ClockThứ Ba, 21/08/2018 08:49

Một thời “xôn xao làng quê bé nhỏ ấy”…

Mối tình son sắc

Các “tiểu thư” nhà cụ Thượng Tôn thất Đàn, Ngọc Toản nhỏ nhất 4 tuổi. Ảnh: chụp 1934

Hình như lần đầu tôi “nghĩ” về xóm nhỏ ấy khi gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh tại nhà ông Vĩnh Mẫn. Ông vô Huế dự lễ giỗ cụ Lạc Viên ở thôn Lại Thế. Đặng Nhật Minh thì quá nhiều người biết; biết cả thân phụ anh là Giáo sư - Anh hùng - liệt sĩ Đặng Văn Ngữ đã hy sinh trên đường Trường Sơn năm 1967. Có điều tôi bất ngờ khi biết cả hai bà Ngọc Toản, Ngọc Trai đều là dì ruột của anh vì tôi có “duyên” quen cả hai “tiểu thư” thuộc dòng dõi Tôn Thất, từng là cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế.

Gần đây, tôi có dịp gặp lại hai “cụ bà” Ngọc Toản và Ngọc Trai khi họ đến Huế tổ chức lễ giỗ cụ Thượng Lạc Viên Tôn Thất Đàn (1871 - 1936); hơn thế, tôi như đã được “gặp” toàn bộ cả trăm người gồm vợ - con - cháu - chút - chít của cụ qua bộ sưu tập gia đình vừa hoàn thành… Lối về Lại Thế, như Đặng Nhật Minh viết trong bài “Quê mẹ”:“… Đi qua Đập Đá, về Vỹ Dạ, rẽ vào đường Tùng Thiện Vương, rồi đi tiếp đường Thanh Tịnh qua chiếc cầu xi măng bắc qua con kênh nhỏ là đến quê mẹ tôi…”

Sau ngày giỗ cụ Lạc Viên, tôi về Lại Thế theo con đường này. Tôi đứng giữa khuôn viên nhìn cây vải thiều trĩu quả, bầy chim sẻ ríu rít gọi nhau bay lên, bỗng nghĩ tới đàn con cháu đông đúc của cụ Lạc Viên đã tung cánh bay xa…Ngay khi chính quyền cách mạng đang như “nghìn cân treo sợi tóc”, theo lời kể của thầy giáo Tôn Thất Lôi thì “Anh em chú cháu chúng tôi đều hăng hái xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Cháu Tôn Thất Điệp, con anh Cả chúng tôi và cháu Võ Tá Lâm, con trai độc nhất của chị Tham Vinh gia nhập Trung đội I. Chú Tôn Thất Long gia nhập Trung đội 9. Tôi sức khỏe yếu, bị loại. Buồn quá, tôi về làm đơn khác và bắt chú Long đi khám thay nên được gia nhập Trung đội 11… Tập luyện một thời gian, chúng tôi được lệnh chuyển vào Nam tham gia kháng chiến…”

Theo hồi ức của nhà phê bình Ngọc Trai, cả 4 người ra mặt trận, không là liệt sĩ cũng thành thương binh. Còn các tiểu thư cũng chẳng chịu “thua” giới “mày râu”. Ngọc Toản lúc đó mới 15 tuổi, nhưng đã tham gia Ban Quân y và khi tiễn các đoàn quân Nam tiến, cô cùng hai bạn gái đã trốn lên tàu để được đi chiến đấu, nhưng đến Quảng Ngãi, một vị chỉ huy buộc phải quay về. Trở lại Huế, “ba lần bị Pháp bắt giam do quá năng nổ trong phong trào học sinh ở Huế… Cuối cùng bị Pháp trục xuất khỏi Huế. Nhưng… Ngọc Toản nhất định ở lại hoạt động…”. Thế là gia đình đành phải gọi về, gửi cô lên chiến khu…

“Tiểu thư” Tôn Nữ Thị Lưu là người đầu tiên trong con cháu cụ Lạc Viên ra vùng tự do Khu IV từ năm 1946. Cụ Lạc Viên không chỉ có hai người con rể tài danh là Anh hùng - liệt sĩ Đặng Văn Ngữ và Trung tướng Cao Văn Khánh; ông Nguyễn Văn Thao, chồng bà Lưu, sinh trưởng tại làng Triều Sơn Tây ở phía bắc Huế, cũng là người nổi tiếng từ thuở học trò. Nhắc đến 3 chàng rể thuộc loại tinh hoa đất Huế, cứ nghĩ không biết cái xóm nhỏ ấy có sức hút gì đặc biệt. Đó là chưa nói đến giáo sư Nguyễn Hồng Phong, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, phu quân của bà Ngọc Trai….

Nguyễn Văn Huy, con trai cả của ông bà Thao-Lưu, cho biết: Ông Thao đỗ đầu bằng Thành chung Quốc Học Huế, ra học Trường Bưởi, đỗ tú tài, trở về Huế dạy Trường Thuận Hóa rồi thi vào Khoa Canh nông (Đại học Đông Dương). Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, “ông lao ngay vào công việc cấp bách thời bấy giờ ở Trung Bộ là kiểm kê, sắp xếp lại tài sản thu hồi của chế độ cũ, xây dựng bước đầu cơ sở kinh tế của Nhà nước cách mạng”. Sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ Giám đốc kinh tế Trung bộ, rồi Giám đốc kinh tế Liên khu IV, năm 1960, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ ...

