ClockThứ Sáu, 23/08/2024 06:18

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

TTH - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động đưa áo dài ngũ thân vào trường học.

Mặc áo dài ngũ thân tham quan Huế bằng xích lôÁo dài vào đời sốngÁo dài ngũ thân - có thể là đồng phục học đường?

 Từ năm 2023, trường THPT chuyên Khoa học đã thường xuyên tổ chức hoạt động về cổ phục cho học sinh

Là tiền thân của áo dài hiện đại, đặc điểm của áo “cổ phục ngũ thân” là lượng vải sử dụng nhiều hơn áo dài thông thường, dáng áo may theo lối xưa, phù hợp làm trang phục cho mọi tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, so với áo dài hiện đại chiết eo, khoe dáng thanh, đường cong của người sử dụng… thì ngũ thân có giá trị “dân sinh” cao, vì dáng áo rộng rãi, dễ cử động, không kén dáng người mặc... Trên hết, nó mang linh hồn dân tộc, “quốc hồn quốc túy” nên dễ đi vào lòng người khi được phục dựng.

Gắn bó với thời trang may mặc, mang tình yêu sâu nặng với áo dài cổ phục, chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SH, từ 2 năm trước đã nung nấu ý tưởng “lan tỏa tình yêu cổ phục trong giới trẻ”. Năm học 2024 - 2025 là thời điểm chín muồi cho dự định, với bước đi đầu tiên là liên hệ với các trường THPT trên địa bàn để triển khai. Ngay trong những ngày cuối hè, khi các trường khẩn trương chuẩn bị cho mùa khai giảng, chị Hạnh và các thành viên tham gia hoạt động đã liên hệ với một số trường THPT trên địa bàn thành phố, tặng mỗi trường một số bộ áo ngũ thân tay chẽn cho nữ sinh.

“Ngũ thân vốn dành cho cả nam và nữ, nhưng ngày nay hình ảnh áo dài trở thành dấu ấn của nữ sinh Việt Nam, với nam sinh vẫn… chưa quen mắt. Nên trước mắt, hoạt động hướng đến đối tượng là nữ, để thay vì chỉ mặc áo dài trắng truyền thống, các bạn sẽ có thêm một lựa chọn mới, đó là áo ngũ thân”, chị Hạnh chia sẻ. Những địa chỉ đầu tiên được Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế hướng đến là Trường THPT chuyên Khoa học, Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THPT Gia Hội, mỗi trường thí điểm một lớp.

Tại Trường THPT chuyên Khoa học, một trong những đơn vị đầu tiên và nhiệt tình nhận lời tham gia vào hoạt động này, TS. Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ năm 2018, khi nội dung về giáo dục của địa phương được thêm vào chương trình giáo dục phổ thông, nhà trường rất quan tâm đưa vào các tiết học, hoạt động ngoại khóa có nội dung về di sản, văn hóa Thừa Thiên Huế, trong đó có lịch sử của áo dài. Nhận thấy ý tưởng hoạt động phù hợp với hướng đi của nhà trường, chúng tôi coi sự đồng hành với Hiệp hội là sự phối hợp đẹp giữa lý thuyết và thực hành nên đồng ý triển khai ngay”.

Chỉ 3 ngày sau quyết định, đại diện Hiệp hội đã đến tận trường lấy số đo cho từng nữ sinh tham gia hoạt động (lớp 10 chuyên Văn) để kịp khai giảng. Theo thầy Hùng, nữ sinh lớp 10 Văn sẽ mặc áo ngũ thân vào ngày thứ Hai tuần đầu tiên của mỗi tháng, những ngày thứ Hai khác vẫn mặc áo dài trắng. Có thể sau một học kỳ, trường sẽ lấy ý kiến của từng học sinh để xem việc đưa áo ngũ thân thành đồng phục trong nhà trường có phù hợp không. “Cần có thời gian để các em trải nghiệm sinh hoạt trong bộ đồng phục mới trong mưa, nắng của Huế. Từ đó, mới có những dữ liệu đánh giá chính xác về việc mặc áo dài ngũ thân đến trường”, thầy Hùng cho biết.

Việc triển khai đưa áo ngũ thân truyền thống vào trường học của Hiệp hội nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp về áo dài, như: Áo dài Huế SH, Áo dài Nguyên Trang, Áo dài Quang Hòa, Tran Thien Khanh Design, Hoa Nghiêm Việt Phục, Áo dài Đoan Trang. Họ là những tên tuổi có tiếng trong giới áo dài Huế nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời là những người hoạt động năng nổ trong công cuộc xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, nhiệt tình ủng hộ không chỉ về tinh thần mà cả vật chất. Cụ thể, đã ủng hộ từ công đến vải may áo dài cho nữ sinh các trường tham gia hoạt động, may đo riêng cho các em. Tổng số áo dài ngũ thân truyền thống mà 6 đơn vị áo dài dự kiến trao tặng cho 3 trường THPT sẽ là gần 200 bộ.

 “Việc đưa áo ngũ thân vào trường học sẽ giúp giới trẻ “làm quen, làm thân và yêu mến” tà áo dài ngũ thân không phải “từ trong sách sử bước ra", mà từ trong cuộc sống, từ những năm tháng đầu đời dưới mái trường. Hiểu, gắn bó với trang phục truyền thống của dân tộc, các em thêm tự hào, thêm yêu văn hóa của quê hương, yêu mảnh đất Cố đô Huế. Hoạt động này là tiếng nói hưởng ứng của Trường THPT chuyên Khoa học đối với việc thành phố Huế đang hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, thầy Hùng nhận định.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường (7/11):
Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường

Trong một báo cáo được công bố nhân Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường, bao gồm cả bắt nạt trên mạng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, cứ 3 học sinh thì có gần 1 học sinh trên toàn thế giới đã bị gây tổn hại về thể chất ít nhất 1 lần trong năm.

Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường
Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

Phòng, chống bạo lực học đường Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

TIN MỚI

Return to top