ClockThứ Năm, 15/08/2024 06:03

Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân

TTH - Vùng đồi Thủy Xuân, TP. Huế nổi tiếng với những ngôi chùa cổ như Từ Hiếu, Đông Thuyền, Bảo Lâm, Châu Lâm, Diệu Nghiêm... Lạc bước vào chốn mây gió tiêu diêu với nhiều rặng thông vi vu trên những sườn đồi này, vào buổi sớm tinh mơ hay khi hoàng hôn về, nghe trong gió tiếng chuông chùa ngân vang và cả những tiếng mõ đều đều từ những cánh cửa chùa vọng lại. Chợt thấy lòng êm dịu và thanh thản lạ thường.

Lần về dấu xưaMột nghề cho chín...

 Thợ làm mõ

Không biết có phải vì là vùng đất thiêng hay không mà ngay trên đồi Thủy Xuân, từ gần trăm năm nay đã hình thành một xóm làm mõ. Đó là nơi tiếp giáp giữa phường Thủy Xuân và phường Phường Đúc của thành phố Huế. Bao quanh xóm là những ngôi chùa cổ và những nghĩa trang đã có từ lâu đời. Đứng ở đây có thể nghe tiếng mõ lóc cóc suốt ngày, bởi những người thợ luôn phải thử tiếng thật kỹ để đục đẽo, gọt dũa sao cho những chiếc mõ của mình có tiếng hay nhất, trầm ấm và “thức tỉnh” nhất.

Nổi tiếng với nghề làm mõ ở Thủy Xuân phải kể đến 3 anh em họ Phạm là Phạm Ngọc Hải, Phạm Ngọc Phúc, Phạm Ngọc Đức. Họ là cháu nội của ông Phạm Ngọc Dư, là con trai của ông Phạm Ngọc Dũng - những người thợ làm mõ điêu luyện của làng nghề Thủy Xuân một thời. Ông Phạm Ngọc Dư được xem là “ông tổ” của nghề làm mõ ở đây với nhiều lứa học trò nay đã “đem... mõ đi đánh xứ người”. Tiếng mõ của họ đã vang xa đến khắp mọi miền của đất nước, và cả ở những chốn thiền môn của người Việt khắp năm châu. Người học trò khá nổi danh của gia đình họ Phạm được nhiều người đến là nghệ nhân Lê Thanh Liêm, người mà cách đây 14 năm, đã mang tới đại lễ 1000 năm Thăng Long chiếc mõ khổng lồ nặng tới 250kg.

Nghề làm mõ ở đây thật lắm công phu. Từ việc phải chọn được những thân mít già, gỗ đặc, tốt, láng mịn, khi chạm trổ không để lại những vết nứt trên thân gỗ. Chiếc mõ quý phải được làm từ một đoạn thân mít già nguyên khối, không hề có sự lắp ghép từ các mảnh gỗ. Người thợ mõ phải thật khéo tay, tinh mắt trong từng công đoạn: Xẻ gỗ, làm phôi, lên hình hài cho chiếc mõ, đục đẽo, chạm trổ, lấy tiếng, sơn phủ và làm nguội. Phần lớn các công đoạn đều làm bằng tay, máy móc chỉ can thiệp ở một số phần việc cần giải phóng sức người như cưa, xẻ, mài, sơn... Nhưng quan trọng nhất vẫn là đôi tai thẩm âm. Theo Phạm Ngọc Hải, người anh cả của 3 anh em nhà Phạm Ngọc, đó là bí quyết của người làm mõ.

