ClockThứ Năm, 08/07/2021 06:41

Mưu sinh mùa nắng nóng

TTH - Thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa khiến ai cũng ngại ra đường. Thế nhưng, những người lao động tự do vẫn phải làm việc trực tiếp ngoài trời, dưới nền nhiệt độ có lúc hơn 40 độ C để mưu sinh.

Mưu sinh từ sản vật đồng quê

Để tránh mất sức, sốc nhiệt, những người thợ xây phải bố trí thời gian làm việc hợp lý để tránh nóng

Gần như suốt ngày phơi mình giữa cái nắng khắc nghiệt, nhưng vì mưu sinh, những người thợ xây không quản ngại nắng nóng, luôn bám công trình để có thu nhập trong giai đoạn khó khăn, nhất là khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Đứng cheo leo giữa giàn giáo chênh vênh trên cao, nếu không quen sẽ khó trụ nổi. Điều lo sợ nhất đối với nghề thợ xây như anh em chúng tôi là để nhiễm say nắng khiến cơ thể mất sức”, anh Phạm Văn Trinh ở phường Hương Sơ (TP. Huế) có thâm niên làm thợ xây gần 20 năm chia sẻ.

Cùng làm việc với anh Trinh là bác Hồ Văn An. Bác An cho hay: “Nhà mới gặt lúa xong, tôi xin theo mấy chú ở gần nhà phụ hồ để có thêm thu nhập cho gia đình. Mấy hôm ni trời nắng oi bức, mọi người phải tranh thủ làm từ sáng sớm, để lúc nắng lên cao phải tạm nghỉ tránh nóng, chứ thời tiết kiểu ni chịu không nổi”.

Anh Lê Văn Bảo, chủ thầu xây dựng ở Phú Đa (Phú Vang), cho biết: Nhiều người thợ tuổi cao phải bố trí làm việc trong bóng mát, chứ không cho làm ngoài trời. Thu nhập của thợ chính nay thấp nhất cũng 300 nghìn đồng/người/ngày, nhưng không vì thế mà để họ làm cố sức quá. Chúng tôi phải tính toán, bố trí, cân đối lượng công việc phù hợp, giữ sức cho anh em để duy trì đội thợ đảm bảo tiến độ công trình, tránh vì thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng.

Không chỉ lao động tại các công trình xây dựng, những người làm nghề tự do như lái xe ôm, shipper, bán vé số... cũng là những người phải làm việc ngoài trời, chịu tác động trực tiếp của thời tiết nắng nóng.

Dẫu cho hơi nóng và bụi đường, khói xe cuốn theo những cơn gió nóng hầm hập phả vào da, những người chạy xe ôm vẫn xuôi ngược các con đường ở quanh thành phố để đón, chở khách. Ông Trần Văn Bi, làm nghề lái xe ôm thường túc trực ở khu vực ga Huế, cho hay: Giờ đa phần nhiều người chọn đi taxi, thỉnh thoảng mới có người đi xe ôm. Hiện nay, dịch bệnh phức tạp, tàu xe cũng vắng khách, nên có lúc anh em trong tổ xích lô xe thồ phải chuyển đến các địa điểm khác.

“Đã làm nghề chạy xe ôm không thể ngồi trong nhà mát đợi khách được, lúc nào cũng phải túc trực ngoài đường. Trưa nắng thì kiếm bóng cây hay quán nước vỉa hè ngồi tránh nắng để giảm bớt sức nóng trong người”, đồng nghiệp ông Bi bồi chuyện.

Đối với những người làm công việc giao hàng, buổi trưa lại là thời điểm tất bật nhất. Nắng gay gắt trên đầu đổ xuống kết hợp với hơi nóng phả ngược lên từ mặt đường, khiến không khí ngoài trời rất ngột ngạt, khó chịu, nhưng anh Lê Văn Công, nhân viên giao hàng ở phường Đúc, TP. Huế phải rong ruổi khắp các ngõ ngách để đưa hàng cho khách. Anh Công chia sẻ, mỗi đơn hàng chỉ nhận từ 7.000 - 10.000 đồng, phần lớn khách hàng đều chọn giao hàng ngoài giờ làm việc, để đạt được chỉ tiêu giao hàng trong ngày, mình phải chấp nhận giao hàng buổi trưa, dù biết thời điểm này thời tiết rất nóng.

Những ngày qua, nhiệt độ ở Thừa Thiên Huế luôn ở ngưỡng 38-39 độ C, có thời điểm lên hơn 40 độ C. Theo dự báo, tình trạng nắng nóng còn kéo dài trong những ngày đến. Dù vất vả, nhọc nhằn, nhiều người vẫn cần mẫn làm việc để trang trải cuộc sống bản thân và gia đình. Năm nay, kinh tế gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, nên nhu cầu kiếm việc làm của lao động tăng cao. Nhất là lao động tự do, miễn kiếm và duy trì được công việc có thu nhập hằng ngày là điều nhiều người mong mỏi nhất.

Trong tình hình thời tiết nắng nóng còn kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc của người lao động, nên việc “giữ sức”, có thời gian, chế độ làm việc khoa học là rất cần thiết để vượt qua đại dịch và thời tiết khắc nghiệt.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh viêm da “trỗi dậy” mùa nắng nóng

Trời oi bức, số lượng người đến khám các bệnh vì viêm da dị ứng tăng cao ở Bệnh viện Da liễu (BVDL) tỉnh. Đây là các bệnh lý thường gặp do nhiệt độ thời tiết tăng cao, da tăng tiết mồ hôi, khiến các loại vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển.

Bệnh viêm da “trỗi dậy” mùa nắng nóng
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 1...

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Return to top