhưng ai cũng chan chứa sự tử tế, tình cảm.
Tối hôm tôi về Huế, giờ tàu hơi muộn nên anh chị ở nhà. Vợ chồng cậu hai, cô ba, cậu út tiễn tôi ra ga. Khi chúng tôi quây quần bên ấm trà nóng trong quán nước trên sân ga, một cuộc điện thoại gọi đến cho cậu út. Và câu trả lời: “Em xin lỗi không đến được, vì hiện em đang tiễn người thân ra ga…”. Lặng người vì xúc động. Một lần nữa thầm nhủ lòng, đây đúng thực là những người thân của tôi, bởi dù không hề máu mủ ruột rà, nhưng những con người ấm áp ấy đã tặng tôi tình cảm gia đình, yêu thương, món quà quý giá nhất của cuộc sống.
Quỳnh Anh