ClockThứ Bảy, 27/01/2024 15:29

Mùi tết thơm nồng sắn dây

TTH - Khi những cơn mưa phùn báo hiệu Tết Nguyên đán đang cận kề cũng là lúc nhà nhà ở làng tôi tháo chiếc bồ được treo bên hông nhà xuống. Mưa nắng xen kẽ chẳng thể nào phơi ngoài trời được, chiếc bồ và chiếc sề sẽ là vật dụng không thể thiếu để tạo nên những mẻ bột sắn dây trắng tinh, thơm lừng.

Mùi TếtMùi tết hương quê

 

Chẳng biết tự bao giờ, ngôi làng cát ven biển quê tôi trở thành nơi trồng và làm bột sắn dây có tiếng. Mùa này, chỉ cần đi đầu làng đến cuối làng, thể nào cũng bắt gặp các chú, các bác đi đào sắn dây. Chẳng lẫn đi đâu được, chỉ cần nhìn thấy chiếc xe rùa rổn rảng, trên xe gác chiếc thuổng bóng loáng là biết đích đến của các chú, các bác ấy. Đào sắn dây, công việc nặng nhọc vừa cần sức, vừa cần sự khéo léo, vì thế, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để các bậc cha chú trong nhà đưa vai cáng đáng.

Ở mỗi vạt đất khô trong làng hay trên trảng cát trắng bong, từng vồng sắn dây cứ thế được đào lên. Sau khi đem về tỉa sạch rễ, rửa sạch đất cát, chúng sẽ được xay nhuyễn rồi dầm với nước để chắt thành bột. Không như những nơi khác, ngoài việc xay sắn dây bằng máy nghiền ra, ở làng tôi, các công đoạn để tạo nên mẻ bột đều làm thủ công, từ trồng trọt, chăm bón đến thu hoạch, chắt lọc, phơi phóng.

Tôi còn nhớ như in những ngày cuối năm thuở nhỏ, cùng với hai anh và đứa em út, tôi trở thành một khâu của “dây chuyền” lọc bột sắn dây. Từ nước này qua nước khác, đến công đoạn cuối cùng là bỏ bã, mỗi phần việc chúng tôi đều được phân công rõ ràng. “Dây chuyền chạy bằng cơm” này chỉ ngừng hoạt động khi rùa sắn dây đã trống trơn, và trong các vại chứa, nước lọc bột cứ trong dần, trong dần, báo hiệu từng hạt bột đang tụ lại dưới đáy vại.

Sau khi cho bột lắng lại, sẽ đến phần việc tỉ mỉ, khéo léo của mạ tôi. Nếu lớp bột phân chia rõ ràng, mạ tôi sẽ nhẹ nhàng hớt đi phần bột mủ (màu đục, không ngon), chỉ chừa lại phần bột tinh trắng mịn. Cứ thế qua đôi tay thoăn thoắt của mạ, từng cục bột sẽ được cho lên sề, sậy trên thau than đã được quạt kỹ.

Thời gian để um bột thường kéo dài tầm một ngày một đêm. Trong lúc um, ngoài canh than để nhiệt độ không quá nóng, mạ tôi phải thường xuyên đảo vị trí để các cục bột khô đều. Sau khi um xong, chỉ cần nắm nhẹ mà cục bột đã vỡ ra thì quá trình sấy đã hoàn thành.

Không chỉ sắn dây, những ngày cận tết, làng tôi còn rộ mùa bình tinh. Đây là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên những chiếc bánh thuẫn thơm ngon, đậm vị. Vì dễ thu hoạch và công đoạn lọc cũng chẳng kỳ công bằng, thường giá bột bình tinh chỉ bằng một nửa của bột sắn dây.

Năm nay, sắn dây làng tôi có nhà trúng, có nhà trật. Đợt mưa lũ vào tháng 10, 11 vừa qua làm úng ngập nhiều vạt sắn dây, gây thối củ rễ, năng suất những vạt này mười phần chỉ còn ba, bốn. Nhà tôi cũng chẳng ngoại lệ, nhưng mạ vẫn kịp có một chút bột vớt vát gọi là để gửi cho con, cho cháu.

Ắt hẳn với nhiều người, tết có nhiều mùi vị khác nhau. Đó có thể là mùi hoa mai, hoa đào, hay mùi mứt bốc lên trong căn bếp thơm lừng. Hoặc là mùi lá thơm của bánh chưng bánh tét, mùi củ kiệu ngâm, mùi nước mắm, mùi hành. Nhưng ở làng tôi, mùi sắn dây cũng được nhiều người ví von là mùi tết. Không chỉ vì những nắm bột sắn dây quê nhà thơm thật là thơm, khi pha với nước sôi, mùi thơm càng đượm, mà còn do mỗi khi tết đến, bột sắn dây sẽ xuất hiện đúng như cái hẹn đã từ bao đời nay, báo hiệu một năm mới sáng tươi, ấm áp.

TUỆ LÂM
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùi Tết

Không một hương thơm nào, bay ngược chiều gió thổi. Chỉ hương người đức hạnh, bay ngược gió bốn phương

Mùi Tết
Mùi tết hương quê

Gần 30 năm xa quê nhưng không bao giờ xa tết quê nhà. Cứ mỗi độ hoa cúc hoa mai nở vàng là lòng lại nao nao tìm về chốn cũ để hoài niệm, để nhớ quay quắt những ngày giáp tết và 3 ngày tết nơi quê cha đất mạ.

Mùi tết hương quê
Thơm nồng bánh sắn ngày mưa

Chiều đông, thím út cho mấy củ sắn ba trăng, mạ “đề nghị” gói bánh sắn ăn chơi. Chứ lâu lắm rồi mạ còn chưa nếm lại món này, không khéo quên luôn cả mùi vị, mạ nói.

Thơm nồng bánh sắn ngày mưa
Thơm nồng chè rượu nếp

Biết món chè này qua một lần theo mẹ của người bạn dẫn đến một gánh chè nhỏ nằm xen lẫn giữa hàng hoa quả dãy trước chợ An Cựu, chuyển ly chè cho tôi, mẹ bạn giới thiệu, đây là chè rượu nếp, món ăn có từ lâu đời ở Huế được chế biến theo phương pháp lên men cổ truyền rất nhiều người yêu thích.

Thơm nồng chè rượu nếp
Sắn dây Mỹ Lợi

Về làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) trong những ngày này, ngoài những công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, bà con nơi đây tất bật vào mùa thu hoạch sắn dây.

Sắn dây Mỹ Lợi

TIN MỚI

Chính sách chiết khấu quà tết cho doanh nghiệp tốt nhất
Return to top