ClockThứ Hai, 08/04/2019 14:57

Ngày dịu nắng

TTH - Có ngày trời nổi cơn gió nhè nhẹ, mặt nước trên con sông quanh Thành nội sóng gợn lăn tăn. Con nắng hiền ngoan, nhẹ nhàng lướt qua rồi ẩn vào trong những đám mây lang thang trên bầu trời. Những chiếc lá non của cây hoa súng đã vươn lên, điểm xuyết bằng những khóm màu hồng hồng trên mặt nước, rồi đây, những chiếc lá non ấy sẽ lớn nhanh, sẽ đổi màu xanh và nằm êm đềm trên mặt hồ.

Yêu lắm, đồng phục ơi!

Buổi sáng, con chim bói cá chao liện trên mặt nước, nhanh như chớp cắp được một chú cá nhỏ để làm món điểm tâm. Sau khi đánh chén xong bữa sáng, nó bay ra đứng trên một cọc tre giữa sông bắt đầu rỉa lông. Cái bộ lông màu lạ kỳ, bên trên màu xanh dương, bên dưới màu vàng sẫm pha nâu. Tôi nhìn theo con chim đang làm duyên dưới nắng, soi mình dưới mặt sông mà thấy cuộc đời bình yên quá đỗi. Giữa bộn bề lo toan của cuộc đời, liệu ai có thể đủ thời gian ngồi ngẩn ngơ quan sát một chú chim bói cá đang sống một cuộc đời bình thường như mọi ngày.

Góc Thành nội xanh màu rêu phủ trên những viên gạch cổ, một đám chuồn chuồn kim đang bay quanh những ngọn đèn, chợt nhớ đến câu "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm". Những chú chuồn chuồn đang bay lững thững trên bức tường thành hứa hẹn một ngày trời lâm râm vơi nắng.

Và kia, hàng liễu trong khuôn viên Đại Nội đã trổ những bông hoa đỏ như lửa bừng lên trong đám lá xanh um nhìn như đang muốn kiệt cùng gây sự chú ý. Cũng đúng thôi, liễu thường gắn với nỗi buồn, với ủ rũ, lê thê nên tạo hóa đã công bằng khi chấm một ít màu rực rỡ để giảm bớt thê lương chăng? Tôi cũng không biết nữa, chỉ thấy trước mắt mình đẹp như một bức tranh thủy mặc mà thôi.

Huế của những ngày tháng ba, khi những tà áo dài xưa bay phất phới duyên dáng trong khuôn viên Đại Nội. Đã lâu lắm rồi mới thấy Huế có thật nhiều áo dài. Ngày xưa, thời tôi còn là nữ sinh, hầu hết các trường trung học phổ thông ở Huế đều bắt buộc học sinh nữ mặc áo dài cả tuần. Thời đó, đi học cũng toàn đi xe đạp, giờ tan học, nữ sinh trong tà áo dài trắng ùa xuống đường như mây xuống phố. Bây giờ, chẳng còn trường nào yêu cầu mặc áo dài cả tuần và xe đạp điện thay thế những chiếc xe đạp mini, áo dài chỉ được mặc vào dịp đầu tuần, vậy nên đôi khi ước được thấy mây ùa xuống phố như ngày xưa mà khó quá.

Huế của một ngày dìu dịu nắng, những đám mây trắng nhởn nhơ rong chơi trên bầu trời và những tà áo dài trắng tung bay trong gió, chợt giật mình cứ ngỡ tuổi mười sáu trở về trong một sáng bình yên.

Nam Giao

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024
Nữ sinh biến đam mê thành thành tích

Từ niềm đam mê những bước chạy, nữ học sinh Trường THCS Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - Ngô Thị Đoan Trang đã nỗ lực tập luyện để đem về liên tiếp những tấm huy chương Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc.

Nữ sinh biến đam mê thành thành tích
Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động đưa áo dài ngũ thân vào trường học.

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường
Return to top