“Mõ kích thước nào thì có tiếng phù hợp với kích thước đó. Nhưng kích thước của không gian đặt chiếc mõ mới quyết định tất cả, không thể đặt một chiếc mõ nhỏ trong một không gian quá rộng và ngược lại. Vì vậy khi khách hàng đặt một chiếc mõ, mình phải nắm được không gian mà chiếc mõ này sẽ được đặt ở đó để định lượng kích thước sẽ làm”. Hải còn cho biết, bí quyết để chiếc mõ phát ra tiếng và có âm thanh hay, đủ độ vang và độ trầm, phải biết cách đục bụng cho mõ. Sau khi đã hình thành hình hài cơ bản cho chiếc mõ, người thợ sẽ khoan hai lỗ tròn cân xứng hai bên bụng mõ, từ đó sẽ dùng tay điều khiển chiếc đục đi sâu vào thân gỗ, đục rỗng ở phía trong. Đục xong cơ bản thì sẽ xẻ một cái rãnh đi qua bụng mõ, nối hai lỗ tròn và thông vào lớp rỗng phía trong. Bụng mõ lúc này giống như một hộp cộng hưởng âm thanh. Khi có chiếc dùi gõ vào phía bên ngoài bụng, âm thanh sẽ cộng hưởng phía trong rồi đi theo rãnh thoát ra ngoài thành tiếng mõ.

 “Không có nghề không làm được mô chị. Có khi em phải vào chùa, nghe thật kỹ âm thanh của những chiếc mõ cổ rất hay được các thầy giữ gìn như bảo vật trong đó, rồi nhớ thật kỹ để chỉnh âm của những chiếc mõ của mình mới vừa lòng các sư thầy khó tánh”, Hải cười tâm đắc khi nói về công việc này của mình.

Thường thì các thợ thuê công bên ngoài chỉ được giao các công đoạn làm gỗ và chạm trổ. Lấy tiếng cho mõ nhất định là phải người trong nhà để bí quyết không bị lộ ra. Mà phải được giao cho ai có đôi tai thẩm âm thật tốt, nhát đục thật khéo và kín kẽ. Chiếc mõ sau khi hoàn thiện tất tần tật, việc cuối cùng còn lại là thử âm và lấy lại tiếng cho tròn trịa, người ta gọi là “gọi tiếng cho mõ”. Đó là những nhát đục cuối cùng cực kỳ tỉ mỉ, chỉ cần chệch đi một tí thì đường tiếng sẽ hỏng, chiếc mõ coi như vô dụng.

Mõ Huế có hình hài đẹp là nhờ khâu đục đẽo, gọt dũa và chạm trổ khéo, nhìn cân đối, chắc khỏe nhưng vẫn mềm mại và đậm chất thiền. Nét hoa văn chủ yếu là những vảy cá, đầu rồng theo tuồng tích cá hóa rồng và một số họa tiết dây leo, hoa lá, thư pháp đậm chất Huế.

Hiện Thủy Xuân có hai cơ sở làm mõ của anh em nhà Phạm Ngọc và của nghệ nhân Lê Thanh Liêm. Mỗi tháng mỗi cơ sở sản xuất được khoảng vài trăm chiếc mõ khác nhau. Những chiếc mõ mang thương hiệu Huế không chỉ được lưu hành tại địa phương, mà còn đi khắp nơi trong nước và cả xuất ngoại. Kích thước mõ cũng khá đa dạng, từ 10cm - 15cm cho đến những chiếc mõ khổng lồ có đường kính 1,2m. Hoa văn cũng có những biến tấu tinh xảo và thú vị.

Huế được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo một thời, và hiện nay vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ ở Huế đều có mặt những chiếc mõ được sản xuất từ làng nghề Thủy Xuân, trong đó có những chiếc mõ cổ hơn trăm tuổi.

Và những chiếc mõ Huế vẫn đang còn đi xa hơn thế nữa…

Bài, ảnh: Nguyên Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Chắp cánh" cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa

Sau 2 ngày diễn ra Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề do Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Hương Trà phối hợp tổ chức tại công viên trung tâm thị xã, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP của địa phương có thêm cơ hội để vươn xa...

Chắp cánh cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa
Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách

Cùng với các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử trên địa bàn, du lịch làng nghề truyền thống đã và đang được du khách ưa chuộng khi nhiều cơ sở kinh doanh, làng nghề triển khai nhiều cách làm hay vừa giúp tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, vừa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách
Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

Những tà áo dài được các nhà thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng các giá trị làng nghề truyền thống xứ Huế được trình diễn giữa sân khấu cộng đồng khiến người xem hào hứng, bất ngờ.

Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

TIN MỚI

Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệpTìm hiểu cv là gì
Return to top