ClockThứ Sáu, 21/04/2023 06:52

Ngày tôn vinh văn hóa đọc

TTH - 21/4/2023 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, tôn vinh các giá trị mà sách đem lại, có nghĩa là tôn vinh tri thức, sự hiểu biết, một giá trị cao quý của nhân loại mà nhà Phật gọi là “duy tuệ thị nghiệp” – sự nghiệp để lại không gì quý bằng trí tuệ, học vấn, sự hiểu biết…

Lan tỏa văn hóa đọc & phát động quyên góp trao tặng sáchChia sẻ niềm vui sưu tầm sách báo cho 300 học sinh Sách là động lực sống

leftcenterrightdel
 Học sinh Trường THCS Phú An đọc sách, truyện trong giờ giải lao. Ảnh: T. QUYÊN

Người xưa nhờ chuyên cần đọc sách - đọc và học ở sách mà họ đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá, kể cả việc phòng vệ đất nước.

Ngày trước, Việt Nam chỉ có sách chữ Hán, chữ Nôm, sau này mới có sách chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latin. Thời hiện đại, chúng ta có cả sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga… Lại có cả báo chí, tất cả các ấn phẩm ấy đã hình thành, phát triển, giao thoa, tiếp biến - kế thừa và sáng tạo nên các công trình khoa học, văn học, y học, thiên văn, địa lý, binh thư,… được phổ biến dưới dạng cuốn sách. Nó giúp người đọc hiểu rộng hơn, sâu hơn về các mặt của đời sống xã hội. Chúng ta biết được những truyền thuyết, huyền thoại, những câu chuyện xưa - rất xưa là nhờ có sách ghi chép để lại. Nhưng khi có sử sách rồi mà ta không đọc thì cũng không thể hiểu biết được những gì người xưa viết, để lại những gì trong đó.

Sách gợi cho người đọc nói chung - người học nói riêng sự cảm thức, cảm hứng để duệ trí đi đến chiều sâu của nội hàm văn hóa. Đọc sách để tự mình hiểu biết rộng hơn, sâu hơn. Rất cần ở người đọc một thái độ cầu thị, lắng nghe “Sách nói” và tiếp thu những điều sách viết. Sách vừa là bạn, vừa là thầy chúng ta! Về phương diện bạn thì sách là người tri âm tri kỷ - một người bạn không bao giờ tức giận hay mỉm cười, người bạn thủy chung, trung thành với ta. Nhờ người bạn này, trong khó khăn “ta vịn bạn mà đứng dậy” như vị thần cứu rỗi số phận, mở lối cho ta hướng đến một ý niệm, chân lý mới - một hướng đi mới. Sự thành công có được nhờ đọc sách thì sách chính là thầy chúng ta. Một người thầy chỉ biết cung cấp khối lượng tri thức và mỉm cười trong tâm thức mà thôi.

Đọc sách - đọc đúng những cuốn sách tùy theo trình độ và tuổi tác sẽ giúp ta cân bằng trạng thái trong sự bi quan chán nản, hụt hẫng vì hoàn cảnh cuộc sống. Sách giúp chúng ta sáng suốt hơn trong cách lý giải, xử lý những vấn đề “khúc mắc” của xã hội, của gia đình, của chính bản thân và các mối quan hệ một cách có văn hóa. Và, một cuốn sách được viết ra là kho kinh nghiệm sống của mỗi tác giả. Họ viết sách, trước hết họ phải đọc hàng chục, thậm chí hàng trăm cuốn sách trước khi viết nên một cuốn sách. Đó chính là tri kiến của họ được giãi bày, phân tích, bổ sung cái mới của mỗi người, của một xóm, một làng của cộng đồng dân cư và rộng hơn là của nhân loại.

leftcenterrightdel
Sách vừa là bạn, vừa là thầy chúng ta (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo phước 

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt hơn 30 mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, nhờ chuyên cần đọc sách, báo – đọc và học nghiêm túc ở sách báo, Người đã tìm ra con đường đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Lúc sinh thời, nhà văn hóa chính trị Phạm Văn Đồng thường khuyên mọi người dù ở cương vị nào thì mỗi tháng cũng nên đọc một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn sách chính trị… Vì trong đó là trường học về cách ứng xử, cách điều hành xã hội được tiểu thuyết hóa các tuyến nhân vật giống như thật.

Ai cũng biết, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có những câu hỏi nằm ngoài kiến thức học ở nhà trường – không có trong nội dung giảng dạy, nó nằm ở các sách tham khảo, sách nghiên cứu, sách chuyên ngành. Các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử nước ta, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945, về quê hương cố thổ hay về một nơi ta đang sống… Rất khó trả lời dù câu hỏi không quá khó. Vì chúng ta không đọc thêm ở các cuốn sách liên quan này. Nếu không đọc thì ngay đến gốc gác, bản quán, tổ tiên ông bà mình ta cũng không nắm rõ.

Có người nói, tôi không đọc sách nhưng được nghe kể - nếu ta chỉ nghe kể những chuyện thường ngày để thi vị hóa nhịp điệu cuộc sống đang diễn ra vốn dĩ chẳng cần ghi chép – cứ thế trôi đi. Còn những sự kiện, những hình thái nhân văn mang màu sắc triết lý, đạo đức chuẩn mực mà chỉ nghe kể thì tam sao thất bản; càng nghe kể càng xa sự thật. Chính vì thế, mới có chuyện chính bản và “dị bản” là vậy. Nếu không đọc sách, báo thì ta sẽ không hiểu đúng về chủ quyền đất nước, về biên giới hải đảo, về Biển Đông. Do vậy chúng ta phải tự đọc lấy. Đọc để hiểu đúng - sai, đọc để xác tín giữa hư cấu của văn chương và sự thật lịch sử.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng từng nói: “Học sử để sống với người đã chết. Học địa là để sống với non sông đất nước”. Cả hai môn này rất cần phải đọc ở nhiều sách, báo ta mới hiểu giá trị tư tưởng yêu nước của cụ Huỳnh – một nhà nho khí phách, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Dĩ nhiên là đọc sách cũng cần phải lựa chọn – đọc cuốn sách nào phù hợp với hoàn cảnh, công việc, tuổi tác, trình độ cảm thụ để dễ dàng tiếp nhận. Đọc phải chuyên cần, xem việc đọc sách cũng là công việc học tập, vì đọc sách báo cũng là một cách rèn luyện trí nhớ, cân bằng trạng thái do tác động từ bên ngoài...

Tóm lại, đọc sách nói chung là để tiếp thêm năng lượng sống, một trạng thái chứa đầy khát vọng vươn tới những điều mơ ước cao đẹp trong cõi nhân gian này. Đó là lối sống và lao động có văn hóa. Ngoài chuyện học hành, đọc sách còn giúp ta tự tin hơn trước những biến cố có thể xảy ra trong cuộc đời này. Càng đọc sách ta càng “nghiện” trở thành thói quen như hít thở không khí hàng ngày. Và sự thật, đối với tôi, đọc sách – học ở sách giúp tôi lớn lên rất nhiều, vì cuốn sách hay chính là người thầy giỏi luôn bên cạnh ta.

Năm nay, từ ngày 16 đến 22/4, Huế được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là nơi tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2. Thêm một lần nữa, Huế được tôn vinh bởi các giá trị mà sách và văn hóa đọc đem lại.

DƯƠNG PHƯỚC THU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Return to top