Hái nấm tràm. Ảnh: HT
Như tên gọi của nó, nấm tràm mọc và sinh trưởng dưới những tán lá tràm, nơi gốc cây tràm khi lá của nó rụng xuống đất thành thảm lá mục, lại thêm vài trận mưa đầu mùa thì loại nấm này xuất hiện.
Nấm tràm không phải muốn trồng là được, mà nó mọc hoàn toàn tự nhiên tùy thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng vào đầu mùa thu; đặc biệt mọc lên nhanh chỉ cần trời bất chợt đổ cơn mưa mà cũng tàn rất nhanh khi những ngày nắng cuối cùng của mùa hạ kết thúc.
Nấm tràm thường xuất hiện nhiều ở các góc chợ tạm vào những ngày mưa đầu mùa, như đàn Nam Giao, chợ Tuần- Cầu Lim, dọc vỉa hè chợ Bến Ngự.... Người dân xứ Huế mê nó đến độ, cứ hễ xuất hiện thì họ mua người vài kg, có người mua vài chục kg để trữ đông ăn dần.
Chị Thủy Tiên (phường Thủy Xuân, TP. Huế) chia sẻ: “Năm nào nhà tôi cũng mua vài chục kg, không chỉ mua về ăn dần mà còn gửi cho bạn bè, người thân ở xa quê; phải mua dự trữ, vì hết mùa có muốn ăn tìm cũng khó”.
Giá cả của loại nấm này cũng thường xuyên thay đổi, đầu mùa có khi lên tới 50 ngàn đồng/kg, rồi lại hạ dần từ 35 ngàn đồng/kg cho đến 10-15 ngàn đồng/kg từ lúc giữa mùa, đến cuối mùa khan hiếm có khi giá lại tăng gấp đôi. Mùa nấm tràm ở Huế cũng thú vị không kém. Khi những khu chợ tạm bán nấm mọc lên là thời gian cùng mùi lá tràm thoang thoảng trong không khí, cùng với tiếng người rộn ràng trả giá cho hợp ý người mua lại vừa lòng người bán; lại thấy những góc đường các mệ, các o ngồi gọt nấm tràm sẵn để bán...
Nấm tràm rất dễ nhận biết, với những tai nấm căng tròn, màu nâu sẫm bên ngoài và trắng mịn bên trong, khi luộc lên thì lại bóng bẩy, mềm dẻo, nhưng thưởng thức nó thì không phải ai cũng hợp khẩu vị. Cảm giác đầu tiên khi ăn vào là đắng, nhưng khi ăn quen rồi lại nhận ra vị béo, ngọt xen lẫn vị đắng ấy. Hương vị ngọt đắng đặc trưng này đã khiến bao người gốc Huế mê mẩn nó.
Để chế biến loại nấm này cũng cần có mẹo và kinh nghiệm mới dễ ăn. Bởi loài nấm nào ngoài tác dụng dinh dưỡng cũng có vài phần độc tố. Khi mua về, sau khi gọt sơ bớt vỏ và rửa cho hết bụi đất thì hãy nhúng qua nước sôi có bỏ một ít muối, làm điều này sẽ loại bỏ được tạp chất cũng như bớt đắng, dễ thưởng thức hơn. Sau đó, bỏ vào túi, hộp đem cất vào ngăn đông ăn dần. Cách này giúp ta dễ bảo quản, lâu hư hại lại ăn được dài ngày.
Nấm tràm theo đông y, có tác dụng giảm mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bồi bổ nội tạng và dễ ngủ. Ngoài ra, nhờ vị đắng và chất dầu tràm của nó còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải rượu. Chế biến nấm tràm cũng rất đơn giản, sau khi sơ chế, ta có thể xào với tôm thịt, lá lốt, hay nấu cháo nấm tràm, canh nấm tràm với khoai lang và thịt. Vào mùa nấm tràm thì trong các bữa ăn gia đình ở Huế đều xuất hiện nó, có khi xuất hiện dày đặc, ăn mãi mà không ngán.
Mỗi năm chỉ có một lần, nên ai ghé ngang qua Huế hay có cơ hội thưởng thức nó, hãy đừng chần chừ mà thử ngay thôi. Bởi cái mùi vị ngọt đắng, bùi bùi đan xen của nó sẽ níu chân bạn với vùng đất nhiều điều thú vị này ...
Sương Lam