ClockThứ Bảy, 05/06/2021 12:09

“Năm ni trời thương”

TTH - Sớm bước chân ra vườn thấy đất trời mát rượi. Mớ sương đêm qua còn lởn vởn trên mấy quả non, làm cong tua rua của đám bí chưa biết bám vào đâu. Sau một năm khó khăn, dường như trời đất luôn cố gắng bù lại điều gì đó cho con người.

Lại nhớ về năm qua, ngoài dịch giã hoành hành thì thiên tai cũng vô cùng dữ dội. Bao nhiêu công gây dựng bỗng chốc hóa hư hao. Mùa lụt thật lâu của năm ngoái ngâm thối vườn chuối của mạ, nên năm nay nhường đất lại cho những cây bí đỏ. Bí bấu vào đất, vào mớ bùn non để che kín cả khoảnh vườn mà không cần tới một hạt phân nào rải xuống. Chỉ một thời gian ngắn sau, bí cho đọt non để xào, trái non để nấu canh. Nhìn đám màu xanh trước mắt, trong tôi nảy nở về bao điều tốt đẹp. Lại giống mấy mệ già ở quê lẩm bẩm bảo rằng “năm ni trời thương”.

Nghe “trời thương” là bao nhiêu điều lành đang đợi để át đi nỗi sợ triền miên về nắng, gió, bão, lụt xứ miền Trung. Mà mừng nhất có lẽ là người làm nông. “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Nên bao nhiêu nỗi lo lắng bỗng tan biến đi khi cái sự “trời thương” lộ rõ. Như mảnh vườn của mạ, từ vạt ớt, luống đậu, giàn mướp đắng hay cả mấy cây cà chua mọc dại, chúng cứ chi chít trái mà chẳng cần chăm bón gì nhiều.

Mà khi trời đã thương thì ban đều lên tất cả. Dạo một vòng quanh làng mới thấy điều này hiện lên mồn một. Mảnh vườn nào cũng xanh um, cây cối mập mạp. Đôi cây mướp ngọt thả vội nơi hàng rào, rứa mà cũng sum suê. Vạt bắp gieo lưa thưa mà dày hạt bất ngờ. Con người với trời đất đồng điệu trong giây phút này. Trời thương người và người cũng thương lấy người.

Người quê sống bằng tình cảm, bằng những quan tâm giản đơn, mộc mạc. Cứ mỗi lần đi xa trở về mới thấy cảnh quê thương, người quê thân. Ngồi xuống mâm cơm là ríu ra ríu rít. Người gắp món này, người kia mời món nọ. Cứ thế, bữa ăn làm khách mà đong đầy như có mạ, có cha.

Tôi vẫn nghĩ, trong mỗi con người luôn có một điều lành mang theo. Năm khó thì ngọn rau cũng hiếm, sự san sẻ đôi khi thưa dần, đôi khi lẩn khuất đi đâu đó trong nỗi lo cơm áo. Và mỗi lần trời thương trở mình như năm nay, lòng tốt của con người cũng được tưới tắm, nảy nở, như cây xanh trong vườn, hoa quả chi chít trên cây. Lứa bắp đầu mùa, dì hàng xóm cắt tỉa gọn gàng, rồi luộc, rồi gói trong mớ lá chuối đưa sang. Bắp còn non thì nước luộc lên ngọt vô cùng. Dì lại rót vào cái bình để hàng xóm cùng nhau thưởng thức món quà của trời đất. Mạ tôi cũng vậy. Vạt bí “nhung nhúc” trái, mạ lại biếu người này một ít, người kia một ít. Sống trong cái thú nhà quê đôi khi quên mất thị trường, giá cả - vốn không hề biết ngừng biết nghỉ. “Bởi cho đi là còn mãi” – mạ tôi thường nói vậy.

Mấy ngày gần đây, dịch giã lại về. Con người dù nông thôn hay thành thị cũng dâng lên nỗi bất an. Những ca nhiễm, những con số, những F0, F1 cứ xôn xao và xáo trộn đủ điều.

Một ngày như mọi ngày, mặt trời lên và chúng ta thức giấc. Nhưng không phải ánh sáng mặt trời ngày nào cũng giống nhau, điều chúng ta thấy mỗi ngày đều y hệt. Có mới và có cũ, có vui và có buồn, có tĩnh lặng có hân hoan. Bởi vậy, biết những gì mình đang có là cách êm đềm nhất để sống vui mỗi ngày. Chào những ngày mới bằng những gì đang hiện hữu xung quanh như sương sớm nay, trái cà chua chín mọng trong vườn và cả rất nhiều nỗ lực của đất nước trong trận chiến với dịch. Để chúng ta tin hơn vào những điều tốt đẹp phía trước, như “năm ni trời thương” mà con người cảm nhận được.

YÊN THƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết Mỹ đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt, hỏa hoạn và các thảm họa khí hậu khác gây thiệt hại hàng tỷ USD (mỗi thảm họa) trong năm 2023 và nhiệt độ trung bình của nước này cao thứ năm trong lịch sử.

Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023
Malaysia: Hơn 28.000 người phải sơ tán do lũ lụt

Johor và Sabah vừa trở thành những tiểu bang mới nhất ở Malaysia hứng chịu lũ lụt, nâng tổng số khu vực bị ảnh hưởng lên 6 tiểu bang, với số người sơ tán tính đến 6h sáng 27/12 (giờ địa phương) tăng lên 28.310 người, so với 25.938 người được ghi nhận trước đó vào tối 26/12.

Malaysia Hơn 28 000 người phải sơ tán do lũ lụt
Return to top