ClockChủ Nhật, 24/09/2023 14:30

Mùa đậu xanh

TTH - Lâu ngày rồi tôi mới lại được ăn cháo đậu xanh, những hạt đậu mềm tan, thơm lựng. Thì ra hè đã vào những ngày cuối, hạt đậu cũng đã được gấp rút thu hoạch để tránh những cơn mưa báo hiệu thu sang.

Những vạt nắng mùa xuânCuối tuần, về làng uống cà phê

 

Làng tôi mỗi khi vào hè thì bỏng rát bởi gió Lào, cát trắng. Những động cát vào tháng 5, tháng 6 lúc nào cũng như đổ lửa. Thế nhưng, đầu hè cũng là lúc những hạt đậu xanh được gieo xuống nền đất, đội nắng đội gió, chúng vươn mầm lên như thách thức mặt trời, thách thức cả một mùa hè khắc nghiệt.

Cứ tận dụng được chỗ nào trông trống là người làng tôi lại gieo đậu xanh. Có những vạt đậu tốt tươi được cuốc trồng tỉ mỉ, đậu mọc theo hàng lối đều tăm tắp. Nhưng cũng có những vạt đậu xanh “ngẫu hứng”, chúng được trồng xen chung với đậu phộng, thuốc lá hay gieo ngay hàng rào. Thi thoảng, chỉ cần chỗ trống đủ rộng và đủ ánh sáng, tản mác nơi góc vườn cũng là những cây đậu xanh lấp lóa bóng nắng.

Nghe mạ tôi kể rằng, đậu xanh là cây vốn chẳng kén cá chọn canh. Cứ trồng là cây nảy mầm, và đất vùng trũng thấp hay trên trảng cát, chúng đều có thể thích nghi. Thế nhưng loại cây này cũng có một bí mật nho nhỏ. Đó là lá càng tươi tốt thì cây càng ít trái. Bởi thế, với những vạt đậu xanh rậm rạp, um tùm, đôi khi mạ tôi và nông dân ở làng phải bỏ ra vài ba hôm để vặt lá. Có như thế, nhánh ngách của đậu xanh mới đẻ ra nhiều, tỷ lệ đậu quả cao và khi trĩu trịt trái, cây sẽ không bị ngã đổ.

Sau 2 tháng gieo trồng, lác đác những chùm đậu xanh đã ngả màu, lớp vỏ xanh non với hàng nghìn lông tơ óng chuyển dần sang màu xanh sẫm, rồi nâu nhàn nhạt. Đó cũng là lúc cứ ngày cách ngày, những lũ trẻ nít ở làng chúng tôi đến mùa thu hái đậu xanh rộn ràng.

Thay vì cầm rá trên tay, tôi thường dùng sợi dây chuối thắt chiếc rá bên hông, đôi tay thoăn thoắt trảy từng quả đậu. Đậu xanh lúc lỉu theo chùm, phải lựa thật khéo, tránh hái đậu quá non và cũng cẩn thận với những quả đậu đã quá già. Vì rằng chỉ cần một cử động tí tách, những hạt đậu bóng láng từ quả đậu già nứt vỏ sẽ bung hết xuống đất.

Đậu xanh mang về phơi cho khô vỏ, sau đó chà xát nhẹ, sàng lớp vỏ đi là sẽ lựa ra được những hạt đậu bóng láng. Những ngày thu hoạch đậu xanh, thể nào mạ tôi cũng đãi cả nhà nào chè, nào cháo đậu xanh. Nếu bất chợt có những cơn mưa giông nho nhỏ, đôi khi nhà tôi còn làm cả bánh bột lọc nhân đậu, đó là những chiếc bánh mỏng tang, lấp loáng sau lớp vỏ trong vắt của bột lọc là phần nhân đậu xanh bùi thơm, ngon lành.

Riêng với tụi trẻ nít chúng tôi, vào những hôm đi bẻ đậu, chắc chắn nồi cơm sẽ có thêm những quả đậu non được cho vào khi nước cơm đã cạn. Những hạt đậu xanh non hấp béo mẫm, tươi ngon, thơm nồng và ngọt ngào ấy là thức quà ăn vặt yêu thích nhất của chúng tôi mỗi khi sắp bước vào năm học mới.

Bây giờ, trời đã vào mùa thu. Những cơn gió và cái nắng oi ả của mùa hè đã không còn quá gay gắt. Hơn nữa thời nay, đậu xanh cũng không còn quá phụ thuộc vào mùa, vì chỉ cần ra chợ, ai có nhu cầu đều có thể mua đậu từ vùng khác đến, có loại đã được cà sạch cả lớp vỏ màu xanh đặc trưng vô cùng tiện lợi. Thế nhưng, trong những nắm đậu xanh căng mẩy được mạ tôi gửi lên từ làng, tôi vẫn cảm nhận được sự thân quen đến kỳ lạ. Nếm những hạt đậu xanh đầu mùa ấy, tôi như thấy cả vạt đậu xanh lúc lỉu trải dài trước mắt, nơi đó còn có những đứa trẻ nít đang thoăn thoắt trảy từng quả đậu, nghiêng nghiêng chiếc nón lá đã cũ dưới cái nắng hanh hao đầu thu.

Tuệ Lâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Những chấm phá về văn hóa làng

Khác với các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế đã được công bố (như làng văn vật ở Thừa Thiên Huế, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế…), cuốn “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” của tác giả Thanh Tùng vừa mới ra mắt bạn đọc (tập hợp 30 bài viết dạng báo chí về 27 làng quê ven Huế, dọc biển, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu cho những người quan tâm, và du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, qua đó, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế, con người Huế, gắn với phát triển du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làng
“Về làng tôi chơi đi em”

Cứ mỗi lần ghé thăm một ngôi làng nào đó là tự nhiên hơi thở của tôi cũng nhẹ hẳn đi, và cảm giác như là mình đã thuộc về nơi này từ lúc nào. Này là ruộng lúa, kia là những bụi tre hóp bao quanh, thấp thoáng xa nữa mái những nhà thờ họ, đình làng. Thỉnh thoảng còn gặp vài bến nước sông quê, vẫn còn mạ hay chị ra bến giặt giũ...

“Về làng tôi chơi đi em”
Hà Lạc - Làng quê miền sông nước

Làng Bác Vọng được thành lập khá sớm, từ thế kỷ XVI là một trong 53 làng, xã của huyện Đan Điền. Về sau phát triển thành Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây (xã Quảng Phú), từ đó di cư phát triển thêm hai ấp mới miền sông nước là Hà Đồ (xã Quảng Phước) và Hà Lạc (xã Quảng Lợi), thành kết cấu “Đông, Tây, Đồ, Lạc” từ cuối thế kỷ XIX. Hai ấp mới miền sông nước Tam Giang là Hà Đồ và Hà Lạc ra đời nhờ vào công lao to lớn của Bà Tơ, người họ Trần, được xác định qua các sắc phong của triều Nguyễn phong tặng. Bà buôn bán tơ lụa, hay biết dệt vải, đan lưới, sống cùng gia đình làm nghề chài lưới trên phá Tam Giang.

Hà Lạc - Làng quê miền sông nước
Return to top