Bà Tôn Nữ Thị Lưu là tấm gương về sự chịu thương chịu khó và cả hiếu học. Nguyễn Văn Huy viết về người mẹ như sau: … “Năm 1951, mạ tôi bị ốm nặng, may mà ba tôi về kịp đưa ba mẹ con tôi lên Việt Bắc đoàn tụ… Ở chiến khu Việt Bắc, mạ tôi làm công tác chuyên môn ở Viện Nghiên cứu Penexilin do cậu tôi là bác sĩ Đặng Văn Ngữ  làm Viện trưởng…”.  Khi đất nước hòa bình, dù đã cao tuổi, chị vẫn đi học và đã tốt nghiệp đại học… Chị đã vận động lập quỹ khuyến học ở Triều Sơn Tây và di chúc dành phần lớn tiền tiết kiệm cho quỹ này…

Hai “tiểu thư” Ngọc Toản - Ngọc Trai thì “Bắc tiến” theo lối khác. Chuyện Ngọc Toản lên chiến khu Dương Hòa rồi cùng đoàn cán bộ Thừa Thiên vượt U Bò, Ba Rền ra Khu IV, lên Việt Bắc học Trường Y khoa rồi tổ chức đám cưới “vô tiền khoáng hậu” tại hầm De Castrie với “chiến tướng” Cao Văn Khánh thì nhiều sách báo đã kể.

Còn Bà Tôn Nữ Thị Cung - theo Đặng Nhật Minh nhớ lại - đã âm thầm “Bắc tiến” trong một hoàn cảnh đặc biệt:“…Một buổi tối đầu năm 1950, một cơ sở bí mật trong thành phố đã chuyển đến mẹ tôi thư của cha tôi viết từ Việt Bắc…Vậy là vào một ngày đã định, mẹ tôi cùng 3 anh em chúng tôi xin phép ông bà cùng họ hàng bên nội, lên xe kéo về quê ngoại ăn kỵ. Thực ra không có kỵ giỗ nào cả. Ngay khuya hôm sau, 3 du kích đến đón 4 mẹ con chúng tôi đi. Tôi và mẹ tôi đi bộ, còn hai em gái tôi có người cõng trên lưng…”

Bốn mẹ con, với “lá bùa hộ mệnh” là giấy giới thiệu của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên với nội dung: “Bà Tôn Nữ Thị Cung trên đường đi gặp chồng là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, đề nghị các cấp địa phương hết lòng giúp đỡ”, đã tới được Chiêm Hóa (Tuyên Quang), sau 3 tháng lặn lội đường xa ngàn dặm với đủ mọi gian truân vất vả…

Một thời gian ngắn sau đó, mẹ con bà Ngọc Trai cũng “Bắc tiến” theo tiếng gọi của tự do. Nếu xem những đoàn quân xuôi ngược theo mùa chiến dịch như dòng chảy lớn của lịch sử thì các chuyến “Bắc tiến” lặng lẽ mà không thiếu kiên cường của con cháu cụ Thượng Lạc Viên như là các vi mạch đặc biệt trong huyết quản của cơ thể đất nước. Đặng Nhật Minh không ngại gọi chuyến đi của thân mẫu mình là “một chiến công”.

 

(*) Lời bài hát “Bộ đội về làng” nổi tiếng thời chống Pháp.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào

Ngày 24/10, tại tỉnh Salavan (Lào), đoàn Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dẫn đầu tiến hành Hội đàm với Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan về việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) mùa khô 2024 - 2025. Thiếu tướng Phu Văn Phim Ma Chăn, Chỉ huy trưởng Chính trị, Trưởng Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan tiếp và làm việc cùng đoàn.

Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào
Trao 17 di ảnh liệt sĩ và tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ

Chiều 30/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức trao di ảnh liệt sĩ và tặng quà cho đại diện thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Trao 17 di ảnh liệt sĩ và tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ
Đội quy tập 192 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại chân đèo Hải Vân

Trong hai ngày 21 và 22/8, Đội quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ban CHQS huyện Phú Lộc, Ban CHQS thị trấn Lăng Cô tổ chức khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập 1 hài cốt liệt sĩ tại chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).

Đội quy tập 192 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại chân đèo Hải Vân
Số hóa dữ liệu Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền

Trong tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Chi đoàn Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh - HueCIT đã thực hiện hoạt động ý nghĩa: Phối hợp, triển khai xây dựng Phần mềm Quản lý nghĩa trang liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Hương Điền, huyện Phong Điền.

Số hóa dữ liệu Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền
“Chủ nhật xanh” tri ân Anh hùng liệt sĩ

Từ đầu tháng 7 đến nay, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã đồng loạt triển khai các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Nổi bật trong đó là chuỗi hoạt động ra quân Ngày “Chủ nhật xanh” làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm…

“Chủ nhật xanh” tri ân Anh hùng liệt sĩ
Return to top